Đêm Sài Gòn thời Covid-19: Đời phiêu dạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưới ánh đèn vàng vọt hay góc tối nào đó, mấy ông xe ôm già vẫn lặng lẽ, miệt mài trên 'hành trình' lang bạt mưu sinh giữa trời đêm Sài Gòn.

Ông Trần Văn Bình (57 tuổi, quê Tiền Giang) sắp xếp lại chiếc ba lô sau một ngày dài chở khách. Ảnh: BÍCH NGÂN
Ông Trần Văn Bình (57 tuổi, quê Tiền Giang) sắp xếp lại chiếc ba lô sau một ngày dài chở khách. Ảnh: BÍCH NGÂN
Ngoài xích lô, nghề xe ôm cũng đang dần lụi tàn. Đã có nhiều người bỏ nghề. Nhưng có những bác tài “nghỉ xe ôm thì không biết làm gì” vẫn miệt mài bám trụ. Nhẫn nại, len lỏi trong đêm để tìm những cuốc xe giúp họ tồn tại giữa Sài Gòn. Nhưng ai cũng mang nỗi niềm cô đơn, mà chắc rằng khó có ai “chịu” xuất hiện, khỏa lấp…
Cơ duyên đến với nghề... xe ôm
Ông Trần Văn Bình (57 tuổi, quê Tiền Giang) “ăn bờ, ngủ bụi” hơn 30 năm ở Sài Gòn. Ông được dân sống theo kiểu phiêu dạt quen gọi là ông Sáu. Trước ông đạp xích lô, nay chuyển qua chạy xe ôm đêm kiếm sống.
Cuộc đời ông thay đổi từ 1 năm trước. Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra “Xích lô “chặt chém” giữa Sài Gòn” (từ 24 - 26.2.2020), lực lượng chức năng ra quân quyết liệt trên địa bàn Q.1 để dẹp bỏ xích lô “chặt chém” du khách. Thời điểm đó, ông Sáu đạp xích lô qua địa bàn Q.5 để tiếp tục kiếm sống. Mấy ngày sau, ông nhận được cuốc xe chở mớ đồ may mặc từ Q.5 qua chợ Dân Sinh (Q.1). Đến nơi, ông bị Đội CSGT-TT Công an Q.1 phát hiện, đưa cả người và phương tiện về trụ sở làm việc. Tuy không có hành vi chạy xích lô “chặt chém” du khách, nhưng trường hợp của ông Sáu thuộc diện xích lô “dù” nên bị Công an Q.1 tịch thu xe.
Mất phương tiện sinh nhai, ông Sáu mất luôn “căn nhà di động” gắn bó mấy chục năm nơi lề đường xó chợ. Ông bật khóc giữa trụ sở công an. Thương cảm cho số phận ông xích lô già, các cán bộ Đội CSGT-TT Công an Q.1 quyên góp tiền, đưa cho ông Sáu hơn 4 triệu đồng, rồi dặn trước khi ông rời trụ sở: “Dùng tiền này mua xe máy rồi chạy xe ôm kiếm sống”.
Đêm đó, ông Sáu ngủ “ké” mái hiên một nhà dân gần cầu Ông Lãnh. Hôm sau, ông đón xe ôm qua cửa hàng bán xe máy cũ ở Q.4 để tìm mua xe. Sau một hồi chọn lựa, ông vét sạch túi hơn 4,5 triệu đồng, trong đó có 500.000 đồng tích góp từ lúc đạp xích lô để tậu con xe ưng ý. “Tui năn nỉ lắm người ta mới bán 4,5 triệu đồng đó. Xe của Hàn Quốc sản xuất cho bền chắc, mua mấy xe Trung Quốc máy móc mau hư lắm”, ông kể.

Ông Bình khóc khi nghe bị tịch thu xích lô (năm 2020), sau đó ông được Đội CSGT-TT Công an Q.1 quyên góp 4 triệu đồng mua xe máy. ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Ông Bình khóc khi nghe bị tịch thu xích lô (năm 2020), sau đó ông được Đội CSGT-TT Công an Q.1 quyên góp 4 triệu đồng mua xe máy. ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Có phương tiện để mưu sinh, ông Sáu ngày ngày đậu xe ở góc đường Hàm Nghi - Pasteur (Q.1) chờ khách. Chốc chốc, ông lại lấy miếng giẻ ra lau chùi thứ tài sản quý giá trong cuộc đời mình. “Thay vì ngủ trên xích lô, tui có yên xe để ngả lưng hằng đêm rồi”, ông Sáu nở nụ cười hạnh phúc khi trò chuyện với chúng tôi. Đậu xe ở góc đường bất kể ngày đêm, ông Sáu kiếm được vài chục, may mắn thì vài trăm ngàn nên cũng sống tạm ổn qua ngày. Vậy là từ hôm “định mệnh” bị tịch thu xích lô, ông Sáu giải nghệ luôn nghề đạp xích lô để chuyển qua chạy xe ôm…
Đường phố là nhà
Mấy chục năm trước, ông Sáu cũng có một mái ấm như bao người. Cũng vì tánh không hợp nhau, sau này ông Sáu chia tay vợ. Vợ đem con về Tiền Giang cho ông bà ngoại săn sóc. Cũng từ đó, ông Sáu gắn cuộc đời mình với hè phố, công viên. “Tui ăn ở ngoài đường quen rồi. Nhiều người cũng rủ ở ghép mà tui hổng chịu. Sống thoải mái, tự do tự tại quen rồi, giờ vô phòng trọ bốn bề bức tường thấy bí bách không chịu nổi”, ông Sáu nói rồi trầm giọng bảo giờ ông chỉ sống ngày nào hay ngày đó. Chuyện tìm thêm người bạn đời đồng hành, ông chưa dám nghĩ tới.
Ngày nào cũng vậy, ông Sáu chạy xe đến khuya rồi tìm đoạn vỉa hè vắng vẻ đánh một giấc tới sáng. “5 giờ tui dậy rồi. Tranh thủ chứ để sáng người ta thức giấc, mình dựng xe nằm ngủ ngay cửa nhà đâu có được. Phải ý tứ”, ông nói. Có hôm, trời Sài Gòn trở lạnh hoặc đổ mưa bất chợt, người chủ nhà tốt bụng nào đó nhè nhẹ đem áo mưa ra, lén choàng vào người ông. “Người ta thấy lạnh quá mới đem ra đắp cho tui. Sáng dậy mình mang trả thì họ nói tặng luôn”, ông Sáu nói đầy vẻ biết ơn.

