Bình yên chốn về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã để lại những hình ảnh rất khó quên trong tâm trí mỗi người, đặc biệt là cảnh dòng người ùn ùn đội mưa, đội nắng trở về quê hương khi cơ hội sống và làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam ngày càng mờ mịt. Vượt chặng đường hàng trăm, hàng ngàn cây số, họ tìm thấy nơi cố hương những tình cảm trìu mến.
Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai-một trong 3 địa điểm tại thị xã An Khê được cải tạo thành nơi cách ly tập trung các công dân về từ vùng dịch (ảnh P.D) 2
Khu cách ly tập trung tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê). Ảnh: Phương Duyên
Gian nan đường thiên lý
Tính đến nay, vợ chồng anh Phan Thanh Bảo-chị Đặng Thị Bích Liễu (thôn Tú Thủy 1, xã Tú An, thị xã An Khê) đã có 5 năm rời quê hương tìm kế mưu sinh. Anh Bảo là thợ cơ khí làm việc ở Bình Dương, chị Liễu là công nhân một công ty giày da ở TP. Hồ Chí Minh. 2 đứa con lần lượt ra đời, thu nhập ở mức trung bình nhưng nhờ biết tích cóp, vay mượn thêm nên họ mua được căn nhà nhỏ ở quê. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi kế hoạch và cuộc sống của họ bị đảo lộn. Chị Liễu thở dài chia sẻ: “Cả tháng nay, 2 vợ chồng rơi vào cảnh thất nghiệp. Nếu ở lại sẽ không có tiền trả phí thuê trọ, ăn uống. Phần nữa là lo sợ dịch giã nên cả nhà quyết định về quê”.
Chiều tối 31-7, cả gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con nhỏ cùng một số đồ đạc được chất lên chiếc xe máy nhằm hướng quốc lộ 1A thẳng tiến về An Khê trong tâm trạng hoang mang. Chị Liễu lúc này còn đang mang thai tháng thứ 7. “Mình bị vỡ kế hoạch”-chị Liễu ngần ngại phân trần trước cảnh nheo nhóc, ngặt nghèo. Người thân của anh chị ai cũng lo lắng cho gia đình nhỏ trong suốt hành trình dài 800 cây số. Dọc đường đi, sợ dịch bệnh, lại đầy âu lo về quãng đường xa xôi nên họ không dám dừng ở hàng quán nào, cũng không dám ngủ mà chỉ tìm nơi ngả lưng chừng 1-2 giờ rồi lại đi tiếp. Mắt cay sè nhưng anh Bảo luôn tự nhủ bản thân không phút nào được lơ là vì nắm giữ sinh mạng cả gia đình. Người chị Liễu mỏi nhừ, rã rời do phải ngồi xe máy quá lâu, lại bồng bế con nhỏ. May mắn là họ nhận được sự tiếp tế hết sức ấm lòng từ người dân và các lực lượng chức năng dọc đường. Chị Liễu kể: “Họ cho đồ ăn, thức uống, xăng xe. Thấy có 2 đứa con nhỏ, nhiều người thương quá bèn dúi cho lốc sữa”. Phải đến chiều hôm sau, họ mới về đến đèo An Khê trong tâm trạng mừng mừng tủi tủi vì đã được an toàn nhiều lẽ. Ngày 2-8, cả gia đình được đưa vào khu cách ly tập trung ở thị xã, kết quả test lần 1 âm tính. 
