(GLO)- Được nhiều người đánh giá là liều lĩnh khi dám “trút” số tiền lớn vào một vùng đất mà đa phần các nhà đầu tư đều né tránh vì cho là cằn cỗi và khó phát triển. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã thực sự cho thấy những bước tiến thành công của mình trên mảnh đất Attapeu-Lào.
Cách trồng cây công nghiệp “khác người”
“Liều ăn nhiều” là lời ví von rất thực tế mà nhiều người dành cho HAGL trước những thành công mà Tập đoàn này đã đạt được khi đầu tư trên đất nước Triệu Voi. Cái liều mà người ta đề cập đến ở đây chính là liều trong quyết định “rót” vốn làm ăn vào một tỉnh thuộc diện nghèo nhất của nước Lào và liều trong cả sự mạnh dạn đi đầu ứng dụng những công nghệ hiện đại vào trồng trọt, chế biến.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức-Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn HAGL, cây cao su là cây công nghiệp dài hạn, nằm trong chiến lược ưu tiên đầu tư số một của Tập đoàn. Từ những nghiên cứu, khảo sát vào năm 2005, đến năm 2007, HAGL đã hiện thực hóa giấc mơ khi trồng những cây cao su đầu tiên trên đất nước Lào. Đây được xem là bước đột phá mới trong sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, ngoài các ngành kinh doanh đã mang lại thương hiệu HAGL từ nhiều năm nay như: sản phẩm chế biến từ gỗ, địa ốc… Theo thống kê của Tập đoàn, đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su mà HAGL đã trồng xong tại ba nước Đông Dương là 44.000 ha. Đặc biệt, nhiều diện tích đã bắt đầu đưa vào khai thác sớm hơn so với kế hoạch đề ra.
Ông Phạm Thanh Thủ (áo trắng đứng cạnh cây cao su) giới thiệu với khách tham quan về quy trình trồng cao su HAGL trên đất Lào. Ảnh: Hồng Thi |
Đưa chúng tôi đi tham quan các nông trường cao su ngút ngàn xanh mướt từ 3, 4 năm tuổi đến những khu vực đang cho ra những dòng “vàng trắng” đầu tiên, ông Phạm Thanh Thủ-đại diện Tập đoàn HAGL tại Nam Lào, cho biết: Để có được những cây cao su chắc chắn, xanh tốt quanh năm như hiện tại, HAGL đã đón đầu và áp dụng công nghệ mới. Thay vì khoan hố sâu 60 cm, chúng tôi khoan 1,2 m để rễ cây ăn sâu, hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng từ đất tốt hơn. Toàn bộ diện tích trồng đều được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với các thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Israel. Nhờ tưới nước trong suốt mùa khô, cao su HAGL không bị rụng lá. Việc bón phân cũng được thay đổi từ 2 lần thành 4 lần trong năm (trước và sau mùa mưa) để cây cao su có thể hấp thụ tốt hơn.
Ông Thủ cũng giới thiệu với chúng tôi về quy trình vận hành tưới nước, xịt thuốc và bón phân mà HAGL đang áp dụng với kỹ thuật canh tác hiện đại. Theo đó, nguồn nước được lấy từ 4 con sông chính là Nậm Kông, Sê Kông, Sê Xụ, Sekamạn bơm lên các hồ nước nhân tạo (diện tích 1 ha) rồi chuyển tiếp vào các hồ nhỏ hơn. Tại đây, các kỹ thuật viên sẽ pha thuốc, phân bón vào nước. Sau đó, hỗn hợp dung dịch được phân phối tới cây bằng hệ thống ống ngang dọc có đục lỗ, tạo van áp suất tại từng gốc cao su. Điều này giúp giảm lượng hao hụt phân, thuốc cũng như chi phí nhân công.
Tham quan một trong những hồ chứa nước rộng 1 ha mà HAGL đầu tư để tưới cao su. Ảnh: Hồng Thi |
Nhờ những biện pháp cải tiến trên, cao su HAGL có tốc độ phát triển cao, chỉ sau 4 năm là đủ tiêu chuẩn để khai thác thay vì phải mất 6-7 năm như thông thường. Thời gian cạo mủ trong năm cũng tăng lên đáng kể với năng suất dự kiến sẽ đạt bình quân 2,5 tấn/ha. Khi toàn bộ diện tích vườn cây đi vào khai thác, sản lượng mủ cao su hàng năm thu được sẽ lên đến 100 ngàn tấn, mang về thu nhập 300 triệu USD/năm và tạo ra việc làm ổn định cho khoảng 15.000 lao động.
