(GLO)- Tết truyền thống của đồng bào H'rê tỉnh Quảng Ngãi thường vào mùa tháng ba khi hoa gạo nở, đỏ rực trên khắp núi rừng và đêm về vầng trăng tỏa sáng lung linh khắp buôn làng, trai gái hát, nhảy những điệu ca lêu, cachoi, quanh bếp lửa hồng bập bùng. Cái Tết đầy thi vị này đã hòa nhập cùng với Tết truyền thống của dân tộc từ lâu, nhưng giá trị văn hóa vẫn còn nguyên vẹn.
Đã có nhiều lần chúng tôi về các làng vùng cao Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi đón trọn cái Tết của đồng bào H'rê diễn ra mang đậm các lễ tục. Những ngày áp Tết, khi ánh nắng xuyên qua những kẻ lá, núi đồi ấm dần, chị em người H'rê vào núi sâu để hái lá dong, ngâm nếp gói bánh gà gù. Đàn ông lo bắt gà, sửa sang nhà cửa, xem lại những chiếc chiêng, chặt lồ ô làm đàn vinh vút… và bắt con cá dưới suối về nuối chua, ăn kèm với bánh lá dong trong những ngày Tết.
Uống rượu cần-một thức uống không thể thiếu của người H'rê trong dịp Tết. Ảnh: Trường An |
1. Trước khi bà con quây quần bên đầu tra (đầu nhà sàn) hát, múa, đánh trúc chinh, ăn, uống rượu cần no say, đêm của ngày trước gia chủ phải làm các thủ tục để "mở cửa" cho tết vào nhà. Nghi lễ đầu tiên đón Tết được tiến hành ngay cửa chính. Vợ chồng mỗi chủ nhà H'rê phải chuẩn bị một nghi lễ, gồm: một quả trứng gà, trầu cau, gạo và muối để làm lễ "vô lá" (gói bánh gà gù).
Rồi mời thầy cúng đến khấn vái với nội dung là rước thần linh, tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình gia chủ. Cầu mong cho gia đình năm mới được mùa, no đủ; cầu mong thần linh ban cho niềm tin chống lại kẻ xấu, điều ác, có sức mạnh đối phó với tai họa thiên nhiên. Khi lời khấn kết thúc, phụ nữ, con gái mặc áo mới truyền thống với đầy hoa văn, ngồi quay quần bên mâm nếp với đầy lá dong, dây lạc gói bánh gà gù. Đàn ông nhóm lửa, lấy nước từ mạch nguồn núi xa đem về đổ vào nồi để nấu bánh. Bếp lửa bập bùng làm ấm cả gian nhà.
Sau khi nồi bánh được đặt lên bếp, thì ngoài sân, trai tráng trong làng đã vác những gộc củi to để đốt lửa. Ánh lửa bập bùng sáng trong đêm, những điệu nhạc ca lêu, ca choi, những hồi chiêng cũng nổi lên liên hồi. Trời dần về khuya âm thanh của tiếng chiêng, tiếng đàn vinh vút càng vang xa như đánh thức, như xua tan mùa đông lạnh lẽo, để đón chào mùa Xuân trở về.
2. Đêm tàn: Trai gái trong làng say trong niềm vui, say trong ánh mắt nụ cười trao nhau khi hòa trong cùng một điệu nhạc, điệu nhảy múa ca lêu, ca choi. Đây cũng là lúc chủ nhà mời thầy cúng bước vào một nghi lễ thứ hai đó là lễ "khui rượu cần". Nhà khá giả, ngày Tết có từ 5 đến 6 chóe rượu cần trở lên. Họ để một góc nhà hay xoay quanh bên bếp lửa. Lễ khui rượu cần, phải có mặt gia chủ. Họ chuẩn bị một canh nước trong, lấy từ mạch nguồn của núi xa mang về từ trước Tết.
Phụ nữ H'rê Ba Nam (Ba Tơ) đánh đàn vinh vút (một nhạc cụ làm bằng ống lồ ô) khi mùa Xuân về. Ảnh: Trường An |
Theo quan niệm người xưa, mỗi khi khui rượu chóe để cúng thần linh, chủ nhà luôn cầu mong cho chóe rượu thơm ngon, vị ngọt, vị đắng đều nhau, quyện vào nhau, để sau khi cúng thần linh, khách đến dự uống không biết chán, say không biết đường về... thì Tết mới vui, mới ý nghĩa, gia đình mới ưng cái bụng. Vì vậy, trước khi làm rượu những người phụ nữ H'rê phải lo chuẩn bị nguyên liệu: mì, nếp hay bắp... từ hai tháng trước Tết. Ngoài sử dụng nguyên liệu cách chế biến men, các bà, các mẹ phải có đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của người phụ nữ trong gia đình để ủ rượu.
Ngày làm lễ khui rượu, theo kinh nghiệm của thầy cúng thì khi thấy lá chuối bịt kín miệng chóe rượu cần khô, trở sang màu vàng úa, bay mùi thơm, tức là rượu đã chín, uống được... Chủ nhà lấy nắm triêng bứt trong rừng đã để sẵn cắm sâu vào đáy chóe rượu. Rồi đổ nước lạnh vào cho đầy chóe. Sau khoảng 15 phút men rượu ngấm ra, chủ nhà hút (gọi là min) một hơi để ném vị, rồi bắt đầu mời khách. Chúng tôi cũng được mời như người khách đặc biệt ở làng.
Đàn ông đánh chiêng mỗi mùa Xuân về. Ảnh: Trường An |
Có cô gái H'rê mặc váy hoa ngồi bên múc ca nước đổ vào chóe rượu. Người đưa triên vào miệng phải min hết số rượu tương ứng với lượng nước mà cô gái vừa đổ vào. Sau khi min hoàn thành ca rượu cà rõ thì đến lượt người khác. Cứ hết đợt đến đợt, đoàn chúng tôi đã có người không kham nổi tửu lượng của men rượu rừng nhưng vẫn không thoát được bàn tay rắn chắc của cô gái người H'rê rót nước giữ để min...
Đêm càng về khuya, trai gái trong làng, già trẻ quay quần ben chóe rượu. Men rượu, men tình yêu đôi lứa, tình yêu xóm làng, tình mến khách cứ thế theo dòng rượu đầy ngấm vào cơ thể. Họ uống vui, uống quên đi những mệt nhọc lo toan đời thường năm qua... rồi say mềm lăn ra sàn ngủ đến sáng.
3. Vào ngày Tết thứ hai, khi tiếng gà rừng cất tiếng gáy, khi sao mai còn lấp lánh trên bầu trời, gia chủ phải dậy để lo làm lễ cúng trâu. Đêm giao mùa ở vùng cao, tôi cũng không tài nào chợp mắt, vì quá lạnh. Vì thế, mà chúng tôi đã hiểu hơn về tập tục cúng trâu của người H'rê. Đối với người H'rê con trâu là cánh tay đắc lực giúp họ kéo cày, bừa, giải quyết lúc gia đình khó khăn... nên lễ cúng trâu đặc biệt quan trọng. Mặc dù, trời còn mờ sương, mưa xuân rơi lả tả, nhưng họ vẫn chuẩn bị một nghi lễ tươm tất: Con gà sống, rượu, trầu câu... và trãi chiếu hoa trước cổng trâu để làm lễ, khấn vái cầu mong cho con trâu khỏe mạnh, mập tròn như trái sim, để kéo cày, bừa tốt, đẻ được nhiều con.
Lễ cúng trâu vừa xong, thì trời cũng bắt đầu tảng sáng, "chủ nhà dọn cơm nấu trong nồi bẩy, cùng rượu thịt, bánh lá dong... mời bà con xóm làng cùng cả nhà ăn uống no say. Người lớn tuổi kể cho con cháu nghe, tự hào về truyền thống dân tộc mình, buôn làng mình; dân làng tập trung vui hát các làn điệu dân ca của người Hrê; con trai trổ tài đánh chiêng, múa gươm, phóng lao, đánh vật, leo núi; các cô gái trổ tài nhảy múa, đánh đàn vinh-vút (loại nhạc cụ làm bằng hai ống lồ ô của người Hrê), khoe vòng kiềng và những bộ váy thổ cẩm truyền thống do tự mình diệt lấy". Cuộc vui kéo dài trong suốt những ngày Tết... Theo tiếng nhạc tiếng chiêng vang khắp các núi rừng, bà con các làng bên đến chia vui, mừng năm mới... Các bản làng H'rê Ba Tơ lại rộn ràng đón Xuân.
Trường An