Tận tâm phát triển giống thực vật quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt qua những khó khăn và cả những lần thất bại, các chuyên viên kỹ thuật ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông đã và đang sản xuất thành công những cây giống, hạt giống có giá thành rẻ, đạt chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Chứng kiến công tác nghiên cứu, nhân giống những loài thực vật quý phục vụ công tác phát triển nông nghiệp, chúng tôi mới thấu hiểu niềm đam mê và sự  kiên trì của các chuyên viên kỹ thuật thuộc Tổ sản xuất & thực nghiệm (Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông). Khu nhà nghiên cứu, nhân giống bằng phương pháp vô tính hay còn gọi là phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật của Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (BQL KNNUDCNC Măng Đen) có tổng diện tích gần 200m2. Nơi đây có 3 căn phòng khép kín và tách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài gồm: Phòng thí nghiệm-pha chế môi trường, phòng cấy vô trùng và phòng nuôi mẫu cấy.

 

 Thực hiện thao tác nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ảnh: Đ.T
Thực hiện thao tác nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ảnh: Đ.T


Dạo quanh những khu phòng ấy, chứng kiến sự cần cù, tận tụy của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, chúng tôi càng thấu hiểu hơn được giá trị và những tác dụng giống trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Hoàng Vũ-Phụ trách Tổ sản xuất & thực nghiệm đồng thời là chuyên viên pha chế môi trường cho biết, môi trường nuôi cấy là hỗn hợp gồm các chất làm nền, chất đa lượng, chất vi lượng và chất kích thích sinh trưởng được pha chế nhân tạo, trải qua quá trình nấu và hấp, sau đó được đổ vào các bì nilon để tạo nơi nuôi dưỡng có điều kiện vô trùng cho các mô, tế bào thực vật. Tạo môi trường nuôi cấy là bước đầu tiên, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các mô, tế bào thực vật tái sinh, phát triển thành những chồi cây hoàn chỉnh.

Để pha chế môi trường đúng hàm lượng và yêu cầu kỹ thuật, anh sử dụng nhiều loại máy móc hỗ trợ hiện đại như: cân tiểu ly, máy khuấy từ, máy lọc nước, máy cất nước 2 lần, máy đo pH, tủ đựng hóa chất, tủ sấy, bếp từ, nồi hấp…

“Sau khi hoàn thành việc pha chế môi trường, bước tiếp theo là đổ hỗn hợp môi trường nuôi cấy vào các bì nilon. Việc đổ môi trường nuôi cấy được thực hiện trong phòng cấy vô trùng và thông thường 1 lít hỗn hợp môi trường, tôi sẽ đổ và chia đều cho 12 bì nilon”- anh Vũ cho biết.

Sau khi tìm hiểu công đoạn pha chế môi trường, chúng tôi được anh Vũ dẫn vào phòng cấy vô trùng ở ngay bên cạnh và để vào được căn phòng này, chúng tôi phải vượt qua 2 lớp cửa kính.


 

Kiểm tra, theo dõi các mô, tế bào và chồi trong phòng nuôi mẫu cấy. Ảnh: Đ.T
Kiểm tra, theo dõi các mô, tế bào và chồi trong phòng nuôi mẫu cấy. Ảnh: Đ.T

 

Phòng cấy vô trùng có diện tích hơn 12m2 gồm: khu vực rửa tay, tủ đựng các bì nilon chứa những chồi cây phục vụ cho công tác nhân giống và 3 tủ cấy vô trùng cùng hệ thống máy lạnh điều hòa. Thực hiện thao tác cấy mô tế bào thực vật ở đây là các chuyên viên kỹ thuật cùng các thực tập sinh của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh, một trong những thực tập sinh cho hay, theo quy trình, mọi người đều phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, đầu tóc phải gọn gàng, khởi động và để tủ cấy vô trùng chạy trong thời gian 30 phút, sau đó mới thực hiện thao tác cắt, cấy mô tế bào và dụng cụ được sử dụng là gắp và kéo. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện việc cắt, cấy mô tế bào, mọi người còn thường xuyên rửa tay, rửa dụng cụ gắp và kéo bằng dung dịch sát khuẩn và cồn 70 độ.


