Hương ước giữa đại ngàn: Thành trì bảo vệ bản làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nằm bên QL7, bị 'bao vây' bởi tệ nạn ma túy, nhưng bản Boong (xã Lạng Khê, H.Con Cuông, Nghệ An) vẫn bình yên. Hương ước ở đây đã bao bọc, gìn giữ bản làng hàng chục năm qua trước sự tấn công của cái xấu.

Cổng làng bản Boong ẢNH: K.HOAN
Cổng làng bản Boong ẢNH: K.HOAN
Sức mạnh của “luật làng”
Bản Boong nằm bên QL7, cách trung tâm xã Lạng Khê chừng vài cây số. Những con đường trong bản đã được bê tông hóa, rất sạch sẽ. Ông Lô Văn Quang, một cư dân bản Boong, nói từ 30 năm nay, con đường ở đây vẫn sạch như thế, dù trước đây là đường đất.
Năm 1990, ông Quang là phó bản, một trong những người đầu tiên soạn thảo hương ước để bảo vệ bản. Hương ước lúc đó có 5 điều, 10 khoản, quy định về việc nhốt, chăn dắt trâu bò, không nhốt trâu bò, lợn gà dưới nhà sàn. “Ruộng nương mênh mông, không thể dùng tre nứa rào để ngăn trâu bò phá hoại, chúng tôi phải dùng hương ước để rào thôi”, ông Quang giải thích. Trâu bò không còn thả rông, được nhốt riêng biệt bằng chuồng, ruộng nương tươi tốt, đường làng trở nên sạch sẽ vì không bị phóng uế.
Năm 1997, ma túy bắt đầu tràn về vùng núi này, tấn công vào bản làng. Hương ước bản Boong lại được bổ sung tiếp 5 điều. Hương ước quy định: các gia đình không được để con em nghiện, không tham gia buôn bán ma túy. Nếu bị nghiện ma túy, gia đình phải tự cai, không được làm phiền xã hội, nếu không thể tự cai được mới đưa đi cai.
Các quy định này được thông qua dân bản, đại diện các gia đình đều ký hoặc điểm chỉ vào để thực hiện. “Nhờ thế mà không ai dám và dính vào ma túy dù bị lôi kéo rất mạnh”, ông Quang phấn khởi nói.
Đặc biệt, ông Quang kể, từ sau năm 2000, ma túy tấn công vào các bản xung quanh, rất nhiều thanh niên nghiện ngập rồi tham gia buôn bán ma túy, nhưng thanh niên ở bản Boong vẫn được hương ước bảo vệ và nói không với ma túy.

Hương ước bản Boong
Hương ước bản Boong
Ít năm sau, trên sông Lam đoạn qua xã Lạng Khê xuất hiện nhiều tàu đào đãi vàng với lượng công nhân khá lớn đến từ nơi khác, ở đây bắt đầu xuất hiện nạn mại dâm. Cuốn hương ước bản Boong lại tiếp tục thêm quy định: đàn bà, con gái trong bản không được bán dâm. Ai vi phạm phải phạt bằng tiền và phải xin lỗi cộng đồng.
Thanh niên bản Boong đi học, làm ăn xa trở về với cái đầu nhuộm vàng, trắng khiến nhiều dân bản không ưa. Quy định lại được đưa ra vào năm 2017: thanh niên đi học, làm ăn trở về nếu nhuộm tóc khác màu sẽ không được bước qua cổng làng. Dân bản khi được thông qua, đều đồng tình với quy định này. “Chúng tôi không khắt khe, nhưng muốn con em giữ được nét văn hóa truyền thống tóc đen, đừng học đòi văn hóa lai căng bên ngoài”, ông Quang nói.
Quy định được ban hành. Năm 2018, anh L.V.T đi làm ăn xa về với mái tóc vàng hoe. Anh T. vừa bước xuống xe khách, dân bản nhìn thấy đã lắc đầu. Có người gọi điện báo cho người bố. Ông bố chạy xe máy ra đón con, đưa cho người con 500.000 đồng rồi nói, đi nhuộm lại tóc màu đen mới được về nhà. Anh T. ngoan ngoãn nghe theo lời bố, chạy đến tiệm làm tóc.
Cũng trong năm đó, anh K.V.S đi làm công nhân ở Bắc Ninh trở về với mái tóc bạch kim. Trở về nhà, anh S. ra đường chào hỏi cũng không ai thưa. Ông Quang kể, hôm sau, anh S. đã tự đến tiệm làm tóc để nhuộm lại mái tóc đen. “Cũng từ đó, thanh niên nam nữ ở bản Boong đi xa trở về bản đều không còn mái tóc “lai căng” nữa”, ông Quang nói.
Năm 2015, hương ước bản Boong đã được soạn thảo lại, quy định chi tiết về nếp sống, văn hóa ứng xử, ăn mặc, học hành, tổ chức đám cưới, tang lễ, giữ gìn an ninh trật tự, môi trường… Ông Quang nói, 30 năm có hương ước, 102 hộ dân bản nay đã thuộc làu các quy định của bản. Dưới sự giám sát thực hiện hương ước của những người có uy tín trong bản, dân bản đều có ý thức thực hiện và nhờ đó, bản làng luôn bình yên.
Bà Lô Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, cho biết 7 bản trong xã đều đã có hương ước. Nhưng, thực hiện được các quy định của hương ước thì chỉ vài bản, trong đó bản Boong là một điển hình hiếm có.

