Tài trồng quế của người Ca Dong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người Ca Dong là một nhánh của dân tộc Xê Đăng, cư trú ở các huyện phía Bắc tỉnh Kon Tum và huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Khí hậu nóng ẩm, núi non quanh năm như chìm trong tầng mây cổ tích đã cho họ một sản vật rất nổi tiếng là cây quế.

Vỏ quế (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Vỏ quế (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Năm 1984, tôi có chuyến công tác về xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) để viết về “Tết khỉ” của đồng bào Ca Dong ở đây. Bấy giờ, đường lên Kon Plông vô cùng gian khổ. Đến được trung tâm huyện rồi, muốn xuống bất kỳ xã nào thì tất nhiên chỉ có nước đi bộ.

Dù “Tết khỉ” của bà con năm ấy được tổ chức khá to, thể thức của nó tôi cũng chỉ còn láng máng. Cái khiến tôi nhớ đến tận bây giờ vẫn là hương vị đặc biệt của một thanh quế rừng mà ông A Sem đã tặng tôi. Cũng nhân đó mà tôi biết về tài trồng và chế biến quế của người Ca Dong. 

Quế của người Ca Dong đã được sử sách ghi chép từ thế kỷ XIII. Quế có nhiều loại nhưng phẩm chất dược liệu nổi trội nhất là quế mọc tự nhiên trên các triền núi cao mà đồng bào vẫn gọi là “quế trời”, rất đắt giá, được coi là ngang hàng với quế Thanh.

Thuở núi rừng còn là sự chiếm hữu tự nhiên, người Ca Dong thường khai thác quế  tự nhiên. Ai tìm thấy thì đánh dấu vào cây, mượn người làm chứng rồi thông báo cho già làng. Vậy là mặc nhiên cây quế được sở hữu truyền đời. Khi việc khai thác quế trong tự nhiên dần cạn, đồng bào mới chuyển sang trồng.

Gắn một phần cuộc sống với cây quế nên đã là người Ca Dong thì ai cũng được dạy cách trồng quế. Khi một đứa trẻ ra đời, để nhắc nhở cho thế hệ sau biết cây quý của dân tộc mình, họ sẽ trồng cho bé một cây quế. Đến tuổi thiếu niên, đứa trẻ sẽ trồng cho mình một vườn quế để khi lấy vợ, lấy chồng có phương tiện làm lễ cưới và tạo lập cuộc sống gia đình: “Chiêng sẽ về, ché biết nhảy múa/Vải muối đầy nhà vì ta có quế trồng”.

Dù được thiên nhiên ban tặng quế quý nhưng không phải cứ khai thác về rồi mang bán. Đồng bào Ca Dong không chỉ giỏi trồng quế mà còn là bậc thầy về kỹ thuật bảo quản và sơ chế quế. Quế sau khi lột vỏ, họ sẽ đem dầm sương hoặc ngâm nước rồi hong cho hết nhựa. Tiếp đó sẽ ủ 1-2 ngày rồi tiếp tục phơi nắng, bó thành từng lọn nhỏ rồi bọc bằng lá chuối hay cỏ tranh khô.

Nói thì đơn giản nhưng việc chọn thời tiết để khai thác rồi ngâm ủ, phơi sấy bao lâu là cả một bí quyết nhà nghề. Chính người Kinh, sau giải phóng đã từng bắt chước kỹ thuật sơ chế của người Ca Dong nhưng vẫn không được quế tốt như mong muốn.

Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, người Ca Dong cho rằng cây quế cũng có “hồn” nên phải tuân thủ những điều kiêng cữ. Chẳng hạn, người trồng quế không bao giờ được mang quế vào nhà bởi “hồn” quế sẽ hại chủ.

Ngày nay, mọi chuyện đã khác. Quế cũng không còn “đắt như quế” ngày xưa. Và hình như người Ca Dong ở Kon Tum rất ít nơi còn trồng quế. Dẫu là “vang bóng một thời” thì nghề trồng quế của người Ca Dong vẫn là một nét đẹp văn hóa như chưa hề phai nhạt.

 ĐĂNG VƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.