Cùng với cao su, cây mía cũng lần đầu tiên hiện diện trong chiến lược phát triển kinh doanh của HAGL trên mảnh đất Attapeu cằn cỗi, lạc hậu. Ông Đoàn Nguyên Đức cho hay, việc trồng mía tại Attapeu hoàn toàn khác với các nước trên thế giới. Không trồng mía theo cách truyền thống, HAGL đã tiến hành cơ giới hóa và công nghiệp hóa tất cả các khâu từ làm đất, làm cỏ, bón phân, tưới nước, thu hoạch cho đến khâu sản xuất và đóng gói thành phẩm. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên ở Lào được cơ giới hóa hoàn toàn. Hệ thống tưới tiêu cũng được bố trí trên toàn bộ diện tích, đảm bảo đủ lượng nước cho cây mía sinh trưởng và phát triển.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Tính đến cuối tháng 2-2013, Tập đoàn HAGL đã trồng xong hơn 5.000 ha mía tại các huyện Sanxay, Saysetha, Samakhixay và Phu vong của tỉnh Attapeu phục vụ cho vụ ép đầu tiên. Qua thu hoạch, năng suất mía bình quân mỗi năm đạt từ 100-120 tấn/ha, cao hơn ở Việt Nam và Thái Lan. Theo dự kiến, vùng nguyên liệu 12.000 ha sẽ hoàn thành trồng trong năm nay đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu chế biến cho nhà máy.
Công nghiệp chế biến hiện đại
Khi các loại cây công nghiệp cho thành quả sớm hơn so với kế hoạch cũng là lúc HAGL bắt đầu nghĩ đến chiến lược kinh doanh bằng việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại. Có lẽ ngày 25-2 vừa qua là một trong những ngày khó quên nhất đối với những người làm trong Tập đoàn, khi HAGL đưa vào sử dụng nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh-Attapeu và Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh-Attapeu.
Nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh-Attapeu áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại. Ảnh: Hồng Thi |
Với tổng giá trị đầu tư 9 triệu USD, có công suất 25.000 tấn/năm và dòng sản phẩm chính là cao su mủ khối SVR 10, nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh-Attapeu là minh chứng rõ nét cho sự thành công của HAGL về chiến lược đầu tư phát triển kinh tế trên đất nước Lào, đánh dấu bước chuyển mình từ đầu tư sang giai đoạn kinh doanh. Sự mạnh dạn đi đầu ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất thế giới vào sản xuất trong khi các nước trồng cao su lớn trên thế giới như Thái Lan, Malaysia… chưa áp dụng đã giúp HAGL gặt hái được thành công ngoài mong đợi.
Chính vì vậy, HAGL đã nhận được sự quan tâm đặc biệt cũng như lời đề nghị hợp tác của các hãng sản xuất săm lốp xe lớn trên thế giới như: Michelin (Pháp), Dunlop và Bridgestone (Nhật Bản)… Không những thế, các chuyên gia của Michelin còn trực tiếp đến làm việc và tư vấn xây dựng nhà máy, tư vấn về chất lượng sản phẩm và đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm cao su HAGL sản xuất tại Lào.
Cao su mủ khối SVR 10 là sản phẩm chính của nhà máy. Ảnh: Hồng Thi |
Cùng với đó, Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh-Attapeu được xây dựng chỉ trong vòng 14 tháng với tổng số vốn đầu tư 87,8 triệu USD. Các hạng mục gồm: nhà máy đường với công suất 7.000 tấn mía cây/ngày; nhà máy nhiệt điện chạy từ bã mía, công suất 30 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia Lào. Nhà máy cồn Ethanol công suất 30.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất phân bón 50.000 tấn/năm sẽ được tiếp tục đầu tư và đưa vào hoạt động vào cuối năm nay.
Ông Khăm-phăn Phôn-ma-thắt, Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, vui mừng bày tỏ: “Việc Tập đoàn HAGL đầu tư vào tỉnh chúng tôi đã góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt Attapeu đang thay đổi từng ngày”.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức cũng khẳng định: “Bà con các bộ tộc Lào nơi này lâu nay chưa biết trồng mía. Song, từ những bước đi đầu tiên của HAGL về kỹ thuật, giống, đầu tư trang thiết bị và bao tiêu sản phẩm đầu ra, tôi tin tưởng rằng người dân Attapeu có thể biến những thửa ruộng xưa nay canh tác lạc hậu, giá trị thu hoạch từ 300-400 USD/ha/năm thành những vườn mía đạt năng suất từ 100 tấn/ha/năm trở lên và giá trị đạt 5.000-6.000 USD/ha/năm”.
Có thể nói, việc Tập đoàn HAGL đưa vào sử dụng Nhà máy chế biến mủ cao su và Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh-Attapeu đã giúp cho Tập đoàn tiếp tục ổn định và phát triển vững chắc, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập. Bằng những bước tiến vững chắc thành công của mình trên đất nước Lào, Tập đoàn HAGL đã góp một phần công sức của mình để tô thắm mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam-Lào.
Từ năm 2007 đến nay, Tập đoàn HAGL đã đầu tư vào tỉnh Attapeu gần 1 tỷ USD, ngoài cao su và mía còn có 8 dự án thủy điện, 2 mỏ sắt và đồng, 2 sân bay và nhiều công trình, hạng mục công trình vừa và nhỏ…
Nguyễn Diệp-Hồng Thi