Hồ sơ… lột xác: 'Phù thủy' tạo hình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Biến nữ thành nam, vá mũi, đắp mông… trả lại hình hài cho những người kém may mắn bị dị tật, bị biến chứng, tai nạn… Đó là những gì GS-BS Trần Thiết Sơn, khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Saint Paul - Hà Nội, đã làm suốt mấy thập niên qua.

Ê kíp của bác sĩ Trần Thiết Sơn trong một ca phẫu thuật. Ảnh: FACEBOOK BÁC SĨ TRẦN THIẾT SƠN
Ê kíp của bác sĩ Trần Thiết Sơn trong một ca phẫu thuật. Ảnh: FACEBOOK BÁC SĨ TRẦN THIẾT SƠN
Cách đây 1 - 2 thập niên, khi tạo hình thẩm mỹ còn là công nghệ cao siêu dành riêng cho giới có tiền thì GS-BS Trần Thiết Sơn đã mang nó rong ruổi cùng các đoàn thiện nguyện từ Tây nguyên đến miền Trung, ĐBSCL, các tỉnh biên giới phía bắc để mổ cho các bệnh nhân bị hở hàm ếch, dị tật bẩm sinh đường sinh dục, di chứng chiến tranh, di chứng bỏng... Ông trở thành người cha, người thầy và là người tái sinh của biết bao mảnh đời bất hạnh.
Trao lại nụ cười
Trong hành trình của mình, ông đã trao lại niềm tin, cuộc sống cho một cô gái ở Sơn La bị cam tẩu mã “ăn” hết mặt, hở cả một bên hàm, mất một bên mũi, vết thương bốc mùi khiến không ai dám đến gần, bị cô lập khỏi cộng đồng cô đang sống.
Biết chuyện, GS Sơn đã đến tận nơi động viên cô để đoàn thiện nguyện thăm khám. Khi ấy, cô vừa nói chuyện, vừa lấy tay che mặt vì tự ti và xấu hổ.
Nhận thấy đây là ca phải đưa về bệnh viện (BV) mới có thể phẫu thuật tạo hình do cơ sở y tế địa phương không đủ điều kiện, GS-BS Trần Thiết Sơn đã đưa cô về BV Saint Paul cùng đoàn từ thiện. Tất cả chi phí cho ca bệnh đó được miễn phí hoàn toàn.
Với phương pháp vạt da đùi để tái tạo vùng da mặt và mũi, GS-BS Trần Thiết Sơn cùng ê kíp bác sĩ (BS) vững tay nghề phải tổ thức thành hai đợt phẫu thuật.
Đợt thứ nhất giãn da ở đùi nơi được chọn lấy da để đắp cho mặt. Theo GS Trần Thiết Sơn, da đùi thường được chọn là nơi “cung cấp nguyên liệu” cho phẫu thuật tái tạo da mặt do đây là vùng da cân, có nhiều mạch máu dễ tái tạo các vùng ở mặt sau khi phẫu thuật, đồng thời bảo đảm tính thẩm mỹ.

GS-BS Trần Thiết Sơn. ẢNH: LAM NGỌC
GS-BS Trần Thiết Sơn. ẢNH: LAM NGỌC
Đợt thứ hai là phẫu thuật lấy chỗ da đó tái tạo vùng bị thương. Do bệnh nhân bị tổn thương ở cả mặt, mũi, miệng… nên phải có ba kíp mổ cùng lúc. Kíp thứ nhất sửa lại vùng sẹo cũ ở mặt, tìm và phẫu tích các động tĩnh mạch và thần kinh của mặt để chuẩn bị cho việc ghép vạt da cân. Kíp thứ hai tạo lỗ mũi đã bị mất. Kíp thứ ba phẫu tích vạt da cân ở đùi, bộc lộ mạch máu thần kinh, dựng lại toàn bộ hình dáng của mũi và má miệng. Sau đó, các phẫu thuật viên thực hiện kỹ thuật nối mạch máu thần kinh dưới kính hiển vi nhằm phục hồi lại khả năng sống của vạt da tại nơi ghép…
Cuộc phẫu thuật tạo hình cho cô gái ở Sơn La thành công hơn cả mong đợi, trả lại cho cô gương mặt chất phác, hiền lành của một sơn nữ. Cô đã trở lại cuộc sống bình thường và hòa nhập với cộng đồng một cách tự tin, vui vẻ.
Tạo hình “cậu nhỏ”
Không chỉ ưu ái chị em phụ nữ, GS Sơn còn rất thành công trong việc tái tạo “cậu nhỏ” cho đàn ông. Ông vẫn nhớ hình ảnh một cô gái quê Quảng Ninh, 26 tuổi mà vẫn không rõ giới tính của mình. Theo mẹ đến BV Saint Paul khám bệnh, cô được xác định là có tinh hoàn. Bằng kỹ thuật vi phẫu tích (phẫu thuật dưới kính hiển vi) để làm mỏng vạt da vùng đùi trái, đồng thời tạo hình và nối với gốc dương vật, sau 6 giờ trên bàn mổ, người bệnh đã có một “cậu nhỏ” hoàn toàn mới. Điều đặc biệt, “cậu nhỏ” này có thể “chiến đấu” như bình thường.

