Giống như Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen luôn được coi là tượng đài không thể lung lay. Thế nhưng, gần đây, Hoa Sen bất ngờ lao dốc khiến nhiều ông chủ tháo chạy.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. |
Cùng hoạt động trong ngành thép nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát lại chọn những phân khúc khác nhau. Trong khi Hòa Phát chọn thép xây dựng thì Hoa Sen “hùng cứ” ở mảng tôn mạ màu. Vì vậy, khi Hòa Phát lớn mạnh hay suy yếu, Hoa Sen vẫn ung dung vì “nước sông không phạm nước giếng”.
Lao dốc bất ngờ
Tuy nhiên, gần đây, khi Hòa Phát lấn sân sang lĩnh vực tôn mạ màu, 2 ông lớn ngành thép mới thực sự đối chọi nhau. Nhưng trước khi Hòa Phát trở thành “mối đe dọa”, Hoa Sen đã tự mình suy yếu. Đây là điều bất ngờ vì cách đây hơn 1 năm, Hoa Sen “phô trương thanh thế” với siêu dự án tỷ đô Hoa Sen Cà Ná.
Cổ đông Hoa Sen đã chứng kiến các chỉ tiêu kinh doanh của tập đoàn suy yếu trong nhiều quý. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế tập đoàn giảm 172 tỷ đồng, tương đương 11,4% so với năm 2016. Lợi nhuận giảm sâu bất chấp doanh thu tăng mạnh từ 18.006 tỷ đồng lên 26.337 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng quá mạnh.
Sang năm 2018, tình hình không những không được cải thiện mà còn lao dốc hơn. Lợi nhuận sau thuế quý 1 năm 2018 của Hoa Sen chỉ đạt 333 tỷ đồng, giảm 107 tỷ đồng, tương ứng 24,3% so với quý 1/2017. Giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng cao tiếp tục là “tội đồ” của Hoa Sen.
Với cổ đông thông thường, đây là thông tin bất ngờ nhưng với những ai am hiểu ngành thép, dấu hiệu bết bát của Hoa Sen đã xuất hiện từ lâu. Thị phần của Hoa Sen ở phân khúc tôn mạ đã giảm từ mức 40,9% năm 2012 xuống chỉ còn 33,1% năm 2016.
Để cải thiện thị phần, Hoa Sen mở rộng quy mô với mục đích giảm giá thành sản phẩm. Nhờ vậy, thị phần năm 2017 của tập đoàn tăng nhẹ lên 34,3%. Thế nhưng, “tác dụng phụ” của chiến lược này chính là để mở rộng quy mô, Hoa Sen phải gia tăng nợ vay, từ đó khiến chi phi tài chính tăng vọt, gây áp lực lên lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối quý 1/2018, tổng nợ phải trả tại tập đoàn đạt 18.608 tỷ đồng, tăng 2.239 tỷ đồng so với cuối năm 2017 và cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng nợ vay đạt 17.054 tỷ đồng, chiếm 91,6% tổng nợ phải trả và cao gấp 3,1 lần vốn góp chủ sở hữu.
Cùng với chi phí tài chính quá cao, giá vốn hàng bán tăng mạnh đang gây áp lực lên hiệu quả kinh doanh của Hoa Sen. |
Cổ đông lãnh đủ
Tất cả những yếu kém của Hoa Sen đều được phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong năm 2017, thị trường chứng khoán khởi sắc, trong khi nhiều blue-chips bứt phá mạnh, với tư cách là một cổ phiếu lớn nhưng HSG bất ngờ giảm nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, HSG dừng ở mức 23.970 đồng/CP, giảm 3.890 đồng/CP, tương đương 14% so với cuối năm 2016.
