Tìm về Phật tính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi bước chân lên núi chỉ thấy trên là gió trời, dưới đất là vàng ươm xoài, mít chín rụng. Thỉnh thoảng, vài ba chú khỉ chuyền cành rồi buông tay an tọa trên các phiến đá, nhòm khách đường xa.

 

Tôi nghĩ mình không quá hồ đồ khi nói đường Vạn Hạnh (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là con đường có nhiều chùa nhất Việt Nam. Trên quãng đường chỉ hơn ba cây số đó là rất nhiều chùa, thiền viện, tịnh xá với khuôn viên rộng thênh thang. Mắt còn chưa rời khỏi chùa Phổ Hiền đã chạm tới Kiều Đàm ni viện, tịnh xá Hoa Nghiêm, chùa Niết Bàn… Có lẽ đất lành chim đậu, rất nhiều nhà sư đã chọn chốn này làm nơi tu tập, tẩy rửa bụi trần.

Hữu duyên thì khắc đi, khắc đến

Vóc núi mướt xanh, những cụm hoa giấy trắng, hồng la đà ngay chân núi đã thổi tan nắng lửa trưa hè, cả cái nắng nóng hầm hập từ đường nhựa. Chưa hết thảng thốt hỏi nhau không biết những bậc thang kia dẫn đến đâu mà ngay từ lối vào đã lãng đãng yêu kiều đến thế thì bên kia đường một nhà sư áo nâu sồng, đầu trần thơ thới bước dưới nắng, tay vung vẩy xách vài ba gói mì tôm. Nhà sư trẻ vừa chỉ đường, vừa dặn: "Các vị cứ lên núi theo những bậc thang này. Nếu hữu duyên thì khắc đi, khắc đến. Trên đường có nhiều thất tu của các thầy, họ sẽ tiếp tục "vẽ" lối cho các vị lên chỗ sư Thủy".


 

Hoan hỉ, tan biến mọi lo âu cùng các nhà sư
Hoan hỉ, tan biến mọi lo âu cùng các nhà sư



Núi Thị Vải vắng hoe, bước chân trên những bậc đá nhân tạo mà chúng tôi không mảy may khó chịu vì sự can thiệp của bàn tay con người. Phải chăng đất ẩn mình học Phật của các nhà sư nên dẫu là nhân tạo thì tất cả cũng nương theo dáng núi. Những thất tu ẩn mình dưới tàng cây, lọt giữa các phiến đá hoa cương được dựng lên cũng theo nguyên tắc nương nhờ những gì sẵn có của mẹ thiên nhiên chứ không thô bạo phạt núi, san phẳng rồi đổ bê-tông cốt thép như quá nhiều nơi chúng tôi thường gặp. Mỗi bước chân lên núi chỉ thấy trên là gió trời, dưới đất là vàng ươm xoài, mít, điều chín rụng. Thỉnh thoảng loi choi vài ba thành viên nhà khỉ chuyền cành, rồi lóc chóc buông tay an tọa trên các phiến đá, đầu ngó nghiêng nhòm khách đường xa.

 

Quen với đường nhựa và văn phòng nên chúng tôi luôn rớt lại sau thầy Pháp Hạnh một quãng khá xa
Quen với đường nhựa và văn phòng nên chúng tôi luôn rớt lại sau thầy Pháp Hạnh một quãng khá xa



Mưa. Cơn mưa tầm tã ban trưa buộc lòng dừng chân lữ khách. Ngồi trước hiên Thiền đường Tự Tánh, mây ở đâu giăng kín trời kéo theo tiếng cười nói lao xao. Nhìn tứ bề không một bóng người, chúng tôi bảo nhau đi về phía có tiếng cười nói ấy. Đang ngơ ngác trước thất vì chỉ thấy tiếng mà không thấy bóng người đâu thì thầy Pháp Hạnh ngó từ tầng trên xuống, trỏ vào cái thang tự tạo từ cành cây, ra hiệu cho chúng tôi lên.

Tan biến những tính toán, muộn phiền

Chúng tôi bước theo các nhà sư, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác rồi thốt lên: "Các thầy thiết kế tài tình quá! Vừa đủ cho sinh hoạt cơ bản vừa giữ vẹn nguyên địa thế, địa hình". Phía chính thất là cửa ra vào như bao thất khác. Thang gỗ là lối dẫn lên tầng trên. Từ tầng trên rẽ ngang, rẽ dọc xuống khu vệ sinh. Từ khu vệ sinh lắt léo mấy lối nữa mới xuống bếp. Từ bếp lại thêm đôi đường dích dắc dẫn xuống bể nước.

Một nhà sư vừa đưa tay áo quệt mồ hôi vì lửa bếp vừa cười: "Chúng tôi chỉ nương theo dáng núi, thiết kế vốn đã có tự nhiên rồi". Thầy Minh Tuấn rổn rảng trong lúc sắp xếp bát đũa: "Mình tôi ở thất này. Thầy Minh Châu và thầy Pháp Hạnh ở phía trên, cách 15 phút đi bộ. Thầy Minh Thạnh thì ở trong hang đá, đang là người giữ kỷ lục tu - sống trong hang lâu nhất Thị Vải này: Hơn 3 năm. Những ngày mới đến đây tu, hầu hết huynh đệ chúng tôi đều sống và tu hành trong hang đá. Dần dần phật tử cúng dường, có vật liệu đến đâu là huynh đệ giúp nhau dựng thất đến đó".

