Làm gì để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản là vấn đề được quan tâm tuần qua tại hội thảo Đà Lạt - đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển tổ chức ngày 27.11 tại TP.Đà Lạt.
|
Nhiều ý kiến tại hội thảo khẳng định cần giữ mảng xanh đặc trưng ở khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng, Đà Lạt ẢNH: G.B |
Một Đà Lạt khác biệt
Tại hội thảo do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, GS-TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT) nhấn mạnh sự độc đáo của TP.Đà Lạt. Ông cho rằng nhìn lại toàn bộ quá trình hình thành và phát triển, Đà Lạt vẫn là thành phố có nhiều khác biệt nhất, khác với mọi thành phố trong vùng Tây nguyên. Các thành phố khác ở Tây nguyên đều mang dáng vẻ gắn với rừng đại ngàn, âm nhạc là tiếng vọng của đại ngàn thể hiện bằng cồng chiêng và tre nứa. Đà Lạt thì khác, thành phố kiểu kiến trúc Pháp biến điệu bằng dáng vẻ địa phương, cảnh quan thiên nhiên là rừng địa phương được tổ chức theo kiểu rừng châu Âu. Âm nhạc của Đà Lạt cũng mang âm hưởng giai điệu nhạc lãng mạn Pháp. Tiếp nữa, VN có nhiều thành phố trên núi, nhưng Đà Lạt không giống bất kỳ thành phố trên núi nào. Đà Lạt là thành phố duy nhất tạo nên nét hoàn toàn khác biệt, khác biệt về kiến trúc và khác biệt về sự lãng mạn. Cũng theo ông Võ, sự khác biệt ở đây là cảnh quan kiến trúc gắn với cảnh quan thiên nhiên. Đà Lạt là một thành phố có kiến trúc Pháp khác biệt nhưng lại gắn rất chặt với kinh tế nông nghiệp, gồm các sản phẩm chính là hoa, rau và quả.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho biết trước đây ông đã từng 3 lần đến Đà Lạt (vào các năm 1977, 2004, 2010) và mỗi lần đều có một cảm nhận riêng. Nhưng ở lần thứ 3 thì ông thấy Đà Lạt đã thay đổi rất nhiều, một số thay đổi là tích cực và nhiều thay đổi là tiêu cực. “Tôi có cảm giác như sự khác biệt của Đà Lạt đã phai nhạt dần. Có vẻ như những lợi ích kinh tế trước mắt đang làm mọi người quên mất Đà Lạt đang có sự khác biệt từ xưa, chứa đựng nhiều giá trị rất lớn. Những giá trị này mới là cốt lõi tạo ra giá trị lớn hơn rất nhiều trong tương lai”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ chia sẻ.
TS Emmanuel Cerise, đại diện vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp) tại Hà Nội, cho biết những thách thức mà Đà Lạt phải đối mặt để trở thành một thành phố di sản thực sự vẫn còn rất lớn. Ông cho rằng vấn đề cấp bách là bảo tồn các yếu tố vật chất đã làm nên lịch sử Đà Lạt: kiến trúc công cộng và tư nhân cũng như các hình thái đô thị, quy hoạch không gian công cộng và cảnh quan đặc thù của Đà Lạt. Do đó, cần kiểm soát tốt chiều cao công trình và quy mô của các dự án kiến trúc, đô thị được đề xuất cho tương lai của Đà Lạt. Di sản đô thị của Đà Lạt bao gồm những công trình xây dựng và không gian công cộng được thiết kế theo tỷ lệ thân thiện với con người...
Còn KTS Salvador Perez Arroyo, Giáo sư danh dự Đại học London (Anh), cho rằng Đà Lạt có địa hình và di sản kiến trúc được đánh giá cao. “Yếu tố địa hình chính là một phần bản sắc của vùng đất này. Hình ảnh công trình in lên nền trời và thiên nhiên xung quanh làm nên một Đà Lạt duy nhất. Tất cả các dự án kiến trúc và chính sách bảo tồn của thành phố cần phải gìn giữ cái cảm giác địa hình này”. Vì vậy theo ông, không nên tùy tiện chỉnh sửa địa hình của thành phố hay xây dựng những công trình cao tầng.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, với sự hội tụ các yếu tố khí hậu, các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng với quần thể di sản kiến trúc, có thể nói Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để trở thành đô thị di sản. “Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý và trong Luật Di sản văn hóa vẫn chưa đề cập đến khái niệm đô thị di sản cũng như chưa có những quy định để bảo vệ loại hình di sản này. Thực tế đó đòi hỏi di sản đô thị cần phải được quan tâm nhiều hơn, phải được đặt đúng vị trí để có những biện pháp bảo vệ trước khi những di sản này bị biến dạng, xuống cấp hay biến mất hoàn toàn, trong đó bao gồm cả việc đánh giá lại tài nguyên khí hậu, tài nguyên cảnh quan của Đà Lạt để có ứng xử phù hợp”, ông Chính đề nghị. Ông Chính cho rằng để trở thành đô thị di sản, Đà Lạt không chỉ bảo tồn các di sản vật thể mà cần phải bảo tồn “hồn cốt” rất riêng có của Đà Lạt.