5 tháng đầu năm 2018 trôi qua, cổ đông Hoa Sen vẫn gánh chịu thiệt hại nặng nề khi cổ phiếu HSG giảm 12.420 đồng/CP, tương đương 51,8% xuống 11.550 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Tập đoàn Hoa Sen đã “bốc hơi” 4.347 tỷ đồng sau 5 tháng. Còn trong năm 2017, cổ đông Hoa Sen gánh chịu thiệt hại lên tới 1.361 tỷ đồng.
Có thể thấy, Hoa Sen đang đi theo Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Trước đây, Hoàng Anh Gia Lai tưởng chừng vững mạnh tuyệt đối. Thế nhưng rốt cuộc, cổ phiếu HAG giảm sâu, rời xa mệnh giá. HSG cũng như vậy, không ít nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho việc HSG rớt xuống dưới 10.000 đồng/CP trong tương lai gần.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đang lao dốc. |
Ông chủ tháo chạy
Sau khi Hoa Sen lao dốc cả về kết quả kinh doanh lẫn giá trị cổ phiếu, thị trường đang chứng kiến làn sóng “tháo chạy” khỏi Hoa Sen của các ông chủ, đặc biệt nhất là của cổ đông lớn liên quan đến gia đình ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen.
Cụ thể, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm đã bán 5 triệu cổ phiếu HSG giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn hơn 19,21 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 5,49%. Trong khoảng thời gian đó, lượng cổ phiếu này tương đương 80 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, ngay sau khi bán 5 triệu cổ phiếu HSG, Tâm Thiện Tâm đã tính thoái toàn bộ vốn tại Hoa Sen. Cuối tháng 5, công ty này bán toàn bộ 19,21 triệu cổ phiếu HSG và thu về khoảng 230 tỷ đồng. Công ty này chấm dứt “mối duyên” với Tập đoàn Hoa Sen.
Công ty Tâm Thiện Tâm là công ty do bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ ông Lê Phước Vũ nắm giữ chức vụ Chủ tịch. Ngoài ra, bà Hoàng Thị Hương Xuân còn là em gái ông Hoàng Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.
Việc công ty “người nhà” của ông Lê Phước Vũ vội vàng bán hết cổ phiếu HSG trong thời điểm HSG đang ở “đáy” 2 năm khiến nhà đầu tư không khỏi hoang mang, lo lắng.
Trước đó, hồi đầu tháng 4-2014, Vietnam Enterprise Investments Limited, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hoa Sen, đã bán 300.000 cổ phiếu HSG. Sau giao dịch, với việc chỉ còn nắm giữ gần 7,9 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 2,25% vốn công ty, quỹ này không còn là cổ đông lớn của Hoa Sen.
Hồi tháng 2-2018, Amersham Industries Limited đã bán 600.000 cổ phiếu HSG. Amersham Industries Limited khá may mắn khi nhanh tay thoái vốn và thu về khoảng 14 tỷ đồng. Còn nếu bán lượng cổ phiếu đó ở thời điểm hiện tại, Amersham Industries Limited chỉ nhận được khoảng 7 tỷ đồng.
Có thể thấy, những ông chủ quan trọng của HSG đều đã hoặc giảm tỷ lệ sở hữu hoặc tháo chạy khỏi Hoa Sen. Mặc dù công ty liên quan đến vợ ông Lê Phước Vũ tháo chạy nhưng ông Lê Phước Vũ vẫn là cổ đông lớn tại Hoa Sen.
Ông Lê Phước Vũ đứng ở vị trí 89 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Đây là bước lùi rất sâu của vị đại gia này. Trước đây, ông Vũ thường xuyên đứng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Con đường trở lại vị trí này của ông Vũ dường như đang bế tắc khi các dự báo về cổ phiếu HSG còn khá bi quan. Một trong những vấn đề mà giới chuyên gia lo ngại nhất về Hoa Sen chính là khoản nợ vay quá lớn. Khoản nợ vay này được đánh giá là “đá tảng” ngăn cản đà phát triển của Hoa Sen.
Bảo Linh (Người Tiêu Dùng)