Qua vùng thảm họa sạt lở: Ám ảnh khôn nguôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trà My, địa danh vốn gắn liền với cái tên mỹ miều 'cao sơn ngọc quế', giờ đây gợi lên cho người nghe biết bao ám ảnh về thảm họa sạt lở, người mất tích vẫn dừng lại con số định mệnh 13. 

Sạt lở kinh hoàng khiến nóc Ông Đề thành bình địa
Sạt lở kinh hoàng khiến nóc Ông Đề thành bình địa
Đau thương vẫn còn đó, nhưng trên mảnh đất này mầm sống vẫn đang vươn lên, mãnh liệt từng ngày...
Ít ai ngờ rằng, trong lịch sử mảnh đất Nam Trà My (Quảng Nam) từng xảy ra những vụ sạt lở mà người chết nhiều gấp 3 lần số người bị vùi lấp trong đợt sạt lở vào cuối tháng 10.2020.
Những ngày cuối năm 2020, Nam Trà My rả rích mưa. Con đường dẫn vào các xã vốn dĩ tan hoang sau cơn bão số 9 hồi cuối tháng 10 trơn như bôi mỡ. Nhìn quanh, đâu đâu cũng thấy cảnh núi đồi sạt lở. Có quả núi bị khuyết mất hơn phân nửa, lộ ra vạt đất vàng khè. Tôi rùng mình khi nhớ lại tròn 2 tháng trước, nửa trái núi như thế đã ập xuống thôn 1, xã Trà Leng khiến 22 người chết và mất tích.

Sông Leng nổi cơn cuồng nộ đã xóa sổ nóc Tăk Pát (thôn 2, xã Trà Leng). ẢNH: HOÀNG SƠN
Sông Leng nổi cơn cuồng nộ đã xóa sổ nóc Tăk Pát (thôn 2, xã Trà Leng). ẢNH: HOÀNG SƠN
Ám ảnh suối ma
Ở Nam Trà My, cứ vào mùa mưa lũ, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe đâu đó ở các xã xảy ra vụ chết người do núi đè. Nhưng để xóa sổ nhiều ngôi làng thì dường như chỉ do những trận lũ lịch sử. Trong đó, trận lũ năm Giáp Thìn (1964) khiến nhiều người chưa nguôi ám ảnh. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng Nguyễn Thành Tiêu (74 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2008) là một trong số ít người từng có mặt tại hiện trường vụ sạt lở ở nóc Tăk Lúc. “Vụ sạt lở ở nóc Ông Đề vào ngày 28.10.2020 vừa qua làm bố nhớ lại vụ sạt lở ở nóc Tăk Lúc. Số sống sót chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Tiêu mở đầu câu chuyện.
Ông Tiêu sinh ra và lớn lên ở nóc Tăk Lục, cách nóc Tăk Lúc khoảng 10 phút đi bộ. Ông nhớ như in, năm 1964, sau một trận mưa lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về. Con suối Tay chảy qua nóc Tăk Lúc vốn hiền hòa bỗng trở nên hung dữ, xé toạc cả quả núi nơi có gần 100 con người đang sinh sống. Ngọn núi ập xuống, cả nóc chỉ còn 5 - 6 người sống sót. Kiểm đếm người mất tích lên đến 92 người... “Bà con dân làng đã tổ chức tìm kiếm nhưng không tìm được ai. Mãi sau này, người dân đi rừng mới phát hiện được 3 thi thể trôi ra ven sông. Xác người bị vùi lấp hết. Có gia đình không còn ai sống sót. Hồi đó chiến tranh ác liệt, lại không có máy xúc để tìm kiếm nên đành để ngọn núi chôn cất luôn đồng bào mình”, ông Tiêu nghẹn giọng.

Người dân vùng sạt lở Nam Trà My đang đối mặt với bộn bề khó khăn vì mất hết nhà cửa
Người dân vùng sạt lở Nam Trà My đang đối mặt với bộn bề khó khăn vì mất hết nhà cửa
Bố của ông Tiêu cũng quả quyết trong lịch sử lập làng, chưa có trận lũ nào kinh hoàng như năm 1964. Cũng kể từ đó, suối Tay được người dân gọi bằng tên mới: suối Ma. Vài người sống sót giờ cũng lập gia đình với 30 - 40 thành viên là con, cháu. Mỗi lần nhắc đến suối Ma, ai nấy cũng đều sợ hãi. “Người chết nhiều quá! Suối Tay cũng thành suối Ma. Ám ảnh đến hôm nay... Nỗi đau đó không riêng của người ở lại mà cả với người dân chúng tôi...”, ông Tiêu run giọng.
Kể từ sau vụ sạt lở năm 1964, những người sống sót đi tìm chỗ ở mới vì khu vực suối Ma đã thành bình địa. Phần còn lại của quả núi, mỗi mùa mưa bão lại sạt lở. Ở trận lũ vào tháng 10.2020, quả núi này lại sạt xuống. “Nếu ai còn ở lại khu vực này thì có lẽ cũng khó tránh khỏi thảm họa như năm 1964”, ông Tiêu nói.
Nỗi lòng người lập làng
Nếu bố ông Tiêu chỉ “kịp” chứng kiến trận sạt lở lịch sử vào năm 1964, thì ông Tiêu lại đối diện đến 2 lần: vụ ở nóc Tăk Lúc ngày đó và vụ ở nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng). “Nguyên thủy dòng tộc bố sinh ra ở mảnh đất Trà Leng và không di cư đi đâu cả. Vì thế mà những cuộc “trở mình” của làng, bố đều chứng kiến. Vụ sạt lở ở nóc Ông Đề cũng giống như ở Tăk Lúc về địa hình và điều kiện thời tiết. Bố chưa từng thấy trận mưa nào kinh hoàng đến như vậy. Dân làng ai cũng sảng hồn. Không riêng thiệt hại về người mà thiệt hại về tài sản, ruộng nương cũng rất nhiều. Rừng quế, chè... đều bị sạt hết”, ông Tiêu nói.

