Sức bật từ Chương trình OCOP ở Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến nay, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Đây là nền tảng để sản phẩm nâng tầm giá trị, vươn xa hơn trên thị trường.

Phát huy thế mạnh

Huyện Ia Pa có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó, lúa gạo, cây ăn quả, chăn nuôi là những lĩnh vực chủ lực của địa phương. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Ia Pa đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

 Yến sào Sơn Đông (xã Chư Răng) là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Ia Pa đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Vũ Chi
Yến sào Sơn Đông (xã Chư Răng) là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Ia Pa đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Vũ Chi


Năm 2021, huyện có sản phẩm đầu tiên là Yến sào Sơn Đông (thôn Bình Hòa, xã Chư Răng) đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo bà Hà Thị Đông-Chủ cơ sở Yến sào Sơn Đông: Nhận thấy nguồn chim yến tại địa phương cũng như các huyện lân cận khá dồi dào, năm 2018, vợ chồng bà quyết định dồn vốn liếng tích góp được xây nhà nuôi chim yến. Sau gần 1 năm, gia đình bắt đầu được thu hoạch những tổ yến đầu tiên. Đến nay, với 2 nhà nuôi chim yến, mỗi tháng, gia đình bà thu hoạch khoảng 3 kg tổ yến. Với giá yến thô khoảng 2 triệu đồng/lạng, yến tinh chế 2,8-3 triệu đồng/lạng, gia đình bà thu về hơn 50 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cơ sở Yến sào Sơn Đông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày.

Từ khi đạt chứng nhận OCOP đến nay, sản phẩm Yến sào Sơn Đông có mặt tại các phiên chợ nông sản an toàn do huyện tổ chức, được trưng bày, giới thiệu tại các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh cũng như khu trưng bày sản phẩm OCOP trong siêu thị. Nhờ vậy, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn. “Trong quá trình làm hồ sơ tham gia Chương trình OCOP, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Được các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ nên các thủ tục hoàn thành đúng thời gian. Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là niềm vui lớn và là động lực để cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng”-bà Đông chia sẻ.

Sau sản phẩm Yến sào Sơn Đông, năm 2022, huyện có thêm 2 sản phẩm Gạo Ia Pa TBR97 của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đại Đồng và Bưởi da xanh hữu cơ của hộ kinh doanh Đặng Văn Hoan (cùng ở thôn 3, xã Pờ Tó) đạt 3 sao cấp huyện và đang trình hồ sơ xét duyệt OCOP cấp tỉnh. Đây được coi là nỗ lực không chỉ của chủ thể sản phẩm mà còn của cả các cơ quan chức năng trong việc xây dựng, đưa nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương vươn ra thị trường.

Ông Hà Quang Hiển-Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng-cho biết: Vụ Đông Xuân năm 2019, HTX đưa giống lúa TBR97 của Tập đoàn ThaiBinh Seed vào sản xuất trên diện tích 50 ha với 21 hộ tham gia. Đây là giống lúa kháng sâu bệnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên năng suất đạt cao, chất lượng gạo dẻo, thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng. Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đầu năm 2022, HTX quyết định đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm gạo TBR97.

 Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Ia Pa họp đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP cấp huyện. Ảnh: Vũ Chi
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Ia Pa họp đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP cấp huyện. Ảnh: Vũ Chi


“Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện là thành công bước đầu cho những nỗ lực của các thành viên HTX trong thời gian qua. Nếu như tới đây, sản phẩm tiếp tục đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh thì niềm vui sẽ nhân đôi, sản phẩm của HTX sẽ có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng trên khắp cả nước, từ đó, nâng cao giá trị hạt gạo cũng như thu nhập cho người trồng lúa”-ông Hiển kỳ vọng.

Cùng với sản phẩm Gạo Ia Pa TBR97, Bưởi da xanh hữu cơ của gia đình ông Đặng Văn Hoan cũng đã đạt 3 sao cấp huyện và đang chờ xét duyệt cấp tỉnh. Ông Hoan cho hay: Năm 2018, nhân chuyến vào TP. Hồ Chí Minh, ông có ghé siêu thị mua quả bưởi da xanh Bến Tre về ăn. Thấy chất lượng bưởi da xanh ngon, ông quyết định khăn gói xuống Bến Tre đặt nhà vườn chiết cành về trồng với giá 30.000 đồng/cây. Hiện nay, 500 cây bưởi da xanh của gia đình ông đã cho thu hoạch năm thứ 2 với sản lượng hơn 10 tấn quả. Bên cạnh bón phân hữu cơ, ông còn sử dụng các sản phẩm thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng để đảm bảo nguồn trái cây sạch cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy, sản phẩm Bưởi da xanh hữu cơ của gia đình ông được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Chắp cánh cho sản phẩm OCOP

Theo ông Nguyễn Minh Thái-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó: Thực hiện Chương trình OCOP, chính quyền địa phương khuyến khích các HTX, hộ kinh doanh có sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng tham gia. Với sản phẩm gạo TBR97, UBND xã cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chỉ đạo HTX quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn thực phẩm theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Xã còn có nhiều tiềm năng để phát triển cây ăn quả với trên 50 ha bưởi, nhãn, dừa, xoài... Sắp tới, nếu đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, các sản phẩm này sẽ tạo động lực để người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tạo tiền đề xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống cũng như vùng chuyên canh cây ăn quả.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX trên địa bàn huyện Ia Pa xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao. Ảnh: Vũ Chi
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX trên địa bàn huyện Ia Pa xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao. Ảnh: Vũ Chi



Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, ông Hoan cho hay: Lợi thế lớn nhất của cây bưởi là có thể ra quả 3 vụ/năm. Vì vậy, ông cho cây ra hoa xen kẽ nhau, khoảng 50 cây/lứa để có trái cây cung cấp thường xuyên ra thị trường. Hiện tại, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 22-25 ngàn đồng/kg. “Ngoài 500 cây bưởi, 2 ha nhãn của gia đình cũng bắt đầu cho thu hoạch. Chúng tôi dự tính đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm nhãn của gia đình”-ông Hoan cho biết.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Đình Đức, Phòng không chỉ có trách nhiệm hỗ trợ hướng đi, cách làm mà còn “cầm tay chỉ việc” giúp chủ thể hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định; hỗ trợ chủ thể xây dựng website riêng cho sản phẩm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật theo quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, tạo điều kiện để các chủ thể tham gia các phiên chợ nông sản an toàn, các chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như quảng bá trên sàn thương mại, trưng bày trong các siêu thị để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa thì cho hay: Chương trình OCOP góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; từ đó, thu nhập của các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp được nâng cao. Bên cạnh 3 sản phẩm OCOP hiện có, huyện còn nhiều sản phẩm tiềm năng khác như: nấm rơm, nhung hươu, thịt dê núi Chư Mố… Huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương cũng như đặt ra mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn để thực hiện kế hoạch đề ra. “Với sự nỗ lực, quyết tâm của các chủ thể, tin tưởng rằng Chương trình OCOP của huyện sẽ ngày càng phát triển, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng tầm nông sản, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, tạo động lực giúp các địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa nhấn mạnh.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.