Ông Chính cũng cho biết Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thống nhất chủ trương lập quy hoạch chi tiết khu Hòa Bình - TP.Đà Lạt với cách tiếp cận trên nguyên tắc “quy hoạch cải tạo chỉnh trang, bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc, cảnh quan đã đi vào ký ức đô thị”. Với khu vực đồi Dinh, công trình Dinh tỉnh trưởng - nơi có không gian xanh, có ý nghĩa lịch sử và giá trị về cảnh quan, cần bảo tồn, tôn tạo và khai thác khu vực này trở thành điểm du lịch cao cấp, thu hút du khách đến tham quan và vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng.
|
Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam ẢNH: NGỌC THẮNG |
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà văn sáng tạo và cống hiến
Phát biểu chỉ đạo tại phiên bế mạc Đại hội Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 hôm 25.11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đồng hành với các nhà văn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà văn sáng tạo và cống hiến.
Ban Chấp hành HNV Việt Nam khóa mới gồm 11 người đã ra mắt Đại hội HVN khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tại phiên bế mạc sau 2 ngày làm việc. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã được bầu làm Chủ tịch HNV khóa X; cùng 2 Phó chủ tịch là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Nguyễn Bình Phương.
Ông Võ Văn Thưởng đánh giá Đại hội HNV lần này là đại hội thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo của HNV Việt Nam; và việc chuyển giao này mang tới kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng, năng lượng mới trong công tác điều hành và sáng tạo; góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. “Với tất cả những gì mà các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ đã làm được, nhân dân và Đảng tiếp tục đặt lòng tin vào các nhà văn hiện tại trong một giai đoạn mới của đất nước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức”, ông Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng nhắc tới một nhiệm vụ mà các nhà văn Việt Nam còn làm chưa trọn vẹn. “Đến nay, hội viên HNV chúng ta vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại; về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới; về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Về chất lượng tác phẩm, tính chuyên nghiệp chưa cao, có ít tác phẩm đủ sức tạo thành các hiện tượng văn học”, ông Thưởng nói.
|
Tác phẩm Tình biển bằng đá đen (trái) do họa sĩ Nguyễn Thành Vinh sao chép, được trưng bày tại Công viên TP.Tuy Hòa và tác phẩm Tình biển bằng đá granite do họa sĩ - nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh chế tác ẢNH: ĐỨC HUY-HUY HẠNH |
Lùm xùm chuyện sao chép tác phẩm nghệ thuật
Dư luận đang lùm xùm về việc tác phẩm nghệ thuật Tình biển bị sao chép để làm tiểu cảnh trong dự án Công viên ven biển TP.Tuy Hòa (Phú Yên) và được đưa vào hồ sơ để xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật của tỉnh này.
Tác phẩm Tình biển được họa sĩ - nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh (Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học nghệ thuật TP.Đà Nẵng) chế tác bằng đá granite tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế 2015 do UBND TP.HCM tổ chức. Năm 2019, tác phẩm Tình biển đã được họa sĩ Nguyễn Thành Vinh (giảng viên Trường ĐH Phú Yên) sao chép bằng đá màu đen rồi trưng bày tại Công viên ven biển TP.Tuy Hòa.
Ông Vinh giải thích tác phẩm sao chép này chỉ là tiểu cảnh, không phải tác phẩm nghệ thuật, nên không ghi rõ tên tác giả, tác phẩm. Cũng theo ông Vinh, việc sao chép tác phẩm Tình biển đã được họa sĩ - nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh cho phép. Trong khi đó, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh cho biết ông là tác giả của tác phẩm điêu khắc Tình biển bằng đá granite, nhưng đơn vị sở hữu bản quyền là UBND TP.HCM, nên việc sao chép tác phẩm này phải có ý kiến của đơn vị sở hữu bản quyền, chứ không phải ông. “Có người gửi cho tôi tấm ảnh về tác phẩm sao chép thì tôi mới biết, chứ tôi ở Đà Nẵng, sao biết được”, ông Hạnh chia sẻ.
