SHB Gia Lai: Mở rộng mạng lưới giao dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội tại Gia Lai (SHB Gia Lai) khai trương Phòng Giao dịch Đak Đoa hứa hẹn tạo thêm nguồn lực mới thúc đẩy kinh tế trong khu vực phát triển.
Dẫn chúng tôi tham quan trụ sở làm việc Phòng Giao dịch Đak Đoa, ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-cho biết: Trước khi khai trương Phòng Giao dịch Đak Đoa, Chi nhánh đã xây dựng được 3 điểm giao dịch đặt tại TP. Pleiku (2 điểm giao dịch) và huyện Chư Sê. Đặc biệt, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, Chi nhánh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với dư nợ cho vay trên 1.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SHB Gia Lai cũng đã huy động tiền gửi tiết kiệm tương đối tốt, hiện tại đạt gần 1.000 tỷ đồng (đạt gần 70% dư nợ cho vay). Đặc biệt, hiện nay, Chi nhánh đã có gần 100 khách hàng là tổ chức và trên 12.000 khách hàng cá nhân, trong đó có gần 400 khách hàng của huyện Đak Đoa và Mang Yang đã giao dịch với Ngân hàng tại Phòng Giao dịch Biển Hồ gần 10 năm qua. Do đó, việc đưa Phòng Giao dịch Đak Đoa đi vào hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho người dân các huyện này trong quan hệ giao dịch.
 Cắt băng khai trương Phòng Giao dịch Đak Đoa. Ảnh: H.T
Cắt băng khai trương Phòng Giao dịch Đak Đoa. Ảnh: H.T
Cũng theo ông Lý Anh Đào, Đak Đoa và Mang Yang là vùng đất giàu tiềm năng với thế mạnh là sản xuất các loại cây công nghiệp như: hồ tiêu, cà phê, cao su, chanh dây. Do đó, Phòng Giao dịch Đak Đoa sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương của SHB Gia Lai là hướng đến khách hàng bán lẻ, trong đó, chú trọng khách hàng nông dân để giúp họ tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất nhằm tránh tình trạng phải đi vay nặng lãi. Đặc biệt, với phương châm “Đối tác tin cậy, giải pháp phù hợp”, Phòng Giao dịch sẽ tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ người dân về thủ tục vay vốn, các gói vay phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng trả nợ của gia đình. Ngoài ra, Phòng Giao dịch cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho người dân tái canh cà phê theo dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) của Chính phủ.
Hiện nay, Phòng Giao dịch Đak Đoa đã được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất và trang-thiết bị hoạt động với không gian làm việc hiện đại, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, 8 cán bộ, nhân viên đều có kinh nghiệm 3 năm làm việc tại các Phòng Giao dịch của SHB Gia Lai sẽ là nhân tố giúp Phòng Giao dịch hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững. Qua đó, góp phần giúp người dân đến giao dịch gửi tiết kiệm cũng như tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi nhất. Bà Lê Thị Hương (tổ dân phố 6, thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 3 ha cà phê, hồ tiêu nên cần rất nhiều vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây. Vì vậy, gia đình tôi nói riêng và người dân nơi đây rất phấn khởi khi có thêm cơ hội được tiếp cận vốn vay cũng như lựa chọn kênh vay vốn phù hợp để phát triển sản xuất”.
Nhìn nhận về sự kiện SHB Gia Lai đưa Phòng Giao dịch vào hoạt động tại địa phương, ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-khẳng định: Phòng Giao dịch Đak Đoa của SHB Gia Lai đi vào hoạt động sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn lựa chọn nguồn vốn để phát triển sản xuất cũng như đáp ứng các nhu cầu tiền tệ-thanh toán. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Do vậy, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phòng Giao dịch hoạt động. 
Với góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cũng nhận định: “Với chức năng kinh doanh đa dạng, công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ, nhân viên được đào tạo cơ bản, tôi tin tưởng rằng Phòng Giao dịch Đak Đoa của SHB Gia Lai sẽ hoạt động hiệu quả, an toàn và bền vững”.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.