 

Chồi ngọn và các mắt đốt ngang thân lan kim tuyến được cắt để nuôi cấy mô. Ảnh: ĐT
Chồi ngọn và các mắt đốt ngang thân lan kim tuyến được cắt để nuôi cấy mô. Ảnh: ĐT



 Nằm ở cuối khu nhà nghiên cứu, nhân giống bằng phương pháp vô tính là phòng nuôi mẫu cấy. Phòng hiện có các giàn sắt chứa gần 300.000 mô, tế bào và chồi của các giống thực vật quý như: Lan kim tuyến, lan giả hạc, dâu tây Nhật Bản, chuối già Nam Mỹ, chuối tây Thái, chuối Laba…cùng hệ thống đèn chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ và các thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Các chuyên viên kỹ thuật ở đây thay nhau thường xuyên theo dõi sát, ghi chép thông tin sinh trưởng của các mô, tế bào và chồi rất cụ thể, chi tiết nhằm theo dõi tốc độ sinh trưởng từ đó nắm, điều chỉnh, bổ sung các hàm lượng chất dinh dưỡng và lựa chọn những bì nilon có những chồi tốt (đạt từ 4-5 tháng tuổi) để đưa lại vào phòng cấy nhằm phục vụ công tác nhân giống.

Bên cạnh việc thực hiện công tác nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, Tổ sản xuất & thực nghiệm còn chú trọng thực hiện công tác nhân giống bằng phương pháp hữu tính (thụ phấn chủ động) đối với các giống cây như: cà chua bi vàng, cà chua bi đỏ, dưa leo baby, bí Nhật Bản, đương quy, sâm dây và một số giống rau, giống hoa khác trong nhà màng với tổng diện tích hơn 7.900m2. Qua đó, làm chủ và sản xuất được nhiều hạt giống đạt chất lượng, có tỷ lệ nảy mầm cao và bán với giá thành rẻ hơn so với hạt giống được nhập từ nước ngoài cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện.


 

Chồi ngọn lan kim tuyến trong môi trường nuôi cấy. Ảnh: ĐT
Chồi ngọn lan kim tuyến trong môi trường nuôi cấy. Ảnh: ĐT


Đưa chúng tôi tham quan các nhà màng đang thực hiện công tác khảo nghiệm giống một số cây như: dưa lưới, cà chua..., anh Phạm Thanh -Trưởng Ban quản lý KNNUDCNC Măng Đen cho biết, hàng năm, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, nhân giống bằng phương pháp vô tính và hữu tính, BQL KNNUDCNC Măng Đen còn tổ chức nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình công nghệ. Bởi vì, để một loài cây khi trồng ngoài thực địa sinh trưởng và đạt năng suất tốt nhất, ngoài hạt giống, cây giống tốt còn phải có quy trình hướng dẫn chăm sóc đúng tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.

Tuy thời gian nghiên cứu để xây dựng được một quy trình công nghệ hoàn chỉnh cho một giống cây cần nhiều thời gian và trải qua nhiều lần thất bại, nhưng với nỗ lực và quyết tâm của mình, tập thể cán bộ và chuyên viên kỹ thuật của BQL KNNUDCNC Măng Đen đến nay đã nghiên cứu và xây dựng thành công 24 quy trình công nghệ.

Anh Thanh chia sẻ, trong thời gian tới, BQL KNNUDCNC Măng Đen sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân giống một số giống cây mới như: dưa lưới, cà chua bi socola và một số cây dược liệu khác; tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ cho một số cây như: cà chua to, ớt chuông, dâu tây thủy canh, rau thủy canh trụ đứng; đồng thời, xin chủ trương của UBND huyện để đầu tư mở rộng khu nhà nghiên cứu, nhân giống bằng phương pháp vô tính nhằm tạo thêm nhiều nguồn giống tốt, đáp ứng cho nhu cầu phát triển nông nghiệp sạch và trồng cây dược liệu của địa phương.

Theo Đức Thành (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.