Cưu mang chim trời: 'Đất của Lành' nên chim đậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dân gian có câu 'Đất lành chim đậu', nhưng ở thôn Huỳnh Thượng (xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), người dân 'chế' lại rằng: 'Đất của Lành nên chim đậu'.
Ấy bởi trong thôn có người đàn ông tên Lành dành hẳn 0,5 ha đất để trồng 2.000 gốc tràm cho chim trời làm chốn đi về.
Trồng rừng nhưng không chịu… khai thác
Ông Hồ Hữu Lành, 42 tuổi, mang danh là cán bộ thú y của xã, Phó giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Thượng, nhưng tướng mạo không khác mấy hình mẫu nông dân ở vùng đất thép Vĩnh Linh. Đen trùi trụi, nói năng bỗ bã. Rất thẳng thắn, ông “vào đề” ngay rằng cơ duyên của mình với đàn chim trời xuất phát từ… làm kinh tế.
 
Ông Hồ Hữu Lành (trái) nhiều năm qua đã bảo vệ đàn chim trời theo cách của mình. Ảnh: THANH LỘC
Ông Hồ Hữu Lành (trái) nhiều năm qua đã bảo vệ đàn chim trời theo cách của mình. Ảnh: THANH LỘC
“Tôi dân quê mà, sinh ra trên đồng đất, đâu nghĩ được cách gì làm giàu ngoài việc bám vào mảnh đất quê hương. Hồi mới cưới vợ năm 2009 cũng “máu me” khởi nghiệp lắm. Thế là thuê đất làm trang trại, ngoài mô hình vườn ao chuồng, còn dành một ít đất để trồng cây tràm, với mục đích lấy gỗ”, ông Lành kể.
Thời gian thấm thoát, không hoài công người gieo trồng chăm bón, 2.000 gốc tràm của ông Lành phát triển xanh tốt. Bỗng một ngày, vườn tràm rộng 0,5 ha bất ngờ đón những “vị khách lạ” ghé thăm. Không biết từ đâu, hàng ngàn chú chim trời tìm về đây trú ngụ. Chúng bay rợp trời, đập cánh xào xạc và cất tiếng gọi bầy oang oác khiến ông chủ khu vườn thoáng bối rối. “Chủ yếu là các loại sáo, cò vạc, coi cói, có cả cò nhạn, bồ nông... Tôi nghĩ chuyện chim trời về với vườn nhà là điềm lành nên cứ để vậy, thuận theo tự nhiên, không xua đuổi, đụng chạm gì đến chúng”, ông nhớ lại.

Rừng tràm có chim về như của ông Lành đã hiếm, người mê chim như ông Lành càng hiếm hơn. Ông Lành bảo vệ chim, còn chúng tôi sẽ... bảo vệ ông Lành.

Ông HỒ NGỌC QUYẾT, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn
Vấn đề chỉ nảy sinh khi mảnh rừng tràm của ông Lành đủ lớn, đến chu kỳ thu hoạch. Không nỡ phá đi “mái ấm” của lũ chim trời, ông trở thành “gã gàn” trong mắt nhiều người khi… từ chối các thương lái đến thu mua tràm. “Ai trồng cây chả trông ngày hái quả? Tôi trồng rừng cũng là làm ăn kinh tế. Nhưng nhiều năm qua, tôi đã quen với việc thức giấc cùng với tiếng đập cánh của chim trời ở rừng tràm, lên giường đi ngủ khi chim trời lặng tiếng ở rừng tràm. Nếu như bây giờ chặt hết rừng cây, lũ chim không biết ở đâu đã đành, còn riêng tôi chắc cũng buồn lắm lắm… Tôi tự hứa với lòng mình, chỉ khi đàn chim bỏ tôi đi thì tôi mới chặt hạ rừng tràm”, ông Lành quả quyết.
Giữ lời hứa với chim trời
Đến nay, lời hứa của ông Lành với đàn chim trời kéo dài 5 năm vẫn còn đó và cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Rừng tràm của ông vẫn vẹn nguyên, mặc cho nhiều lời đàm tiếu. Hiện có khoảng 6.000 - 7.000 con chim đang lấy mảnh rừng tràm này làm nhà. Cứ 6 giờ sáng, lũ chim bay đi kiếm ăn, 5 giờ chiều, chúng quay về, đậu kín các ngọn cây.
“Tôi thực sự không ngờ khu rừng tràm bé nhỏ này lại có nhiều chim về trú ngụ đến vậy. Ban đầu tôi còn nghĩ chúng chỉ đến trú một thời gian rồi đi. Ấy thế mà kiểu như chúng “mách” nhau về mảnh rừng này, hết đàn này rồi đàn khác kéo đến. Mỗi lúc một đông. Rạng sáng và khi hoàng hôn buông xuống, chim bay lượn, hót gọi nhau, râm ran cả một góc trời”, ông Lành nói, giọng đầy chất thơ.
 