Ông Vinh trần tình thêm: “Anh Hạnh hiểu lầm tôi là lấy tác phẩm Tình biển dự Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên 5 năm (2015 - 2020), nhưng hiện nay tỉnh Phú Yên chưa công bố bất kỳ giải nào”. Ông Vinh nói thêm: “Trong Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên 5 năm, ngoài xét các tác phẩm đoạt giải thì còn có nội dung đề cao cống hiến cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà, nên tôi liệt kê thêm các công trình đã đóng góp cho tỉnh như tượng đài danh nhân, tượng đài trường học, cụm tượng ven biển... Đó chỉ là xét về quá trình đóng góp, chứ không phải lấy tác phẩm để xét giải”.
Họa sĩ Võ Tĩnh - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, thì khẳng định họa sĩ Nguyễn Thành Vinh đã sử dụng tác phẩm Tình biển trong hồ sơ dự giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên 5 năm (2015 - 2020). “Trong hồ sơ dự giải thì có, nhưng khi xét hồ sơ thì Chi hội đã cắt hết, và ra Hội đồng sơ tuyển thì cũng đã thống nhất như vậy. Hiện đang chờ hội đồng của tỉnh quyết định”, ông Tĩnh nói. Cũng theo ông Tĩnh, tác phẩm Tình biển của UBND TP.HCM mua bản quyền nên không thể chia sẻ cho ai được.
Tại cụm tiểu cảnh Công viên ven biển Tuy Hòa, ông Vinh còn sao chép một tác phẩm khác, đó là tác phẩm Tình mẫu tử của nhà điêu khắc Vương Hữu Tư (TP.HCM). Ông Phan Ngọc Thành, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên, chủ đầu tư dự án Công viên ven biển TP.Tuy Hòa, cho hay: “Đơn vị trúng thầu hạng mục tiểu cảnh thuê họa sĩ Nguyễn Thành Vinh làm hạng mục tạo tiểu cảnh, chứ không phải tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, chủ đầu tư sẽ làm việc với các tác giả, đơn vị sở hữu quyền tác phẩm để thống nhất việc có ghi hay không ghi tên tác giả, tác phẩm vào các tượng đá tiểu cảnh trưng bày tại công viên. Nếu tác giả, đơn vị sở hữu quyền tác phẩm đồng ý ghi tên thì chủ đầu tư gắn biển tên tác giả, tác phẩm vào đó”.
Một số họa sĩ cho rằng ông Vinh đã chép tác phẩm điêu khắc Tình đồng đội của họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Hữu Tư (TP.HCM) thành tác phẩm Tình mẫu tử.
Họa sĩ Nguyễn Thành Vinh thừa nhận đã sao chép 2 tác phẩm Tình biển và Tình mẫu tử để làm tiểu cảnh tại dự án Công viên ven biển TP.Tuy Hòa (Phú Yên) nhưng khẳng định việc sao chép này đã có sự cho phép của 2 tác giả.
Tuy nhiên, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh cho rằng việc cho phép sao chép tác phẩm Tình biển là thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, vì cơ quan này mới là đơn vị sở hữu bản quyền tác phẩm. Tương tự, nhà điêu khắc Vương Hữu Tư cho biết tác phẩm Tình mẫu tử trưng bày tại Công viên biển TP.Tuy Hòa thực chất là sao chép lại từ tác phẩm Tình đồng đội do ông chế tác tại Quảng Trị vào tháng 7.2016, trong đợt UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Trại sáng tác điêu khắc Thành cổ Quảng Trị bất tử và hồi sinh. Theo ông Tư, việc sao chép tác phẩm Tình đồng đội phải xin phép UBND tỉnh Quảng Trị và sao chép phải ghi đúng tên của tác phẩm, không thể biến Tình đồng đội thành Tình mẫu tử như ông Vinh đã làm.
|
Trưng bày về Hoàng thành Thăng Long dưới hầm Nhà Quốc hội ẢNH: NGỮ THIÊN |
Đề xuất làm hồ sơ UNESCO lần hai cho Hoàng thành Thăng Long
Chiều 23.11, TP.Hà Nội tổ chức hội thảo để nhìn lại 10 năm Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Trong hội thảo này, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhiều lần nhắc tới từ “cung vàng điện ngọc” khi nói về những giá trị của HTTL. Ông Tín cũng điểm lại kết quả nghiên cứu khảo cổ học HTTL ở các thời khác nhau, cho thấy sự tiếp nối của các triều đại, các giá trị kiến trúc văn hóa. “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung nghiên cứu, phục dựng tòa chính điện Kính Thiên, như lời nhà khoa học Lê Quý Đôn nói là một ngôi điện nguy nga giữa trời”, ông Tín nói.
