Một nhóm sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chế tạo thành công hệ thống tự động cấp phôi khi sản xuất đồ dùng inox gia dụng, nâng độ an toàn lao động cho doanh nghiệp lên tiêu chuẩn quốc tế.
Nhóm tác giả với 1 thiết bị trong hệ thống cấp phôi tự động cho xây chuyền sản xuất đồ dùng inox trong nhà bếp. |
Nguyễn Văn Hiệp, sinh viên lớp cơ khí động lực 1, K58, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đại diện nhóm sinh viên nghiên cứu, chế tạo hệ thống tự động cấp phôi trong dây chuyền sản xuất đồ dùng innox trong nhà bếp, kể: “Cách đây khoảng 1 tháng, sản phẩm hoàn thiện và chạy được theo ý điều khiển của mình. Không thể tả nổi cảm xúc của chúng em khi vận hành lần đầu được thấy máy… chạy. Cả nhóm, ai cũng sướng run người”.
Hiệp cho biết ý tưởng nghiên cứu để thiết kế hệ thống này bắt nguồn từ một đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trong một dịp các thầy của trường đến thăm một công ty ở Đồng Nai thì được lãnh đạo công ty này (là cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội) đặt ra một loạt vấn đề thực tiễn mà họ đang cần được giải quyết. Ví dụ việc cải tiến, nâng cấp hệ thống sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn lao động, để có thể trực tiếp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài chứ không phải thông qua 1 doanh nghiệp nước ngoài.
“Các thầy chiếu Clip hệ thống máy móc của công ty đó cho chúng em xem, rồi gợi ý để chúng em suy nghĩ, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống tự động cấp phôi trong dây chuyền sản xuất đồ dùng inox cho nhà bếp. Nếu sản xuất trên hệ thống tự động thì sẽ hạn chế tối thiểu việc con người trực tiếp thao tác với máy trong quá trình sản xuất, nhằm nâng cao tính an toàn. Nhờ các thầy hướng dẫn, sau 6 tháng thì nhóm chúng em đã chế tạo ra được một cỗ máy và được các thầy đánh giá cao”-Hiệp kể.
Nhóm của Hiệp còn 4 thành viên nữa, đều là sinh viên K58 (hiện đang học năm thứ 4), ngành cơ khí động lực gồm: Phùng Vũ Dương, Nguyễn Hữu Hưng, Nguyễn Thế Thắng, Ngô Bá Huân. Hiệp cho biết, trên thế giới có nhiều hệ thống dây chuyền sản xuất đồ dùng inox cho nhà bếp, nhưng đều là hệ thống tự động khép kín. Việc đầu tư một hệ thống như thế đòi hỏi vốn rất cao, kèm theo máy công nghệ chuyên dụng của từng hãng. Trong khi nhu cầu của doanh nghiệp là nâng cấp trên cơ sở tận dụng được những máy móc cũ mà doanh nghiệp đang có.
Vì thế nhóm của Hiệp đã nghiên cứu các dây chuyền hiện đại, tự động hóa cao của các hãng quốc tế, nhằm lựa chọn các công đoạn phù hợp, làm cơ sở để tổ hợp các hệ thống tương thích với dây chuyền công nghệ hiện có trong thực tế. Sau đó thiết kế phần cơ khí các hệ thống cấp phôi tự động, thiết kế hệ thống điều khiển tự động rồi chế tạo các cơ cấu modul chuẩn độc lập, chạy thử nghiệm để hiệu chỉnh thiết kế phục vụ cho chế tạo thương mại. Cuối cùng là kết nối điều khiển các modul thành hệ thống hoàn chỉnh, thử nghiệm thực tế và triển khai.
Nhờ “đứng trên vai của người khổng lồ”
Theo PGS Hoàng Sinh Trường, thầy trực tiếp hướng dẫn nhóm của Hiệp thực hiện đề tài này, thành công của nhóm là nhờ biết “đứng trên vai của người khổng lồ”. Các nguyên lý, cơ chế hoạt động của dây chuyền sản xuất tự động thì thế giới đã nghiên cứu rồi. Việc còn lại của các em là đọc tài liệu của nước ngoài, nghiên cứu các mô hình, từ đó tìm cách ứng dụng những kiến thức đã học để đưa vào thực tế.
“Phải nói là cách tiếp cận của các em rất thông minh. Các em đã nghiên cứu kỹ các dây chuyền trên thế giới, của các hãng nổi tiếng, tách ra lấy những cơ cấu chuyển động vừa ý mình, rồi tự xây dựng chương trình, xây dựng mô hình. Mô hình đầu tiên chạy thử vậy là đạt yêu cầu (cả về năng suất), giờ cần điều chỉnh sao để độ chính xác cao hơn. Triển vọng của đề tài là có thể tiến tới hoàn chỉnh để trở thành sản phẩm thương mại, cung cấp cho doanh nghiệp”, PGS Trường nhận xét.
Sản phẩm của nhóm đã được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trao giải nhất trong chương trình Sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo 2017.
Theo Thanhnien