Nhà sàn truyền thống của người Thái ở bản Lam Khê được làm bằng cột, kèo bê tông  ẢNH: K.HOAN
Nhà sàn truyền thống của người Thái ở bản Lam Khê được làm bằng cột, kèo bê tông ẢNH: K.HOAN
Giữ gìn nếp nhà
Sống ở cạnh rừng, đồng bào Thái đã quen thuộc với nếp nhà sàn. Ông Lô Hồng Thuyên (ở bản Lam Khê, xã Chi Khê, H.Con Cuông) nói, ngôi nhà truyền thống này đã có từ bao đời nay. Hồi xưa, khi thú dữ còn nhiều, người Thái phải dựng nhà sàn để tránh thú tấn công. Ngôi nhà sàn có kiến trúc cao ráo, thoáng mát nên đến nay, nó vẫn là lựa chọn gần như duy nhất của người Thái ở Nghệ An. Xưa, chỉ cần vào rừng là có gỗ làm nhà, sau này, khi rừng bị phá, gỗ ít dần, việc duy trì được ngôi nhà sàn truyền thống không dễ.
Để bảo vệ rừng, tiết kiệm công sức, tiền của, gần 20 năm qua, ở Lam Khê, người dân đã chuyển sang dùng bê tông để thay gỗ. Ông Thuyên bảo, hương ước của bản đã có từ năm 1972, quy định về việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước khe suối, không được trộm cắp… Đến năm 2004, hương ước của bản quy định phải hạn chế tối đa việc sử dụng gỗ tự nhiên để làm nhà. “Ngày xưa, rừng bao quanh bản, gỗ nhiều, nay rừng chỉ còn thưa thớt, không còn gỗ lớn nữa, rất tiếc!”, ông Thuyên nhìn ra khu rừng xa xa, nói.
Để dựng một ngôi nhà sàn, ông Thuyên nhẩm tính phải tốn rất nhiều gỗ, trong đó phải có ít nhất 16 - 20 cây cột gỗ cao 6 - 7 m. Từ năm 2004 đến nay, các gia đình ở bản Lam Khê sửa lại nhà hoặc làm nhà mới đều sử dụng cột, kèo, xà bằng bê tông. Sử dụng cột, xà bằng bê tông vừa bền lại tiết kiệm được 50 - 60% chi phí so với dùng gỗ. Năm 2013, ông Thuyên cũng sửa lại căn nhà sàn 4 gian của gia đình bằng 20 cột bê tông. Các phần còn lại ông tận dụng gỗ của căn nhà cũ. Các bức vách ông dùng ván gỗ keo để ghép lại, bên trên lợp ngói đất nung. Sàn dưới, ông láng nền xi măng, làm nơi chứa các vật dụng của gia đình. Đó là một căn nhà đúng với kiến trúc truyền thống của người Thái vùng này.
Lam Khê hiện có 194 nóc nhà, ông Thuyên ngồi nhẩm tính, trong đó chỉ có một số ít căn nhà trệt, số còn lại đều là nhà sàn và 95% trong số đó đều dùng cột bê tông, nhiều căn sử dụng gần như toàn bê tông và gạch. Với sự khéo léo của người thợ, một số nhà dùng sơn giả gỗ để sơn lên nên nhìn rất bắt mắt, cứ ngỡ là gỗ. Trước đây, không gian bên dưới nhà sàn thường dùng để nuôi gia súc, gia cầm, rất bẩn. Gần 20 năm nay, hương ước ở Lam Khê đã quy định không được nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới nhà sàn để bảo vệ môi trường. “Nhà nào có trâu bò, lợn gà phải xây chuồng riêng để nuôi nhốt. Dân thấy quy định này hợp lý nên rất đồng tình”, ông Thuyên nói.
Xu hướng làm nhà dùng bê tông thay gỗ đã lan ra các bản làng khác ở Chi Khê. Ở bản Liên Đình (xã Chi Khê), những ngôi nhà sàn mới xây bằng bê tông nằm nép mình trong những vườn cây mát rượi. Bản này được quy hoạch theo ô bàn cờ từ năm 1960 do dân bản tự làm. Các con đường đi lại đều rộng rãi và sạch sẽ, hai bên đường trồng đủ các loại hoa.
Ông Lô Hồng Thái, Trưởng bản Liên Đình, nói hương ước của bản đã có từ hàng chục năm nay, được bổ sung theo thời gian và được thực hiện rất nghiêm túc. Cứ 22 giờ 30, sau khi tiếng kẻng vang lên, các hoạt động của các gia đình trong bản gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác đều phải dừng lại. “Đây là cách để giữ bình yên cho mọi người, kiểm soát được người xấu vào bản để làm điều không tốt”, ông Thái nói.
Theo Khánh Hoan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.