Hiện tại, việc nghiên cứu để tái hiện HTTL vẫn đang tiếp tục. Tại trưng bày về HTTL ở hầm Nhà Quốc hội có phòng chiếu phim, ở đó chiếu đoạn phim về HTTL thời Lý. Đoạn phim này do nhóm nghiên cứu của PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu kinh thành, thực hiện. “Chúng tôi đã mất 5 năm để nghiên cứu và tái hiện kiến trúc thời Lý đó”, ông Trí cho biết.
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hiện các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật 5 ha trên tổng số 20 ha. Đây là diện tích còn quá hạn hẹp, chưa có khả năng hình dung hết diện mạo khu di sản. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc gắn với tất cả các giai đoạn phát triển của khu Trung tâm HTTL. Đặc biệt, đã phát hiện bộ sưu tập với hiện vật quý hiếm, trong đó có nhiều hiện vật đáng được công nhận là bảo vật quốc gia.
“Trong thời gian tới rất cần triển khai tận cùng kế hoạch nghiên cứu, khai quật khảo cổ học đã được phê duyệt để nhận diện di sản sâu sắc hơn. Mặt khác, kết quả này cũng sẽ cung cấp cho chúng ta đầy đủ tư liệu bằng chứng vật chất làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện có kết quả các dự án phục dựng điện Kính Thiên - một hạng mục kiến trúc hạt nhân trong quần thể kiến trúc kinh thành Thăng Long xưa. Trước mắt là phục dựng di tích dưới dạng các bản vẽ, hình ảnh, không gian “hiện thực ảo” bằng công nghệ số với tư cách là phương án gợi mở tiến tới đồng thuận tương đối trong cộng đồng, làm cơ sở cho việc phục dựng điện Kính Thiên”, ông Bài nêu quan điểm.
PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng nếu đối chiếu với ý tưởng quy hoạch Thăng Long ban đầu trong Chiếu dời đô, có thể thấy HTTL xưa chỉ là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của kinh thành Thăng Long. Trong lòng thủ đô Hà Nội hiện nay vẫn tồn tại nhiều hoặc một di tích đơn lẻ đã gắn bó lâu đời với Trung tâm HTTL, như khu phố cổ Hà Nội (một làng cổ bên sông Tô Lịch xưa phát triển và lớn mạnh); Ô Quan Chưởng, tứ trấn bảo hộ về mặt tâm linh cho kinh thành; hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm với tư cách là hai điểm thiêng từ khởi đầu của Thăng Long. Rộng hơn nữa có thể kể đến dấu tích của các con sông cổ: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... và đặc biệt là dấu ấn của La Thành - vòng ngoài của kinh đô Thăng Long.
Ông Bài đề xuất: “Tôi nghĩ rằng các điểm di tích đơn lẻ đó nếu được kết nối lại cùng di sản Trung tâm HTTL (đã được công nhận Di sản thế giới năm 2010) thành một chuỗi di sản thì hoàn toàn có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần thứ hai cho Trung tâm HTTL với tính chất là di sản gắn với kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
PGS-TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, lại nhắc đến việc làm sao để phát huy di sản HTTL. Theo ông, hiện tại ở HTTL có nhiều hoạt động văn hóa rất tốt, trong đó có các hoạt động như Em tập làm nhà khảo cổ, hay các chương trình âm nhạc lớn. “Việc HTTL tổ chức sự kiện là nên, nếu không thì im lìm. Vấn đề là chọn sự kiện gì, hàm lượng văn hóa trong sự kiện, chọn lọc và tổ chức cho văn hóa”, ông Trụ nói. Cũng theo ông Trụ, nếu ở HTTL có thêm không gian trưng bày để tái hiện lịch sử nhiều hơn nữa càng tốt. Trường hợp nếu chưa đủ hiện vật thì có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo, phim...
