(GLO)- Nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trong giai đoạn 2011-2015, phong trào thi đua của tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tốt. Phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Kết quả đạt được
Trong 5 năm qua, Gia Lai đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi 5 mục tiêu và 7 nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh năm 2011 và giai đoạn 2011-2015”; “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” và tinh thần “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”.
Các phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được các tổ chức chú trọng. Ảnh: Trần Dung |
Các phong trào thi đua trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông... được đẩy mạnh như: Phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động”, phong trào thi đua “Quản lý giỏi, lao động giỏi, lao động sáng tạo”... được đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng sôi nổi, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”... cũng được phát huy tốt. Các phong trào thi đua đã huy động, sử dụng nguồn vốn, đất đai phục vụ sản xuất có hiệu quả, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa, nông-lâm sản có giá trị kinh tế cao góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa.
Song song với đó, phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” và thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” tiếp tục được duy trì có hiệu quả. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội được cụ thể hóa bằng các mục tiêu "Xóa đói-giảm nghèo", "Giải quyết việc làm", "Đền ơn đáp nghĩa", phong trào nhân đạo, từ thiện thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để những người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đồng bộ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phong trào nhân đạo, từ thiện thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Ảnh: Trần Dung |
Cùng với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Gia Lai đã tích cực đẩy mạnh nhiều biện pháp và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ thành những tiêu chí thi đua để tổ chức phát động theo đợt hoặc theo chuyên đề, gắn với các phong trào thi đua. Qua 4 năm triển khai phát động phong trào thi đua, toàn tỉnh đã vận động nhân dân đóng góp được 153,736 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, cải tạo nhà ở đạt chuẩn, kéo đường dây điện, đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, hiến 109.708 m2 đất để xây dựng các công trình đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học.
Tham gia đóng góp 47.381 ngày công lao động tham gia làm đường giao thông, dọn vệ sinh khu dân cư, khơi thông cống rãnh... Phong trào “Hiến đất làm đường” đã vận động nhân dân tự nguyện hiến trên 80.000 m2 đất các loại để mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển giao thông nông thôn, điển hình như ở các huyện: Kbang, Phú Thiện, Chư Prông, Đak Đoa, Chư Pưh, Mang Yang và thị xã An Khê… Đến nay, toàn tỉnh có 11 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó 9 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhân rộng điển hình tiên tiến
Nhiệm kỳ qua, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh đã thường xuyên chú trọng tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến từ các phong trào thi đua. Bên cạnh việc thực hiện công tác phát hiện các nhân tố điển hình tiên tiến mới đã chú trọng tổ chức bồi dưỡng họ trở thành hạt nhân gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của ngành, địa phương, đơn vị.
Từ các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh đã xuất hiện các điển hình tiêu biểu. Ảnh: Trần Dung |
Gần 10 năm nắm giữ cương vị Bí thư Đoàn xã Đak Rong (huyện Kbang), anh Đinh Văn Nơ đã chinh phục, tập hợp thanh niên bằng những việc làm thiết thực. Đinh Văn Nơ là một trong những người con tiêu biểu của quê hương Anh hùng Núp trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được vinh danh trong lễ hội Giao thừa năm 2015. Ngoài việc là một thủ lĩnh thanh niên gương mẫu, lãnh đạo tốt hàng loạt hoạt động từ lớn đến nhỏ của tổ chức Đoàn, chàng trai 32 tuổi này còn là một tấm gương sáng về phát triển kinh tế gia đình. Bằng nhiều việc làm thiết thực, những công trình có ý nghĩa lớn lao, thủ lĩnh Đinh Văn Nơ đã giúp hàng trăm thanh niên xã mình có cuộc sống ấm no, tự tin tiến bước dưới cờ Đảng.
Còn với chị Rơ Châm Hoa (làng Jrăng Blo, xã Ia Khai, huyện Ia Grai), trong cương vị là Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ ở một làng có 109 hộ, 478 khẩu, đa phần là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, chị đã hoàn thành công tác với phương châm “Tự mình làm trước để mọi người làm theo”. Với những việc làm cụ thể, chị luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền vận động chị em chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái chăm ngoan học hành. Khi kinh tế của gia đình phát triển ổn định, có của ăn của để, chị nghĩ ngay phải giúp đỡ những gia đình còn khó khăn như: giúp chị em mượn tiền để chữa bệnh cho người thân lúc ốm đau, nuôi con ăn học và đầu tư phát triển kinh tế gia đình với số tiền lên đến 200 triệu đồng...
Cũng như Đinh Văn Nơ và chị Rơ Châm Hoa, từ các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh đã xuất hiện các điển hình tiêu biểu như: Ông Rơ Châm Đêr (già làng tiêu biểu làng Pôk, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah); bà Rơ Mah Hmươi (Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Me, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông); bà Định Thị Her (xã Ayun, huyện Mang Yang); ông Puih Hrip (Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chư Pah); ông Brơi (Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mang Yang); ông Đinh Du (Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Hven, huyện Đak Pơ); ông Nay Yar (già làng, làng Âm Nhơn, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện)...
Với việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong nhiệm kỳ qua, Gia Lai đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thi đua, khen thưởng của từng ngành, từng địa phương, đơn vị và có sức lan tỏa sâu rộng đến tận cơ sở. Kết quả phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua đã trở thành động lực động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Trần Dung