Quốc vụ khanh Anh:'UKEF dành 1,7 tỷ USD hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với một góc nhìn thẳng thắn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2018, thời điểm được coi là bước chuyển mình mới của quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh, Quốc vụ khanh Anh phụ trách về Thương mại và Xuất khẩu Rona Alison Fairhead đã chia sẻ về những ý tưởng và kế hoạch hợp tác kinh tế - giáo dục - công nghệ song phương mang tính đột phá thời gian tới.


 

 Quốc vụ khanh Anh phụ trách về Thương mại và Xuất khẩu Rona Alison Fairhead. (Nguồn: Telegraph)
Quốc vụ khanh Anh phụ trách về Thương mại và Xuất khẩu Rona Alison Fairhead. (Nguồn: Telegraph)



Nhân chuyến thăm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 7/2018, Quốc vụ khanh Anh phụ trách về Thương mại và Xuất khẩu Rona Alison Fairhead đã có cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

- PV: Bà đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam gần đây như thế nào? Nếu cho rằng nó được cải thiện, bà có thể nêu những dẫn chứng cụ thể?

- Quốc vụ khanh Anh Rona Alison Fairhead: Vâng, tôi nghĩ rằng câu trả lời là có, một cách rất thẳng thắn. Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 6-7%, thuộc hàng những quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Và tôi nghĩ rằng một trong những dấu hiệu mà tôi nhìn nhận được thời gian gần đây là Báo cáo minh bạch (PWC), theo đó xếp Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới trong khoảng 20 năm tới, nếu như họ tiếp tục giữ được tỷ lệ tăng trưởng này.

Một trong những lĩnh vực căn bản, đó là cam kết của Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nói chung đã tạo hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Và điều đó đã được thừa nhận trong việc nới nỏng các điều kiện quản lý cũng như số lượng đăng ký kinh doanh khi chỉ trong vài năm qua, các bạn đã vượt qua 23 bậc lên vị trí thứ 68 trên thế giới. Cũng nên đặt ra một mục tiêu, hiện nay Vương quốc Anh ở vị trí số 7 và chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu ở xếp hạng này.


 

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang Anh quốc đang tăng nhanh với tổng giá trị là 6 tỷ USD. (Ảnh minh họa: EFE-EPA/TTXVN)
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang Anh quốc đang tăng nhanh với tổng giá trị là 6 tỷ USD. (Ảnh minh họa: EFE-EPA/TTXVN)



Nếu nhìn nhận về khía cạnh tăng trưởng, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang Anh quốc đang tăng nhanh với tổng giá trị là 6 tỷ USD và tăng hơn 30% so với một vài năm trước đây – một con số tăng trưởng khá ấn tượng. Và xuất khẩu của Anh sang Việt Nam, từ một con số khá khiêm tốn, giờ đã lên khoảng 1 tỷ USD, tăng 20%.

Nhìn từ góc độ đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Anh vào Việt Nam, con số này cũng tăng gấp đôi trong vòng ít năm qua. Và tôi nghĩ đó là những minh chứng cụ thể cho thấy rằng các bạn đang đi đúng hướng.

Về mặt xúc tiến thương mại, tôi nghĩ rằng đã có nhiều sự khởi đầu mới, đặc biệt năm 2018 là dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao hai nước. Hội đồng Anh, cơ quan chuyên phát triển quan hệ giáo dục cũng kỷ niệm năm thứ 25 hoạt động tại Việt Nam. Và trong buổi gặp gỡ sáng nay với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chúng tôi đã thảo luận về quan hệ thương mại song phương rất tích cực hiện nay. Bộ trưởng rất quan tâm tới việc thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), và tôi tái khẳng định rằng ngay khi Vương quốc Anh rời khỏi EU (Brexit), chúng tôi đảm bảo sẽ khởi động vấn đề này với một bản sao hiệp định tự do thương mại để có mối quan hệ thương mại song phương với Việt Nam.

Chúng tôi hoàn toàn cam kết với một hiệp định tự do thương mại. Vấn đề thứ hai là chúng tôi đã rất nỗ lực rất nhiều cách để thúc đẩy xúc tiến thương mại. Trong tháng 10 năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức các Ngày hội Anh quốc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để khuyến khích ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ. Vương quốc Anh có những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới trong các lĩnh vực này.

Đó là cách thức giao thương tốt nhất khi chúng ta muốn có những hàng hóa và dịch vụ của nhau. Trong ngày hôm nay, tôi cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để thảo luận việc thúc đẩy hơn nữa về hợp tác giáo dục. Chúng tôi đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ (MOU) giữa các doanh nghiệp và Hội đồng Anh về đào tạo trực tuyến, qua đó sẽ hỗ trợ Việt Nam thành công trong mục tiêu có 90% dân số sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.



