Rừng thông đỏ bị xâm hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông đỏ tại khu vực núi Voi, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, được Chính phủ đưa vào diện "thực vật được bảo vệ đặc biệt". Tuy nhiên gần đây, rừng thông đỏ này bị lâm tặc triệt hạ không thương tiếc.

Từ nguồn tin riêng của bạn đọc, chiều 1-8, phóng viên đã tìm đến nhà riêng ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đại Ninh - đơn vị quản lý cánh rừng thông đỏ ở núi Voi, thuộc các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

 

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng phát hiện những phách gỗ thành phẩm nghi là thông đỏ tại nhà ông Nhẫn.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng phát hiện những phách gỗ thành phẩm nghi là thông đỏ tại nhà ông Nhẫn.

Nhà trưởng ban quản lý rừng đầy gỗ

Đó là một ngôi nhà được xây dựng theo dạng biệt thự, nằm bên Quốc lộ 20 thuộc xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Trong vai người đi tìm mua gỗ quý, chúng tôi liên lạc với ông Nhẫn. Ông Nhẫn nói đang công tác tại huyện Di Linh, chỉ có vợ và con ở nhà.

Lân la hỏi chuyện, chúng tôi rảo mắt và không khó phát hiện nội thất trong ngôi nhà ông trưởng BQL rừng có khá nhiều gỗ. Trong gian phòng có bộ bàn ghế và nhiều lục bình gỗ loại lớn. Bên hiên nhà còn rất nhiều phách gỗ được xếp, che chắn cẩn thận.

Để xác minh làm rõ nguồn gốc gỗ tại đây, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 1-8, chúng tôi có cuộc làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng. Lúc này, ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, cử 2 cán bộ tên Hùng và Dũng đi xác minh, kiểm tra theo phản ánh của người dân. Tại nhà ông Nhẫn, 2 cán bộ hạt kiểm lâm ghi nhận vụ việc, phát hiện nhiều phách gỗ thành phẩm có dấu hiệu sai phạm. Trong đó, có khoảng 6 khúc gỗ thành phẩm dài hơn 1 m, đường kính khoảng 30 - 40 cm, chẻ ra gỗ có mùi đặc trưng như mùi phân mèo. "Chúng tôi nghi những phách gỗ này là gỗ thông đỏ" - kiểm lâm Dũng nói.

Để xác minh nguồn gốc cũng như xác định cụ thể loại gỗ, 2 cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã liên hệ với ông Nhẫn, đồng thời đề nghị người nhà cung cấp những giấy tờ liên quan để chứng minh. Liền sau đó, 2 nhân viên kiểm lâm gọi điện thoại báo ông Nguyễn Văn Trung trực tiếp đến hiện trường lập biên bản ghi nhận vụ việc.

Dù vậy, gia đình ông Nguyễn Văn Nhẫn không hợp tác với cán bộ kiểm lâm. Vợ ông Nhẫn viện lý do đưa 2 con đi học và mời cán bộ hạt kiểm lâm ra ngoài rồi đóng cửa rời khỏi nhà.

Gỗ biến mất bí ẩn

Riêng ông Nguyễn Văn Nhẫn, sau khi được 2 cán bộ hạt kiểm lâm thông báo vụ việc đã không nghe điện thoại nữa. Đích thân Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng Nguyễn Văn Trung trực tiếp liên hệ nhiều lần không có kết quả. Bên ngoài nhà ông Nhẫn, ông Trung cho biết nếu chờ đến tối mà gia đình ông Nhẫn không chịu hợp tác, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng sẽ có văn bản đề nghị UBND huyện Đức Trọng ban hành quyết định khám xét nhà theo đúng quy định pháp luật.

Sau đó, ông Nguyễn Văn Trung có việc riêng nên rời khỏi hiện trường và chỉ đạo 2 cán bộ Hùng và Dũng ở lại trực tiếp canh gác và báo cáo sự việc. Đến khoảng 19 giờ, gia đình ông Nhẫn vẫn không có một động thái gì. Trong khi đó, có nhiều thanh niên và người lạ mặt đến áp sát, gây áp lực đối với 2 cán bộ hạt kiểm lâm và phóng viên. Tình thế buộc chúng tôi phải rời khỏi hiện trường.

 

Bị đốn hạ trái phép

Theo biên bản phúc tra nghiệm thu điều tra xác định vùng phân bố thông đỏ khu vực núi Voi trên địa bàn huyện Đức Trọng từ BQL Rừng phòng hộ Đại Ninh ngày 9-10-2010, có 411 cây thông đỏ được định vị và đóng bảng số bảo vệ, phân bổ trên diện tích hơn 170 ha. Nhưng hiện nay, nhiều cây thông đỏ nơi đây bị đốn hạ trái phép. "Những cây thông đỏ cả ngàn năm tuổi như thế này mà bị chặt hạ thì quả là điều kinh khủng" - một cán bộ ở Trung tâm Nghiên cứu Lâm sinh Lâm Đồng chia sẻ.

Phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng cho biết cây thông đỏ (tên khoa học Taxus wallichiana Zucc) sinh trưởng rất chậm. Nếu cây có đường kính 30 cm phải có tuổi 150 năm. Đây là loài cây rất quý. Chất taxol chiết xuất từ loài cây này có thể chữa được một số bệnh. Thông đỏ là loài cây đơn tính khác gốc, có cây đực, cây cái riêng, nếu bị chặt một trong hai thì khả năng tái sinh không còn.

Ngay sau khi 2 cán bộ kiểm lâm điện thoại báo cáo sự việc bị gây áp lực đến hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, chỉ khoảng 15 phút, chúng tôi quay lại hiện trường nhà ông Nhẫn thì 6 phách gỗ nghi thông đỏ để ở hiên nhà đã biến mất một cách bí ẩn.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Trung giãi bày: "Đơn vị chủ rừng nhưng lại không hợp tác với hạt kiểm lâm nên rất khó xử lý. Theo quy định, chúng tôi phải bắt được quả tang, phải nắm cụ thể những đối tượng nào đã lấy gỗ ra khỏi hiện trường thì mới xử lý được".

Ông Trung nói rằng trước mắt Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng sẽ tổng hợp ý kiến và hình ảnh tại hiện trường để báo cáo lên UBND huyện để có chỉ đạo cụ thể, đồng thời cũng sẽ có văn bản mời ông Nguyễn Văn Nhẫn làm việc nhằm làm rõ sự việc.

Đình Thi/nld

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.