Ông Trụ cũng nhắc đến trưng bày các hiện vật HTTL ở hầm Nhà Quốc hội. “Có nhiều nhà khoa học chưa được vào. Chúng ta phải thấy là bảo tàng đó cũng rất tốt. Bây giờ nếu chỉ đóng cửa để đấy hoặc năm thì mười họa đại biểu Quốc hội họp xem thì thấy lãng phí. Đề nghị Quốc hội nên có giải pháp để người dân vào tham quan. Các đối tượng đi theo đoàn, có quy chế, có người tổ chức. Có thể 1 tháng một lần hay 1 tuần một lần, có quy định, có biện pháp chứ nếu không thì lãng phí, không phát huy được giá trị”, ông Trụ nói.
|
Màn trình diễn gây phản cảm trên phố đi bộ khu Hòa Bình - Đà Lạt ẢNH: G.B CHỤP LẠI |
UBND TP.Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt màn trình diễn phản cảm của du khách ở Đà Lạt
Trên mạng xã hội vừa xuất hiện những hình ảnh, clip phản cảm về 2 người đàn ông trong trang phục “không thể diễn tả” với những động tác đi lại, uốn éo trên phố đi bộ ngay trung tâm khu Hòa Bình (TP.Đà Lạt). Theo hình ảnh và clip, 2 người đàn ông trong hành động như đang “trình diễn thời trang” và 1 thanh niên khác thì chụp hình “hoạt động” này, xung quanh có khá đông du khách, thậm chí có cả trẻ em.
Những hình ảnh trên xuất hiện làm cho dư luận bức xúc, cho là nhố nhăng, thậm chí có người nặng lời đánh giá là “biến thái”. Hình ảnh này không thể chấp nhận, đã vậy còn xuất hiện ngay giữa trung tâm khu Hòa Bình. Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết đã nhìn thấy những hình ảnh, clip rất phản cảm này trên mạng. Sự việc xảy ra trên địa bàn TP.Đà Lạt, Sở đã đề nghị UBND TP.Đà Lạt kiểm tra, xử lý theo quy định.
Ngày 25.11, Trung tá Nguyễn Kim Đồng, Đội trưởng Đội An ninh Công an TP.Đà Lạt, cho hay, sau khi xuất hiện những hình ảnh, clip về màn trình diễn phản cảm gây bức xúc trong dư luận của một nhóm người trên phố đi bộ khu Hòa Bình (TP.Đà Lạt), Công an TP.Đà Lạt đã nhanh chóng vào cuộc để xác minh làm rõ. Qua những hình ảnh thu thập được, cùng với việc trích xuất camera an ninh trên địa bàn các trinh sát của Đội An ninh Công an TP.Đà Lạt đã lần ra dấu vết của nhóm người này. .
Cũng theo Trung tá Đồng, công an đã xác định được 3 thanh niên có liên quan trong vụ việc này, gồm: Ph.Ng.(22 tuổi, ngụ TP.HCM), là người hóa trang trong trang phục màu đỏ; Ng.Ng.V.(30 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt), là người quay phim và Ng.L.Ng., là người hóa trang trong trang phục màu trắng.
Ngày 25.11, Công an thành phố phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin TP.Đà Lạt và các đơn vị liên quan tiến hành xử lý vụ việc. Vì Ph.Ng.và Ng.Ng.V. không có mặt ở Đà Lạt, nên cơ quan công an mới mời làm việc được với Ng.L.Ng. Hai người còn lại sẽ được cơ quan chức năng mời làm việc để xử lý sau.
Tại cơ quan công an, Ng.L.Ng. thừa nhận việc làm của mình là phản cảm, tác động tiêu cực đến với TP.Đà Lạt, gia đình, bản thân và cam kết thời gian tới, khi biểu diễn nghệ thuật đường phố sẽ chấp hành đúng quy định, không để hiện tượng này xảy ra 1 lần nữa.
Cũng trong ngày 25.11, Phòng Văn hóa thông tin TP.Đà Lạt đã lập biên bản vi phạm hành chính với Ng.L.Ng (20 tuổi, trú TP.Đà Lạt) về hành vi mặc trang phục phản cảm trình diễn ở phố đi bộ khu Hòa Bình và đã có tờ trình tham mưu UBND TP.Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ng.L.Ng. về hành vi biểu diễn gây phản cảm này.