Một bệnh nhân bị chẩn đoán u sợi thần kinh ngoại biên khổng lồ ở vùng lưng được ê kíp của GS-BS Trần Thiết Sơn phẫu thuật. 10 ngày sau đã được ra viện. ẢNH: FACEBOOK BÁC SĨ TRẦN THIẾT SƠN
Một bệnh nhân bị chẩn đoán u sợi thần kinh ngoại biên khổng lồ ở vùng lưng được ê kíp của GS-BS Trần Thiết Sơn phẫu thuật. 10 ngày sau đã được ra viện. ẢNH: FACEBOOK BÁC SĨ TRẦN THIẾT SƠN
Trước đó, một thanh niên sống trong mặc cảm và tự ti gần 20 năm vì bị chó ngoạm mất “của quý” khi hơn 1 tuổi. May mắn chàng trai này đã được ông cùng đồng nghiệp phẫu thuật tái tạo dương vật thành công.
D. được mọi người xem là nữ vì không có dương vật, không thấy bìu, chỗ bài tiết chỉ là một lỗ tiểu nhỏ. D. lầm lụi lớn lên, giấu kín nỗi đau định mệnh xuống đáy tâm can. Cận kề tuổi 20, thấy con gái vẫn chưa có kinh nguyệt, cha mẹ quyết định đưa cô tới BV. BS phán: "Không phải con gái", khiến bố mẹ và cả D. đều hoang mang, chưng hửng. Biết là cần lên BV tuyến trên, cần phải thăm khám những chuyên gia đầu ngành, nhưng điều kiện gia đình không cho phép, D. đành xin bố mẹ vào miền Nam làm công nhân.
Lại tiếp tục những năm tháng đơn côi, những tình huống trớ trêu cứ thi nhau cợt ghẹo, chọc tức con người mang tên nữ nhưng từ giọng nói đến cử chỉ hành vi và cả cách ăn mặc đều gần với đàn ông.
Và D. tình cờ được GS-BS Trần Thiết Sơn biết tới. Thoạt đầu, nỗi u uẩn tích tụ lâu ngày, sự cô độc triền miên khiến bệnh nhân gần như không chịu hợp tác. Bốn năm ròng gần gũi, dần dà bóc tách từng lớp kén dày thít quanh phận số trớ trêu, GS-BS Trần Thiết Sơn cùng các cộng sự ở Khoa Phẫu thuật tạo hình BV Saint Paul đã đương đầu với ca mổ hy hữu.
Phát hiện ra D. vẫn có tinh hoàn, GS Sơn ứng dụng phương pháp mới, lấy da đùi và phần da tại chỗ tái tạo bộ phận cơ thể tinh xảo nhất. Chỉ sau hai tuần tịnh dưỡng, người bệnh đã hồi phục, bắt đầu có được những cảm giác đời thường như những người đàn ông bình thường khác.
Ca phẫu thuật rút ngắn tối đa thời gian, chi phí điều trị vì những cải tiến y khoa do GS-BS Trần Thiết Sơn nghĩ ra. Nhưng giá trị khó có thể đo đếm chính là giúp đổi đời thành công cho một con người bất hạnh... Rời khỏi giường bệnh, trở về thường nhật, D. đã vái lạy ân nhân, và xin phép được xem GS-BS Trần Thiết Sơn như người cha thứ hai, người đã thay quyền tạo hóa ban cho mình thêm một lần sống...
Lưu hơn 3 triệu bức ảnh người bệnh
Thật khó để nhớ từng trường hợp chữa trị của GS Sơn bởi trong nhật ký của mình ông lưu hơn… 3 triệu ảnh người bệnh. Ông thường tự mình cầm máy ảnh, ghi lại hình ảnh của người bệnh trước và sau khi được phẫu thuật rồi đặt hai bức hình “trước” và “sau” của người bệnh sau một thời gian phẫu thuật để nhìn lại, suy xét những kỹ thuật ông đã sử dụng trong quá trình tạo hình cho bệnh nhân.
Thay đổi cuộc đời bệnh nhân
GS Sơn đã phẫu thuật cho hàng trăm người. Ông vui vẻ khoe một tin nhắn: “Em chào thầy! Cách đây ba năm, em là một bệnh nhân của bác sĩ. Nay em đã bước sang trang mới của cuộc đời. 14.7 tới em tổ chức đám cưới. Trong ngày vui này, em mong muốn có sự hiện diện của bác sĩ cùng ê kíp đã thực hiện ca mổ cho em ngày 6.8.2015. Tận sâu trong tim , em gửi lời cảm ơn sâu sắc tới bác sĩ, đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật để thay đổi cuộc đời của những bệnh nhân khiếm khuyết như em. Nhờ thầy mà bệnh nhân như em có được cuộc sống hạnh phúc. Điều này lớn lao và ý nghĩa với em lắm thầy ạ!”.
Dù không thể nhớ tên người gửi tin nhắn, nhưng với ông tin nhắn đó là sự ghi nhận, là sự động viên thôi thúc ông trong quá trình làm nghề.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.