Các vật dụng thiết yếu luôn được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ công dân về từ vùng dịch trong thời gian thực hiện cách ly tập trung. Ảnh: Phương Duyên
Các vật dụng thiết yếu luôn được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ công dân về từ vùng dịch trong thời gian thực hiện cách ly tập trung. Ảnh: Phương Duyên
Cũng chọn đường về là quốc lộ 1A nhưng bên cạnh chị Huỳnh Thị Kim Trúc (tổ 2, phường An Bình, thị xã An Khê) không có tay lái nào cứng cỏi để cáng đáng quãng đường dài. Trả lời thắc mắc của chúng tôi, chị cho biết mình đã thôi chồng, làm nghề trang điểm ở TP. Hồ Chí Minh để nuôi 2 con, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi. Suốt 2 tháng qua, từ khi dịch bùng phát, mấy mẹ con ở trong nhà trọ không dám ra ngoài, phải 1-2 tuần mới đi mua đồ hoặc nhờ giao hàng. Khu trọ vắng dần, nhiều người lục tục trả phòng về quê. “Ngày 2-8, khu nhà trọ không còn một ai. Tôi quyết định chạy xe máy về. Đứa lớn ngồi sau, đứa nhỏ địu phía trước. Dọc đường, tôi tìm chuyện nói với con vì sợ con ngồi sau ngủ gật”-chị Trúc kể về quyết định đầy liều lĩnh. Chị đem theo thức ăn, sữa, lương khô để sử dụng dọc đường chứ không dám dừng lại hàng quán nào. Mưa thì mặc áo mưa bươn bả đi tiếp, mệt thì tìm nơi nghỉ tạm. Ròng rã suốt 1 ngày 1 đêm, trưa 2-8, họ về tới đèo An Khê. May là tất cả đều khỏe, lại có cả đoàn người đồng hành nên cũng đỡ lẻ loi. Tại khu cách ly, chị Trúc hết sức vui mừng với điều kiện sinh hoạt sạch sẽ, thoáng mát, ăn uống đầy đủ. 
“Về thu xếp lại” (*)
Theo thống kê, từ khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đến nay, Gia Lai đã tiếp nhận trên 10.000 người tự phát về từ vùng dịch bằng phương tiện cá nhân. Tỉnh đã kích hoạt 29 khu cách ly tập trung với sức chứa 6.200 người, hiện đều quá tải.
Đang thực hiện cách ly tập trung tại khu cách ly Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), ông Trần Đình Lục (66 tuổi, tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho hay, ông trở về từ Bình Dương sau hơn 1 năm làm bảo vệ cho một công ty giày da. Nói về lý do phải lặn lội mưu sinh dù tuổi đã cao, ông Lục giãi bày: “2 đứa con đều là lao động tự do, cuộc sống chẳng dư dả gì. Vợ tôi thì ở nhà trông giùm 2 đứa cháu cho con đi làm kiếm tiền. Ở Gia Lai tìm việc khó khăn nên tôi mới phải đi, chứ lương tháng 5 triệu đồng, nếu tăng ca thì được thêm ít nữa, tính cả chi phí ăn ở, đi lại cũng rất tốn kém. Bản thân tôi khi mì tôm, lúc cơm bụi, cũng buồn”. Dịch bùng lên, thấy nhiều công ty xung quanh đều có người dương tính với SARS-CoV-2, ông quyết về lại quê nhà bằng xe máy qua quốc lộ 14. “Đúng là người Việt Nam mình có truyền thống lá lành đùm lá rách. Trên đường đi, người dân và mấy chú công an cho tôi bánh trái, nước nôi đầy đủ. Tới Đak Nông còn có người cho tiền, lúc 50 ngàn, lúc 100 ngàn. Nhiều người tốt quá! Tới chốt kiểm soát khu vực cầu 110, tôi được đưa về khu cách ly tập trung”-ông Lục xúc động nói. 
Bày tỏ sự hài lòng với không gian sống bất đắc dĩ này, ông lão khắc khổ nhận xét: Cán bộ, chiến sĩ ở khu cách ly tiếp đón công dân rất chu đáo, mọi thứ đều gọn gàng, sạch sẽ, thức ăn được đổi món thường xuyên, trưa ăn xong còn có trái cây tráng miệng. Là người xứ núi mê hương vị cà phê sáng, ông Lục phấn khởi: “Ở đây, cà phê sữa Gia Lai, cà phê đen đá Sài Gòn món nào cũng có”. Vậy nên, với người cả đời nhọc nhằn vì mưu sinh như ông, đây giống quãng thời gian nghỉ ngơi, tĩnh tâm rất quý giá. Sau 3 lần test âm tính, ngày 4-8, ông được về nhà. “Cả đêm hôm trước, tôi cứ thao thức vì vui mừng. Chỉ mong sớm dập dịch để cuộc sống yên ổn trở lại. Tôi cũng mong tìm được công việc phù hợp, không cần phải quay lại Bình Dương”-ông Lục suy tính. 