 

Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam thành công trong mục tiêu có 90% dân số sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. (Ảnh minh họa: Hội đồng Anh)
Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam thành công trong mục tiêu có 90% dân số sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. (Ảnh minh họa: Hội đồng Anh)



- PV: Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh dành cho các quốc gia Đông Nam Á chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2016. Sau hơn 2 năm, nó đang hợp tác với Việt Nam như thế nào? Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gì nếu muốn nhận được hỗ trợ từ quỹ này?

- Quốc vụ khanh Anh Rona Alison Fairhead: Quỹ Thịnh vượng bắt đầu từ năm 2016, có 2 mục tiêu. Thứ nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thứ hai là chính sự tăng trưởng đó tạo cơ hội cho các công ty Anh ở nước ngoài có thể được hưởng lợi. Trong vòng 3 năm qua, Việt Nam đã nhận hơn 20 triệu bảng Anh cho các chương trình trong lĩnh vực như năng lượng sạch, phát triển hạ tầng cơ sở bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, sở hữu trí tuệ, và phòng chống tham nhũng, đảm bảo một nền quản trị chuẩn mực.

Tôi có thể đưa vài ví dụ để cụ thể về các chương trình mà chúng tôi đã thực hiện. Trong năm nay, chúng tôi đã khởi động sáng kiến hành động liêm chính giữa giữa chính phủ và doanh nghiệp nhằm tìm cách phòng chống tham nhũng. Chúng tôi cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cải cách kinh tế và quản trị công. Chúng tôi cũng hỗ trợ các trong lĩnh vực thị trường vốn. Đây cũng là một phần trong hoạt động của Quỹ Thịnh vượng. Điều này có nghĩa là chính phủ của các bạn có thể phát triển vốn công cho các công trình hạ tầng cơ sở và các chương trình phát triển khác mà đương nhiên là đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp của các bạn.

Cả hai chính phủ cùng hợp tác trong các dự án bền vững, góp phần phát triển tăng trưởng Xanh. Ví dụ như chúng tôi hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng xanh. Và tôi được biết Quỹ Thịnh vượng hiện đang hỗ trợ 3 khu công nghiệp sử dụng năng lượng mặt trời cho sản xuất, đó là một hướng tiếp cận bền vững. Đó là một số các dự án đã thực hiện. Còn 2 Quỹ nữa tôi muốn đề cập đến ở đây. Thứ nhất đó là Quỹ Newton. Quỹ này có gần 4 triệu USD tập trung xây dựng quan hệ hợp tác nghiên cứu chung giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.


 

Chính phủ Anh đã đề nghị hỗ trợ Việt Nam số hóa toàn bộ hệ thống giao thông vận tải. (Ảnh: Vietnam+)
Chính phủ Anh đã đề nghị hỗ trợ Việt Nam số hóa toàn bộ hệ thống giao thông vận tải. (Ảnh: Vietnam+)



Ngoài ra một nguồn hỗ trợ quan trọng nữa là Chương trình tín dụng xuất khẩu Anh quốc (UK Export Finance – UKEF). Chúng tôi hiện có 1,7 tỷ USD dành hỗ trợ các công ty Anh muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam với điều kiện họ có liên kết với các doanh nghiệp Anh hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mua hàng hóa của Anh nhưng chi trả bằng tiền đồng của Việt Nam.

- PV: Về những giới thiệu chuyên ngành của Vương quốc Anh trong lĩnh vực công nghệ và thành phố thông minh, trong chuyến thăm Việt Nam, bà có thể nêu ra một số đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp Anh?

- Quốc vụ khanh Anh Rona Alison Fairhead: Trong khuôn khổ Quỹ Thịnh vượng chúng tôi cũng có những chương trình hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ và thành phố thông minh. Thứ nhất là việc số hóa toàn bộ hệ thống giao thông vận tải của các bạn, hiểu được những vấn đề bất cập nằm ở đâu và đó cũng lại là một phần của các dự án thành phố thông minh. Một trong những nội dung quan trọng của Quỹ Thịnh vượng là hỗ trợ kiểm soát lũ lụt. Chúng tôi hiểu rằng đây là một trong những vấn đề gây khó khăn cho Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những vấn đề mà công nghệ có thể hỗ trợ là tạo ra hệ thống cảnh báo sớm. Một khía cạnh nữa, chúng muốn hỗ trợ các bạn trong các dự án xây dựng bền vững. Cũng trong sáng nay, tôi đã có cuộc họp với Bộ Xây dựng Việt Nam, chúng tôi đã ký một Bản ghi nhớ về Mô hình thông tin xây dựng (BIM), một công nghệ xây dựng số giúp cho việc xây các công trình hạ tầng một cách bền vững và hiệu quả hơn. Đây là mô hình chúng tôi đang thực hiện ở Anh quốc và thực tế chứng minh là năng xuất xây dựng được nâng cao 20%.

Có thể nói, chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội để chúng tôi có thể tăng cường hợp tác với các bạn trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục. Và cùng nhau, chúng ta cùng phát triển.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trần Long (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.