Việc nâng niu, chăm sóc đàn chim trời và “hậu duệ” của chúng là nguyện vọng cả đời với những người như ông Lành. Ảnh: THANH LỘC
Việc nâng niu, chăm sóc đàn chim trời và “hậu duệ” của chúng là nguyện vọng cả đời với những người như ông Lành. Ảnh: THANH LỘC
 
Việc nâng niu, chăm sóc đàn chim trời và “hậu duệ” của chúng là nguyện vọng cả đời với những người như ông Lành.
Việc nâng niu, chăm sóc đàn chim trời và “hậu duệ” của chúng là nguyện vọng cả đời với những người như ông Lành.
Dù “nuôi” đàn chim trời trong vườn tràm khiến thất thu về kinh tế, nhưng bù lại, ông chủ vườn lại được nâng cao tay nghề thú y. Là nhân viên thú y của xã, nhiều lần phát hiện chim rơi xuống vườn vì bị thương, ông mạnh dạn… chữa luôn. Rất nhiều chú chim trọng thương, tưởng chừng không sống nổi, cuối cùng được hồi sinh nhờ bàn tay khéo léo và sự chăm sóc bài bản của ông. “Chim cũng như người, bị thương thì cần sát khuẩn, băng bó, sau đó cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng bằng tôm, cá. Khỏe thì sẽ quay lại với bầu trời”, ông kể.
Nhưng cũng có không ít lần, dù gắng hết sức, ông vẫn không cứu được những chú chim nhỏ. Những lúc như thế, ông buồn bã mất mấy ngày liền, ăn cơm chẳng thấy ngon, ngủ chẳng sâu giấc…
Bảo vệ cho người bảo vệ chim
Câu chuyện đầy chất thơ về những đàn chim trú ngụ nơi rừng tràm của ông Lành bỗng trở nên buồn hơn khi người đàn ông trót mê chim trời này nhắc đến nạn săn bắt chim vô tội vạ.
Hơn 5 năm qua, để bảo vệ đàn chim, ông Lành đã đụng độ với khá nhiều người. Từ đám thanh niên choai choai thích trò giăng lưới, bắn ná đến cánh thợ săn trộm chuyên nghiệp với súng ống lăm lăm. “Chỉ riêng việc chực chờ, nghe ngóng bọn săn trộm cũng đã… hết ngày”, ông tặc lưỡi.
Mất thời gian, mệt mỏi là thế, nhưng tình thương với lũ chim không cho phép ông ngó lơ. Hằng đêm, hễ nghe chim trời nháo nhác kêu, ông lại vùng ra khỏi chăn ấm, rọi đèn đi quanh vườn tuần tra.
Đối đầu với những kẻ săn trộm trong đêm tối, phần thiệt hiển nhiên thuộc về ông vì chỉ có một mình, trong khi phía đối phương thường đi theo đoàn, nhóm. “Tôi thường nói chuyện nhẹ nhàng, khuyên răn họ, cốt sao cho người ta rời đi. Biết là có nguy cơ va chạm “sứt đầu mẻ trán”, nhưng tôi thà ra nói chuyện phải quấy với bọn họ còn hơn phải nghe tiếng nổ đì đùng, tiếng chim trời đập cánh náo loạn và rất nhiều trong số đó rơi xuống đất”, ông tâm sự.
Nhưng điều làm ông lo nhất chính là sau những hành động táo tợn của đám săn trộm, đàn chim bị kinh động, cảm thấy khu rừng tràm này không còn an toàn nữa và sẽ bỏ ông mà đi. Vậy nên, ông tìm đủ cách để “phòng thủ”, từ lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại vườn tràm đến nuôi thêm chó để canh giữ, phát hiện người lạ xâm nhập…
Những việc làm của ông Lành cuối cùng đã không trở thành “công dã tràng”. Bởi câu chuyện của ông cũng đánh động rất nhiều người dân địa phương. Họ không còn thờ ơ, khi nhìn thấy người lạ lảng vảng ở khu vực rừng tràm của ông Lành thì cấp báo cho chính quyền hoặc thậm chí ra mặt, cùng ông bảo vệ chim. Lực lượng công an, dân quân tự vệ cũng sẵn sàng có mặt ở vườn tràm của ông Lành khi có tin báo, sớm đẩy lùi bọn trộm chim.
Ông Hồ Ngọc Quyết, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, đúc kết ngắn gọn: “Rừng tràm có chim về như của ông Lành đã hiếm, người mê chim như ông Lành càng hiếm hơn. Ông Lành bảo vệ chim, còn chúng tôi sẽ… bảo vệ ông Lành”.
(còn tiếp)
Theo Nguyễn Phúc - Thanh Lộc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.