Sách là nguồn vui của chị Tô Hồng Phúc (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) trong thời gian thực hiện cách ly tập trung (ảnh nhân vật cung cấp).
Sách là nguồn vui của chị Tô Hồng Phúc (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) trong thời gian thực hiện cách ly tập trung (ảnh nhân vật cung cấp).
Cũng đang thực hiện cách ly tập trung tại đây, chị Tô Hồng Phúc (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, sinh viên năm cuối Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist) may mắn hơn nhiều công dân khác khi được tỉnh đón về bằng máy bay vào ngày 23-7 cùng 191 người từ vùng dịch. Là người luôn biết cách làm cho cuộc sống trở nên phong phú, ngoài thời gian học online, Phúc tranh thủ lúc rỗi rãi để đọc sách. Chị cho hay: “Mình đang đọc những cuốn như “Sự trả thù của thực vật”, “Tìm kiếm bên trong bạn”, “Trí thông minh cảm xúc”… Đây đều là những tựa sách rất hợp với mùa dịch này, giúp ta có cái nhìn đúng về ăn chay, thiền, biết cách quay về với chính mình khi mọi thứ bên ngoài bất ổn… Ngoài để thời gian trôi qua nhanh hơn, sách còn bổ sung nhiều kiến thức bổ ích, giúp mình hiểu hơn về bản thân và cách thức kết nối hiệu quả với những người xung quanh”.
Bên cạnh những hoạt động lý thú như đọc sách hay xem phim, chị Phúc còn tranh thủ khoảng sân rộng để thi thoảng tập luyện các môn thể thao như cầu lông, đá cầu với 2-3 người. “Ở đây rất thoải mái. Chú quản lý tòa nhà sáng nào cũng ghé các phòng hỏi mọi người có mua gì không để giúp. Điều đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian này là mình có thời gian trò chuyện nhiều hơn với ba mẹ. Thật hạnh phúc khi biết rằng lúc nào ba mẹ cũng ở đó, chỉ cần nhấc máy lên”-chị Phúc chia sẻ những nghĩ suy sâu sắc. Với chị, mùa dịch khắc nghiệt này khiến mỗi người biết trân trọng hơn những tình thân vốn có.
Tận dụng thời gian cách ly, vợ chồng anh Bảo-chị Liễu cũng tìm cách thu xếp lại cuộc sống sao cho ổn thỏa. Chị Liễu cho hay, trước khi quyết định về hẳn, không trở lại TP. Hồ Chí Minh, họ đã thuê xe tải chở hết đồ đạc về với chi phí 2 triệu đồng nên hiện chỉ còn hơn 1 triệu đồng dằn túi. May mắn có chốn nương náu khi quay về nhưng giờ đây, họ gần như trắng tay vì không còn tiền chi tiêu, chưa kể khoản vay nợ mua nhà chưa trả xong. Nhưng rồi, cuộc chuyện trò vẫn sáng lên ở đoạn cuối khi chị chia sẻ:  “Nghe nói ở An Khê có công ty may, sau khi sinh con, tôi sẽ xin vào làm công nhân, còn chồng đi làm thuê để kiếm tiền trang trải”. Tương tự, chị Trúc cũng bộc bạch vài dự tính: “Con trai vừa kết thúc bậc tiểu học, tôi đã rút hồ sơ về đây để đăng ký cho con vào học lớp 6. Bây giờ, mơ ước lớn nhất của tôi là có đủ sức khỏe để nuôi con”. 
Không thể phủ nhận dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ. Tới đây, nhiều thứ cũng sẽ thay đổi, không như chúng ta từng mường tượng. Song, ai đó đã nói rằng, khả năng thích ứng của con người là vô hạn. Biết bao người đã cay mắt khi nghe những câu chuyện gian nan đường về, khi chứng kiến nhiều gia đình lao đao, túng quẫn vì dịch bệnh. Nhưng tin rằng, sự ấm áp, chân tình của quê hương sẽ là động lực lớn lao để mỗi người tìm cách vươn lên, vượt qua nghịch cảnh và xây dựng lại cuộc sống tốt đẹp hơn.
(*): Trích lời ca khúc “Chiếc lá thu phai” (Trịnh Công Sơn).
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.