(GLO)- Gia Lai là một trong 10 tỉnh có hiện tượng tảo hôn cao nhất cả nước. Trong đó, 2 dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh là Bahnar và Jrai có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trong số 53 dân tộc ít người ở Việt Nam; đồng thời nằm trong số 25/53 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 10%. Tình trạng này có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Những số liệu thống kê ở địa phương cho biết, từ năm 2010 đến tháng 6-2015, Gia Lai có 4.406 cặp vợ chồng tảo hôn, trong đó có 1.504 cặp cả vợ và chồng đều chưa đến tuổi kết hôn. Năm 2016, toàn tỉnh có 824 cặp tảo hôn, tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu được tổng hợp từ 13/17 huyện, thị xã, thành phố. Năm 2017, số liệu thống kê đầy đủ hơn của Ban Dân tộc tỉnh cho ra con số toàn tỉnh có 1.339 trường hợp tảo hôn ở người dân tộc thiểu số… Tảo hôn đã để lại những hệ lụy nặng nề cho các gia đình và cộng đồng. Vậy đâu là nguyên nhân? Người viết bài này xin đưa ra một số lý giải như sau:
Tuyên truyền công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình và tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật |
Về chủ quan, tảo hôn được luật tục chấp nhận. Hiện nay, ở vùng đồng bào Bahnar và Jrai của tỉnh Gia Lai, sức nặng giữa luật tục và luật pháp chưa hẳn đã ngã ngũ trong nhiều trường hợp. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2014), tuổi đủ để được đăng ký kết hôn là nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi, nhưng luật tục lại cho phép kết hôn sớm hơn.
Một nguyên nhân khác là tảo hôn do kinh tế khó khăn, bỏ học sớm. Tình trạng tảo hôn thường đi cùng với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nam nữ thanh niên bỏ học sớm, không có việc làm; trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật còn hạn chế, vấn đề giáo dục giới tính cho thanh-thiếu niên chưa thường xuyên, cha mẹ chưa quan tâm chu đáo đến con cái. Trong một số trường hợp, cha mẹ còn đồng tình trong việc tảo hôn hoặc ép buộc con tảo hôn vì thấy con đã lớn (theo quan niệm của đồng bào). Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc, ban hành theo Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ cũng cho thấy: 2 vùng có tỷ lệ trẻ em không đi học cao nhất theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em là Tây Nam bộ (12,5%) và Tây Nguyên (12,2%). Trong chuyến khảo sát ngày 24-4-2018, ông Rơmah Bốt-Bí thư Đảng ủy xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) nói với chúng tôi: “Tảo hôn thì nhiều. Lý do vì chúng bỏ học sớm, đi làm sớm rồi thành “người lớn” sớm...”.
Tảo hôn còn có nguyên nhân từ việc muốn có thêm lao động hoặc có chỗ nương tựa như trường hợp của em Đinh Thị Dách (làng Pơ Drang, xã Krong, huyện Kbang). Em giải thích lý do lấy chồng sớm là do bố mất sớm, nhà chỉ có 2 mẹ con nên Dách lấy chồng để có người làm. Đinh Loan (xã Đak Pling, huyện Kông Chro) cũng cho biết, em nghỉ học giữa chừng rồi lấy vợ sớm là muốn giúp đỡ gia đình bớt khó khăn. Rơlan H'Phuy (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) thì lấy chồng sớm do mồ côi mẹ từ nhỏ, bố đi lấy vợ khác, em ở với bà ngoại đã già… Nhưng thực tế đã chứng minh, khi các cặp vợ chồng lấy nhau trong cái nghèo, lại còn quá nhỏ tuổi, đẻ sớm và dày thì gia cảnh chẳng những không được cải thiện mà còn khó khăn thêm.
Tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, mạng xã hội và công tác tuyên truyền còn bất cập cũng là nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn khó kéo giảm. Ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường, trong đó có tư tưởng, lối sống cởi mở do tiếp cận từ nhiều luồng văn hóa, từ phim ảnh, văn hóa phẩm, mạng xã hội... khiến các em tùy tiện chung sống như vợ chồng sớm, làm gia tăng tỷ lệ mang thai sớm, dẫn đến tăng tỷ suất sinh con ở tuổi vị thành niên, gia tăng tình trạng tảo hôn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân-gia đình còn bất cập, hạn chế và hiệu quả chưa cao do độ chênh giữa những kiến thức phải tiếp thu và trình độ dân trí của người được tuyên truyền… nên một bộ phận đồng bào Bahnar, Jrai vẫn chưa nhận thức hoặc chưa nắm được những nội dung liên quan đến điều kiện kết hôn.
Một thực tế thường xảy ra trong vùng đồng bào Bahnar, Jrai là những cặp vợ chồng chưa đủ tuổi thành hôn vẫn có thể tổ chức đám cưới theo luật tục và chung sống với nhau trước khi đăng ký kết hôn. Trong khoảng thời gian này, nhiều cặp sinh con, nhưng phải chờ đến khi bố mẹ đủ tuổi mới đi đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con. Việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực của tỉnh, vì vậy cần có những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.
Nguyễn Thị Kim Vân