Sau dịch tả lợn Châu Phi: Nông dân gặp nhiều khó khăn khi tái đàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Người nuôi lợn ở Đắk Lắk vẫn đang gặp nhiều khó khăn để tái đàn trở lại. Ảnh: Bảo Trung
Đắk Lắk là tỉnh có tổng đàn lợn cao nhất vùng Tây Nguyên. Khi dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát, rất nhiều người dân nuôi lợn ở tỉnh này đang muốn tái đàn trở lại để cải thiện thu nhập, nhưng thực tế lại gặp nhiều khó khăn…
Gặp nhiều khó khăn khi tái đàn lợn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Đắk Lắk, tính đến đầu tháng 3.2020, toàn tỉnh có tổng đàn lợn hơn 800.000 con, cao nhất vùng Tây Nguyên và xếp thứ 7 cả nước, tập trung chủ yếu ở TP.Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, Buôn Đôn… Dịch tả lợn Châu Chi bùng phát hồi tháng 5.2019 đã xảy ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hơn 4 vạn con lợn bị thiêu hủy, 4.400 hộ dân bị bị thiệt hại nặng nề. Hiện, rất nhiều nơi ở tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định công bố hết dịch và một số hộ dân đã và đang bắt đầu tái đàn.
Chị Hoàng Thị Lựu (ngụ TP.Buôn Ma Thuột), tâm sự, đợt dịch năm ngoái gia đình tôi đã phải tiêu hủy hàng chục con lợn. Hiện trang trại chỉ còn khoảng 10 con. Tôi đang muốn tái đàn, nhưng gặp quá nhiều khó khăn. Hiện, giá con giống đang cao, khoảng 2,5 triệu đến 5 triệu/cặp, tùy loại. Ngoài ra, kinh tế gia đình đang eo hẹp nên việc nâng cấp chuồng, trại để đạt chuẩn theo quy định khó thực hiện.
Ông Khăm Phon Lào - Trưởng phòng NNPTNT huyện Buôn Đôn cho biết, toàn huyện đang có hơn 70.000 con lợn. Hiện, có nhiều hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ, lẻ đều muốn tái đàn để tăng thêm thu nhập khi thịt lợn đang được giá nhưng gặp khó khăn về việc mua con giống và cải thiện chuồng, trại đạt chuẩn. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, nếu người dân vội vàng tái đàn diện rộng và khi lợn đủ cân nặng để bán thì chẳng ai có thể đoán định được giá cả lúc đó sẽ biến động thế nào.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, toàn tỉnh đã tái đàn lợn được tổng cộng hơn 7 vạn con. Việc tái đàn lợn chủ yếu được duy trì ổn định tại hệ thống các trang trại chăn nuôi gia công của Công ty CP Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk và một số trang trại, hộ gia đình đáp ứng đủ điều kiện chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Cần cẩn trọng khi chuyển đổi vật nuôi
Ông Nguyễn Nam - Trưởng phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk) cho hay, những nông hộ chăn nuôi tự phát hay trang trại quy mô nhỏ, lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ vẫn còn tồn tại nhiều nhược điểm như hệ thống chuồng trại, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn. Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa nắm kiến thức, kỹ thuật thực hiện phòng chống dịch bệnh. Chính vì lý do đó, dù cho thịt lợn đang được giá nhưng việc người dân tái đàn lúc này sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát, lây lan.
Ông Thủy Lệ Vũ - Phó Chi cục trưởng (phụ trách) Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk nhận định, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong thời gian đến giá thịt lợn chắc chắn sẽ có nhiều biến động nên người dân phải rất cẩn trọng khi tái đàn. Nên chọn con giống tại địa phương để bảo đảm an toàn thay vì nhập từ các tỉnh khác. Hiện, chi phí để xây dựng một trang trại lợn đảm bảo an toàn sinh học có sức chứa khoảng 1.000 con tốn khoảng 2 tỉ đồng, số tiền bỏ ra là rất lớn nên người dân có thể lựa chọn việc chuyển đổi sang vật nuôi khác… để tiết kiệm chi phí nhưng phải tính toán hết sức cẩn thận.
Bảo Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm