Giọt máu hồng từ tấm lòng y đức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiến máu cứu người đã trở thành hành động đẹp, việc làm thường xuyên của cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế. Nhiều lương y đã hàng chục lần tham gia hiến máu và sẵn sàng làm “ngân hàng máu sống” để kịp thời cứu chữa, tiếp sức cho bệnh nhân vượt qua lằn ranh sinh tử.
 



Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại

Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I theo Dự án 585 “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, bác sĩ Phạm Duy Hoàng, công tác tại Khoa Nội thận Bệnh viện Trung ương Huế với thâm niên 20 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người, mở đầu cuộc trò chuyện: “Chỉ mong giọt máu của mình tiếp sức cho bệnh nhân vượt qua lằn ranh sinh tử”.

Kể về lần đầu hiến máu, bác sĩ Hoàng nhớ lại, lúc ấy đang học năm thứ 2 Đại học Y Dược Huế, chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của hành động hiến máu cứu người bệnh trong giờ phút hiểm nghèo. Nhưng khi anh Hóa (người cùng quê Nghệ An, học khóa trên ở chung dãy trọ) thông báo tại Khoa sản, Bệnh viện Trung ương Huế đang cần máu để cứu một sản phụ băng huyết thì Hoàng không một phút chần chừ, tức tốc đến bệnh viện ngay trong đêm.

“Hồi hộp rồi nhìn thấy chiếc kim vừa to vừa dài mà sợ toát cả mồ hôi. Rất may hôm ấy, hai anh em đã góp được 2 đơn vị máu, giúp sản phụ qua cơn nguy kịch. Cũng từ lần ấy, qua xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của em rất cao nên em đăng ký tên mình vào danh sách ngân hàng máu sống của bệnh viện, để khi bệnh nhân cần là có mặt”. Hoàng nói thêm, làm việc tại khoa Nội thận, Bệnh viện Trung ương Huế, hàng ngày chứng kiến nhiều người bệnh đau đớn, xanh xao vì mắc các bệnh về máu nên anh thường xuyên hiến máu, tiểu cầu và tích cực vận động bạn bè, người thân tham gia.


 

 Bác sĩ Phạm Duy Hoàng khám cho bệnh nhân tại Khoa Nội thận Bệnh viện Trung ương Huế
Bác sĩ Phạm Duy Hoàng khám cho bệnh nhân tại Khoa Nội thận Bệnh viện Trung ương Huế



Một bác sĩ được đào tạo bài bản, ra trường được nhận ngay vào làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế đến nay đã 2 năm, với nhiều cơ hội rộng mở, nhưng Hoàng lại xung phong tham gia Dự án 585. Bác sĩ Hoàng hy vọng khoảng thời gian về làm việc tại vùng sâu, vùng xa ở Nghệ An sắp tới anh có thể góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nơi đây. Đồng thời góp phần vào việc hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Gần 11 giờ giờ trưa trong một ngày đầu xuân, nhiều y bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế tham gia chương trình hiến máu tình nguyện “Blouse trắng - Trái tim hồng” xếp hàng dài, cười thật tươi chờ tới lượt mình. Trong số những gương điển hình đi đầu trong phong trào hiến máu cứu người tại Bệnh viện Trung ương Huế hôm ấy có TS-BS Mai Văn Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh, kiêm Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Trung ương Huế, người đã 15 lần hiến máu cứu người.

TS-BS Tuấn chia sẻ: “Bệnh nhân nguy cấp, cần máu gấp thì mình hiến thôi, lúc đó cứu người là quan trọng chứ không nghĩ được nhiều”. Đối với anh, lần hiến máu đáng nhớ nhất là dịp Tết năm 1998, khi anh vừa rời bệnh viện thì hay tin một bệnh nhân có nhóm máu A tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế bị xuất huyết tiêu hóa nặng, cần truyền máu gấp. Vội từ chối lời mời bữa tiệc tân niên của nhóm bạn thân, anh tức tốc chạy lên bệnh viện hiến ngay 350ml máu để phục vụ việc cấp cứu, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

“Bản thân mình là thành viên Ban chủ nhiệm Khoa Vi sinh hơn 10 năm nay, công việc bận rộn nhưng năm nào cũng cùng đồng nghiệp tham gia hiến máu. Đặc biệt, trong năm vừa qua, Khoa Vi sinh của mình phải nỗ lực với nhiệm vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 44.000 mẫu của các bệnh nhân và người nhà, người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và nhiều trường hợp khác tại miền Trung, song mình và các nhân viên vẫn tranh thủ thời gian tham gia hiến máu cùng các đồng nghiệp khác tại bệnh viện”, TS-BS Mai Văn Tuấn chia sẻ.