Cùng ngày, UBND TP.Đà Lạt đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Ng.L.Ng 7,5 triệu đồng vì hành vi sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn, trình diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
|
9 tác phẩm múa mở màn lễ bế mạc Liên hoan nghệ thuật múa mở rộng lần VI ẢNH: THẾ SANG |
Đêm trao giải Liên hoan nghệ thuật múa TP. HCM lần VI
20 giờ ngày 26.11 tại Nhà hát TP. HCM (Công trường Lam Sơn, Q.1), Liên hoan nghệ thuật múa lần VI đã trao giải cho những tác phẩm múa xuất sắc.
Liên hoan nghệ thuật múa TP. HCM mở rộng lần VI năm nay đã tìm được những chủ nhân xứng đáng với 5 giải A (được tặng 12 triệu đồng mỗi giải), 7 giải B (9 triệu đồng mỗi giải) và 9 giải C (6 triệu mỗi giải). Các giải A bao gồm các tác phẩm múa Falling Angels, Miền Nhớ, Sông Cạn, 28, Mẹ Kể; 7 giải B bao gồm Hồn Khơ Mú, Lượm Ơi...!!, Noọng Ơi!, Lời Của Nước, Lệ Chi Viên, Sắc Tình Tây Bắc...; các giải C bao gồm Đời Gánh, Cánh Hoa Triều Lý, Tiếng Lòng...
Bên cạnh đó, Liên hoan nghệ thuật múa lần VI - 2020 còn trao các giải thưởng cho diễn viên bao gồm 3 giải A (7 triệu đồng một giải), 4 giải B (5 triệu đồng mỗi giải) và 5 giải C (3 triệu đồng một giải). Các giải C có thể kể qua gồm Huỳnh Thanh Tùng (tác phẩm múa Dây Đời), Nguyễn Thị Huệ (tác phẩm múa Mầm Ơi)...; các giải B bao gồm nghệ sĩ Phạm Thế Phương (tác phẩm Lượm Ơi...!!!), Nguyễn Huỳnh Như (tác phẩm Noọng Ơi!), Phạm Minh Tuấn (tác phẩm Lệ Chi Viên); các giải A bao gồm Sùng A Lùng (tác phẩm Falling Angels), Lê Ngọc Trâm (tác phẩm Sông Cạn) và Tiêu Vĩnh Thịnh (tác phẩm 28).
|
Taylor Swift giữ kỷ lục 32 lần chiến thắng tại AMA ẢNH: REUTERS |
Taylor Swift thắng giải Nghệ sĩ của năm tại AMA 2020
Ngôi sao Taylor Swift thắng giải Nghệ sĩ của năm tại lễ trao giải American Music Awards 2020 (AMA) diễn ra vào 22.11 tại Los Angeles (Mỹ).
Taylor Swift còn nhận thêm giải Video ca nhạc được yêu thích nhất (Cardigan) và Nữ nghệ sĩ pop/rock xuất sắc nhất. Cô cho biết không thể đến nhận giải vì bận thu âm các ca khúc cũ để cạnh tranh với các hãng đĩa đang giữ bản quyền 6 album trước đây của cô.
Tương tự các giải thưởng nghệ thuật khác, AMA 2020 cũng phải tuân thủ nguyên tắc giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, giảm số lượng khán giả, khử trùng Nhà hát Microsoft, kiểm tra thân nhiệt của tất cả người ra vào nhà hát. Đêm trao giải có phầ trình diễn của Billie Eilish, Shawn Mendes, Justin Bieber, Katy Perry, Jennifer Lopez, BTS, Megan Thee Stallion…
Giải Nghệ sĩ mới của năm trao cho Doja Cat, Nhóm nhạc pop/rock hay nhất và Nghệ sĩ trên mạng xã hội được ưa chuộng nhất thuộc về BTS, Nam nghệ sĩ pop/rock xuất sắc nhất xướng tên Justin Bieber, Album pop/rock hay nhất là Fine Line của Harry Styles, Ca khúc pop/rock được ưu thích nhất là Don’t Start Now của Dua Lipa, Juice WRLD và Nicki Minaj lần lượt chiến thắng hạng mục Nam/Nữ nghệ sĩ rap/hip hop xuất sắc nhất…
Taylor Swift Swift từng đoạt 29 chiến thắng tại AMA, nhiều nhất mọi thời đại - đã phá kỷ lục của chính mình và nâng tổng số giải thưởng AMA lên 32. Đây là kỷ lục thứ sáu của Taylor Swift khi giành được giải thưởng cao nhất tại AMA do người hâm mộ bình chọn - giải Nghệ sĩ của năm. Nữ ca sĩ gửi lời cảm ơn đến người hâm mộ trên video.
Theo TNO