Thầy Minh Thạnh gầy gò, khắc khổ, nụ cười hổng hoác, trên cánh tay vẫn còn dấu tích "giang hồ" ngày nào là những hình, những dòng chữ xanh lét màu mực xăm. Bữa đó là "khách" của thầy Minh Tuấn, song thầy Minh Thạnh lại là "bếp trưởng" với dưa chua nấu đậu phụ, rau muống, sả xào. Suốt bữa cơm đạm bạc là tiếng cười nói an nhiên. Nụ cười vô ưu, ánh mắt và nét mặt trong vắt như trẻ thơ của các nhà sư đã khiến trong lòng chúng tôi tan biến hết những tính toán, muộn phiền. Các nhà sư, cả chủ nhà lẫn khách đều hoan hỉ: "Bữa nay duyên lớn quá. Huynh đệ đến thăm nhau, nhờ trận mưa mà ở lại dùng bữa, rồi cũng nhờ mưa mà gặp được hai vị khách đường xa".

Khi chúng tôi hỏi đường lên thất của người từng nổi tiếng một thời là đệ tử của ông trùm Năm Cam - nhà sư Minh Thủy, thầy Pháp Hạnh và thầy Minh Châu bảo: "Lối chính phải đi qua khu của một ông nuôi rất nhiều chó, dữ lắm. Chúng tôi sẽ dẫn các vị đi lối tắt, đường khó đi nhưng tuyệt đối an toàn". Hai thầy dẫn chúng tôi đi. Lúc sắp qua thất của thầy Minh Châu, thầy Pháp Hạnh bước ra gốc mận. Cái cách thầy nói về cây mận mình trồng, cả cách thầy với tay hái mận cho chúng tôi, thật an nhiên, tự tại!

Rọi lại lòng mình

Nhìn cả sườn núi chỉ thấy cây lá xanh um. Thất tu lẩn khuất dưới tán rừng. Dưới là đất, đá, lá mục chen nhau không rõ lối đi. Chúng tôi hoang mang không biết có tìm được đường lên thất của sư Minh Thủy không. Trong lòng rất muốn nhờ các thầy dẫn đường, song lại sợ làm phiền, quấy quả nhiều quá. Vừa dè dặt đề nghị: "Các thầy chỉ đường giúp chúng tôi đi tiếp!", thầy Pháp Hạnh đã nói ngay: "Tôi sẽ đưa các vị đến thất của thầy Trung Chí, rồi thầy Trung Chí sẽ dẫn các vị lên chỗ sư Minh Thủy. Chớ đường này chỉ có chúng tôi - những người tu hành ở đây - mới đi được". Chưa dứt câu, thầy Pháp Hạnh đã cất bước. Thầy nói nếu không đi ngay thì e không xuống được núi trước khi trời tối.

Chúng tôi phì phò thở. Thầy Pháp Hạnh thì tay chắp sau lưng, bước chân thư thái. Chốc chốc thầy lại dừng chân đợi những kẻ vốn chỉ quen với đường nhựa và máy lạnh văn phòng. Hết lối mòn, chúng tôi phải leo qua những phiến đá lớn, cao, khá hiểm trở, như thể Mỹ Hầu Vương luồn lách chốn Hoa Quả Sơn. Nhưng càng lên cao không khí càng trong nên bao mệt mỏi, uể oải đã theo mồ hôi nhỏ long tong xuống đất. Thất của thầy Trung Chí hiện ra hệt như bối cảnh trong phim kiếm hiệp: Trên vách núi cao vợi, một góc lán giăng mắc gỗ, gậy, thò ra đến hơn một mét, kế đó là "phòng khách", trong cùng là hang đá tối om. Thầy Trung Chí bảo: "Xưa chúng tôi tu ở ngay hang này, sau đó nhờ công đức của phật tử mà mở ra dần dần".

Nhờ những từ bi hỉ xả cảm nhận được từ nhà sư ẩn tu chốn này, chúng tôi đã rọi lại lòng mình. Suốt quãng đường xuống núi, cả khi hòa giữa dòng người trong thành phố náo nhiệt rồi, câu nói "tất cả chúng sanh đều có phật tánh" vang mãi trong tâm trí chúng tôi.

Dường như Đức Phật ở đâu đây

Từ thất của thầy Trung Chí lên thất của sư Minh Thủy là những quãng dốc liên tiếp nối nhau. Chúng tôi nghe chân mình chùn lại, bước vài bước là chỉ muốn đứng im. Không rõ thầy Trung Chí mang theo tự lúc nào, chỉ thấy thầy đặt mấy chai nước và ít bánh lên phiến đá khá bằng phẳng, bảo chúng tôi ngồi nghỉ. Sự ân cần, tận tâm và chu đáo đầy vô tư ấy khiến chúng tôi vừa rưng rưng xúc động vừa gai gai xấu hổ. Lúc đưa chúng tôi vào tận thất của sư Minh Thủy rồi, thầy Trung Chí còn nán lại rất lâu, bởi sư Minh Thủy không ở thất, chỉ có hai sư khác đang tụng kinh. Khi thời khóa kết thúc, sư Minh Trì bước ra trong con nắng đã ngả màu vàng vọt, sư nói thầy Minh Thủy xuống núi đi công sự rồi. Nghe tin đó, lạ thay, chúng tôi không gợn một mảy may chán nản hay thất vọng.

Trước bóng áo vàng của thầy Trung Chí dẫn chúng tôi xuống núi, trước những gì nhận được từ các nhà sư trên suốt chặng đường hôm đó; chúng tôi đã mơ hồ thấy dường như Đức Phật đang ở đâu đây.

Người ta vẫn bảo giá trị và ý nghĩa không phải ở đích đến mà ở những gì đã trải qua trong suốt hành trình. Chúng tôi đã có một ngày như thế khi len qua những phiến đá hoa cương trên núi Thị Vải. Ở đó, mỗi bước chân qua là một chút chúng tôi nghe lòng mình lắng lại. Bao nhiêu vội vã, ồn ào, toan tính như tan vào thinh không.

Minh Tâm (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.