 

TS-BS Mai Văn Tuấn (giường đầu) tham gia hiến máu đầu xuân Tân Sửu
TS-BS Mai Văn Tuấn (giường đầu) tham gia hiến máu đầu xuân Tân Sửu


Lan tỏa  

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động trong xã hội phải dừng hoặc chững lại, nhưng giọt máu cứu các ca bệnh nguy kịch thì không thể không duy trì. Hiểu và thương những bệnh nhân đứng giữa lằn ranh sinh tử cần từng giọt máu, nhất là nhóm máu O, A khan hiếm đến báo động, các y bác sĩ và nhân viên Trung tâm Truyền máu khu vực Huế (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) không chỉ có nhiều sáng kiến trong việc vận động đồng nghiệp, người thân và tất cả những người trong cộng đồng cùng nhau hiến máu, tiểu cầu mà họ còn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thực hiện công tác chuyên môn của một “ngân hàng máu” từ tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc, điều chế, bảo quản những chế phẩm máu đạt chất lượng cao. Trong hành trình đó, tất cả đều phải tuân thủ các quy trình bổ sung nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19, góp phần tạo lòng tin cho mọi người như một mệnh lệnh từ trái tim.

 

Phân loại máu mà các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hiến tặng tại chương trình hiến máu tình nguyện “Blouse trắng - Trái tim hồng” đầu Xuân Tân Sửu
Phân loại máu mà các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hiến tặng tại chương trình hiến máu tình nguyện “Blouse trắng - Trái tim hồng” đầu Xuân Tân Sửu


TS-BS Đồng Sĩ Sằng, Giám đốc Trung tâm Truyền máu khu vực Huế, chia sẻ, là tuyến xét nghiệm, điều trị các bệnh về huyết học - truyền máu cao nhất thuộc khu vực miền Trung, đảm bảo nhiệm vụ cung cấp đủ máu và chế phẩm máu đạt chất lượng, an toàn cho tất cả các bệnh viện trong khu vực (bao gồm: Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, một phần của Quảng Nam và TP Đà Nẵng) nên hàng tháng trung tâm cần tối thiểu 4.500 đơn vị máu để đáp ứng nhu cầu điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu dài ngày, khiến nguồn máu điều trị thiếu hụt trầm trọng trong các bệnh viện.

Tính đến ngày 19-2, lượng máu dự trữ tại trung tâm chỉ đủ phục vụ cho cấp cứu trong khoảng 3 ngày tới. Trong khi bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện sau tết tăng mạnh, kéo theo nhu cầu sử dụng máu cho điều trị tăng cao, đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. “Trước tình hình đó, ngày 19-2, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện “Blouse trắng - Trái tim hồng” với 200 y bác sĩ của bệnh viện hiến máu, hiến tiểu cầu. Tại chương trình, cán bộ, viên chức của Bệnh viện Trung ương Huế còn đăng ký sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần cho “ngân hàng máu sống”, TS-BS Đồng Sĩ Sằng thông tin.


 

 Nguồn máu hiến tặng được sử dụng trong ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế
Nguồn máu hiến tặng được sử dụng trong ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế



Với thông điệp “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”, cán bộ viên chức Bệnh viện Trung ương Huế đều mong hiến tặng những giọt máu hồng của mình vào ngân hàng máu, phục vụ kịp thời nhu cầu máu và các sản phẩm máu có chất lượng cho điều trị, cấp cứu người bệnh. Qua đó, khơi dậy nghĩa cử cao đẹp của người lương y với cộng đồng, mà danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh thời từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người…”.
 

Ghi nhận những nỗ lực của đơn vị, năm 2020, Khoa Vi sinh và bản thân TS-BS Mai Văn Tuấn được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch Covid-19. TS-BS Mai Văn Tuấn còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2019; Bộ trưởng Bộ Y tế 2 lần tặng bằng khen vào các năm 2014 và 2017. Trân quý hơn, TS-BS Mai Văn Tuấn vinh dự được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú trong năm 2020.



Theo VĂN THẮNG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.