Tôi trở lại nóc Ông Đề khi máy xúc đã gạt lộ ra phần nền đất cũ với nham nhở móng nhà còn sót lại. Nhìn con suối róc rách chảy qua ngôi làng, khó có thể hình dung nó đã từng nổi cơn thịnh nộ để rồi cuốn phăng 13 nóc nhà là nơi sinh sống của hơn 50 con người hồi cuối tháng 10. Dưới cơn mưa lất phất, cụ ông Hồ Văn Đề lội bùn tìm đến nương cũ của mình, nơi có mộ của 3 người con. Người đàn ông 77 tuổi như đã cạn khô dòng nước mắt vì khóc. “Ngày xưa chọn đất lập nóc, có ai ngờ đâu một ngày những đứa con của bố lại mất đi như thế này. Biết thế, bố đâu chọn mảnh đất này lập nóc làm gì...”, cụ Đề thở dài.

Cảnh tượng đổ nát, tan hoang tại nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) sau vụ sạt lở ngày 28.10.2020
Cảnh tượng đổ nát, tan hoang tại nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) sau vụ sạt lở ngày 28.10.2020
Theo tập tục của đồng bào Xê Đăng, tên nóc gắn liền với tên người lập ra. Cũng bởi vậy mà trong những nóc như thế thường quần cư nhiều thế hệ trong một gia đình. Như nóc Ông Đề mang tên của cụ Hồ Văn Đề là nơi sinh sống của nhiều gia đình con, cháu cụ. Nóc được lập từ năm 1998 với vài ngôi nhà của con cụ Đề tách hộ. Dần dà, nóc đông thêm bởi người dân nhận thấy vị trí thuận lợi kéo nhau đến dựng nhà. Hôm xảy ra vụ sạt lở, hầu hết người làng đều ở nhà để tránh bão nên thiệt hại về người rất lớn. Riêng cụ Đề có đến 8 người con, cháu, chắt bị chết hoặc mất tích.
Cụ Đề nhớ lại khoảng năm 1997, vì khu vực thôn 3 (cũ) đất chật người đông nên cụ một mình băng rừng đi tìm mảnh đất mới để lập nóc. Cụ ưng ý khi dừng chân ở dải đất có con suối nhỏ chảy qua với địa thế đẹp, thuận lợi phát triển kinh tế. “Bố thấy chỗ này an toàn vì cả ngàn đời rồi không có chuyện sạt lở. Con suối cũng nhỏ. Từ xa xưa, chỗ này tập trung đông đúc người đến buôn bán. Thương lái người Tàu cũng dừng lại đây lập lán trại, để mang trâu, bò, mắm muối, đường đen, dao rựa... đổi lấy quế Trà My mang về xuôi... Hồi mới đến, bố kiểm tra cẩn thận, đạp rừng đi nhiều ngày để nghiên cứu địa hình, với hy vọng sẽ mang lại bình an cho con cháu. Thế rồi mất hết...”, cụ Đề nói.
Nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) có lịch sử định cư lâu đời hơn cả nóc Ông Đề. Ông Sinh cũng đã qua đời từ mấy chục năm trước. Bởi vậy, địa hình nơi cư dân dựng nhà được đánh giá là ổn định. Thế mà sau trận mưa vào trưa 28.10.2020, cũng như ở nóc Ông Đề, trái núi đổ ập xuống con đường chạy ngang qua nóc Ông Sinh. 8 người, trong đó 7 người của 2 gia đình, bị vùi chết. May mắn hơn, người dân nóc Tăk Pát (thôn 2, xã Trà Leng) dù mất khoảng 30 căn nhà do các đợt lũ quét nhưng nhờ kịp thời di dân nên thoát chết. Ông Hồ Văn Thủ (50 tuổi) kể từ nhỏ đến lớn ông chưa khi nào chứng kiến trận lũ kinh hoàng như vừa qua. “Con sông nhỏ mở thành con sông lớn rộng hàng chục mét. Tôi đi tránh trú về thì không thấy nhà mình đâu nữa”, ông Thủ nói.
(còn tiếp)

Sắp xếp khoảng 4.000 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng đã kiến nghị Chính phủ và Ủy ban Dân tộc đẩy mạnh công tác sắp xếp dân cư miền núi. Trong 4 năm qua, Quảng Nam đã sử dụng 285 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để sắp dân cư cho gần 6.500 hộ dân; sắp tới dự kiến sẽ sắp xếp khoảng 4.000 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Theo Hoàng Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.