Ông Hùng “cô đơn” chở 2 mẹ con bà bán vé số với cuốc xe 15.000 đồng. ẢNH: BÍCH NGÂN
Ông Hùng “cô đơn” chở 2 mẹ con bà bán vé số với cuốc xe 15.000 đồng. ẢNH: BÍCH NGÂN
Với ông Sáu, số phận gắn chặt với từng viên gạch hè phố. Ở đó, ông gặp đủ hạng người, nhưng những tấm lòng thơm thảo giữa Sài Gòn vẫn luôn hiển hiện.
Tờ mờ sáng thức dậy, ông Sáu lục tìm trong ba lô, vốn chứa đựng đủ thứ vật dụng cá nhân hằng ngày để tìm bàn chải đánh răng. Có bữa chỉ rửa mặt qua loa bằng chai nước suối uống dở. Đợt tết vừa rồi, ông sắm cho mình 2 chiếc áo và 1 chiếc quần mới để du xuân trên… những cuốc xe ôm. “Tui mua đồ tết hết 100.000 đồng. Mình có cần ăn diện gì đâu, thành thử ra mấy khu chợ trời, lựa cái nào rẻ rẻ mặc được rồi”, ông nhoẻn miệng cười rồi kể, cần tắm giặc, ông vào nhà vệ sinh công cộng ở gần cầu Ông Lãnh (Q.1), tốn 5.000 đồng. Đồ giặt xong, ông tìm chỗ có các công trình xây dựng, phơi vài tiếng đồng hồ rồi bỏ vào túi ni lông, cất ba lô...
Khuya một ngày đầu tháng 3, sau cuốc xe từ Q.1 qua Q.10, ông Sáu chọn một góc phố trên đường Bùi Thị Xuân (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) ngủ qua đêm. Loay hoay kê đôi dép tổ ong lên yên xe, ông nhặt miếng carton lót lên làm gối kê đầu. “Chà chà, đêm nay ngủ dưới mái hiên nhà dân nên khỏi sợ ướt. Sát bên còn có hàng quán bật đèn sáng trưng nữa nên cũng bớt bị muỗi tấn công”, ông Sáu cười đầy mãn nguyện rồi đánh một giấc thật sâu.
Duyên chưa tới nên… cứ mãi cô đơn
Khác với ông Sáu, ông Hùng “cô đơn” (53 tuổi, ngụ Q.4) có nhà cửa đàng hoàng. Căn nhà bên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4) do cha mẹ để lại. Vì vậy, ông cũng có chỗ trú ngụ ngon lành, khỏi phải chịu cảnh ngủ bụi ngoài đường phố.
Một ngày làm việc của ông Hùng bắt đầu từ 20 giờ. Cứ đến giờ “G”, ông xe ôm dáng gầy chạy chiếc Dream cũ tà tà từ Q.4 qua Q.1 kiếm khách. Thời buổi công nghệ, vậy mà ông Hùng vẫn “mãi một tình yêu” với nghề xe ôm truyền thống. “Mỗi đêm tui kiếm cỡ vài chục, có khi trúng mánh thì vài trăm ngàn đồng, vẫn sống tốt”, ông nói và cho biết thêm: “Ngày tui tiêu xài vài chục ngàn chứ mấy. Có khi ế quá tui... gặm ổ bánh mì, ăn gói xôi. Tui quen cảnh sống tự tại, hít thở khí trời nên cũng chẳng muốn đổi nghề nào khác”, ông Hùng giải thích.

Ông Bình tìm đoạn vỉa hè vắng ngủ một giấc tới sáng. ẢNH: BÍCH NGÂN
Ông Bình tìm đoạn vỉa hè vắng ngủ một giấc tới sáng. ẢNH: BÍCH NGÂN
Ông Hùng hiện sống cùng các anh, chị, nên chuyện cúng kiếng tổ tiên ông bà đã có người lo liệu. Thành thử, 15 năm nay, năm nào ông cũng ăn tết ngoài đường. “Chạy xe xuyên tết vừa rồi tui kiếm khoảng 2 triệu đồng. Nhưng sau mùng 5 tết cảnh ế ẩm lại tiếp diễn. Phần người ta chuộng taxi, xe ôm công nghệ. Phần thì dịch bệnh Covid-19 khiến mọi thứ càng thêm đìu hiu”, ông Hùng trầm giọng.
Đêm trên “con ngựa thồ” cà tàng, ông Hùng miên man nói về ước mơ có người yêu để cùng mình xây dựng tổ ấm. “Nhiều khi thầm nghĩ, lủi thủi một mình hoài rồi cũng buồn lắm. Giá mà có một người để bầu bạn lúc tuổi già, nhưng duyên số chưa cho gặp thì mình chấp nhận thôi”, ông Hùng “cô đơn” trầm tư.
(còn tiếp)
Theo Bích Ngân-Trác Rin (TNO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.