(GLO)- Nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý xe chở hàng quá khổ, quá tải; kiên quyết tháo dỡ hàng hóa chở quá tải, cắt bỏ phần thùng xe cơi nới trái phép. Thế nhưng tình trạng này đang là vấn đề nan giải đối với lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tải trọng, nhất là trong mùa thu hoạch mía, mì và các mặt hàng nông sản khác.
Có mặt tại thời điểm các xe ô tô tải vi phạm đang cắt bỏ phần thùng cơi nới, P.V chứng kiến từng khung sắt của các thùng xe được tháo dỡ. Những ánh đèn xì chói sáng, tiếng cắt kim loại, tiếng những khung sắt rơi xuống thùng xe vang dội. Lực lượng đăng kiểm, thanh tra giao thông đang tất bật lấy thước đo chiều cao của các thùng xe vi phạm, phần cơi nới vượt so với hiện trạng thùng xe ban đầu được đánh dấu để cắt bỏ. Cảnh sát Giao thông yêu cầu các xe ô tô tải vi phạm tải trọng phải sang hạ tải, tháo bỏ những phần cơi nới tạm bợ.
Cắt bỏ phần thùng xe cơi nới đối với các xe vi phạm. Ảnh: M.N |
Đứng quan sát chiếc xe ô tô tải mang BKS 76K-4857 của mình đang bị tháo dỡ phần khung xe cơi nới, tài xế Nông Văn Hùng-xã Tơ Tung (huyện Kbang) cho biết: từ nhiều năm nay, mỗi khi đưa xe đi đăng kiểm thì anh cắt bỏ phần khung xe cơi nới này, khi về thì lại... lắp vào để chuyên chở các mặt hàng nông sản. “Giờ lực lượng liên ngành bảo cắt thì cắt thôi, biết làm sao được, mình đã vi phạm nếu không làm theo yêu cầu thì lại càng sai thêm”.
Tài xế Hùng phân trần: “Do mùa này mía nhẹ, nếu cơi nới thùng xe thì chở được 16-17 tấn, nếu bình thường chỉ chở được 4-5 tấn. Với tải trọng này thì chẳng chở được cho ai, tôi cũng biết là cơi nới thùng xe là vi phạm nhưng nếu sử dụng thùng xe theo thiết kế ban đầu thì chỉ chở đất, đá hay cát mới được trên 10 tấn. Do vậy tôi phải cơi nới thùng xe để chở hàng nông sản vì lỡ mua xe rồi thì buộc phải làm, tiền của đều vay mượn, không làm vậy biết đến khi nào trả hết nợ?”. Anh Hùng cũng cho biết khu vực xã anh cũng có rất nhiều xe cơi nới thùng giống như anh, cứ 20 thì có đến 7-8 xe thay đổi thùng xe như vậy.
Ảnh: M.N |
Trong khi đó, chiếc xe ô tô tải mang BKS 81L-0284 do xế tài Phan Quốc Dũng (huyện Đak Đoa) chở đá cũng bị lực lượng liên ngành xử lý vi phạm vì chở quá tải, cơi nới thùng xe. Tài xế xe này cho biết đã lái xe chở vật liệu hơn 10 năm nay, nhưng chỉ mới cơi nới thùng xe vài tháng gần đây. “Vẫn biết là vi phạm nhưng vì điều kiện sống, muốn kiếm thêm chút tiền lo cho con ăn học, nay lực lượng chức năng không cho thì tháo gỡ”- anh Dũng lý giải.
Lái xe vi phạm tải trọng bất hợp tác với lực lượng liên ngành, đóng cửa xe rời khỏi hiện trường cản trở việc xác định tải trọng để xử lý. Ảnh: M.N |
Theo ông Nguyễn Trung Tâm-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2015 đến nay đang có dấu hiệu tăng trở lại. Mục tiêu của việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (theo Quyết định 123 của UBND tỉnh) là xử lý xe ô tô tải cơi nới thùng xe trái phép, chở hàng quá khổ, quá tải gây tai nạn, phá hủy kết cấu cầu đường. Ông Tâm cho biết, cần phải phối hợp với nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng đăng kiểm, thì mới có thể xác định đâu là xe vi phạm hoán cải trái phép và tổ chức cắt thùng xe vi phạm pháp luật. Cụ thể, phải có lực lượng Cảnh sát Giao thông để dừng xe, thanh tra giao thông xử lý, cắt thùng, cắt tới đâu thì là việc của lực lượng đăng kiểm. Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh cũng cho biết, khi phát hiện xe vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải thì buộc hạ tải và phạt lỗi quá tải, còn việc cắt thùng xe, chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí.
Thượng tá Lê Phúc Điền-Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Giao thông với các ngành rất chặt chẽ, thường xuyên và liên tục. “Thời điểm này chúng tôi tập trung tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm các lỗi các lỗi thường dẫn đến tai nạn. Đặc biệt là đối với những phương tiện vi phạm về quá khổ quá tải, cơi nới. Nhìn chung, từ khi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đến nay, tình trạng xe quá khổ, quá tải các tuyến trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu giảm”.
Lực lượng liên ngành kiên quyết yêu cầu chủ phương tiện cắt bỏ phần thùng xe cơi nới. Ảnh: M.N |
Đi thực tế trên các tuyến đường và địa bàn trọng điểm cùng lực lượng kiểm tra liên ngành, có thể thấy vẫn còn tồn tại nhiều xe ô tô chở quá trọng tải cho phép, xe thay đổi kích thước thành-thùng xe lưu thông trên đường. Khi bị lực lượng liên ngành kiểm tra tải trọng thì các lái xe bất hợp tác, thậm chí nhiều tài xế còn đóng cửa xe cố thủ, hoặc rời khỏi hiện trường gây khó cho việc xác đinh tải trọng để xử lý. Nhiều lái xe sau nhiều lần bị kiểm tra nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn cố tình vi phạm. Những người này tìm mọi cách để né trạm cân, cho xe hoạt động vào các giờ nghỉ trưa, nửa đêm, hoặc sáng sớm tránh việc kiểm tra của lực lượng chức năng.
Với mục tiêu tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; kiên quyết xử lý xe quá khổ, quá tải; tháo dỡ hàng hóa, cắt bỏ thùng xe cơi nới nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trong đời sống xã hội.
Minh Nguyễn