“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ĐMST

Năm 2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” và thành lập Ban điều hành mạng lưới khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm (2021-2024), hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh diễn ra mạnh mẽ, tinh thần khởi nghiệp có sự “chuyển động” tích cực từ các sở, ban, ngành, địa phương đến các chủ thể.

Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cùng những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên, nhiều chủ thể khởi nghiệp ĐMST đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ nông sản chủ lực của địa phương với những cách làm mới, góp phần quảng bá, tăng giá trị sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Khởi nghiệp với mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, anh Đoàn Anh Tuấn-Chủ cơ sở sản xuất cà phê D&S (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã đưa nông sản chủ lực của địa phương vươn xa.

Theo anh Tuấn, người khởi nghiệp phải làm chủ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất và sáng tạo trong kết nối để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Dù gặp không ít khó khăn nhưng sau thời gian kiên trì học hỏi và nhận được sự hỗ trợ từ các ngành, địa phương, sản phẩm khởi nghiệp của anh Tuấn đang phát triển rất tốt.

anh-doan-anh-tuan-xa-nam-yang-huyen-dak-doa-khoi-nghiep-voi-mo-hinh-san-xuat-ca-phe-chat-luong-caoanh-td.jpg
Anh Đoàn Anh Tuấn (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) khởi nghiệp với mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao. Ảnh: T.D

Anh cho biết: “Với vùng nguyên liệu gần 15 ha, mỗi năm, cơ sở sản xuất cà phê D&S bán ra thị trường trong nước trên 15 tấn cà phê nhân xanh và 2 tấn cà phê rang xay thành phẩm. Khi được các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng thành sản phẩm OCOP, các sản phẩm cà phê chất lượng cao của tôi bán với giá tương đối cao và được người tiêu dùng tin tưởng”.

Chọn khởi nghiệp từ dược liệu theo hướng xanh và bền vững, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đã chế biến thành công sản phẩm trà hòa tan từ nấm linh chi, đinh lăng, quả dâu tằm và lạc tiên.

Sản phẩm với thương hiệu Linh Lăng trà đã được công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2022 và đạt nhiều giải thưởng như: giải nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Gia Lai, giải nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên, giải khuyến khích cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc.

“Việc xây dựng vùng trồng dược liệu theo hướng hữu cơ tại địa phương vừa giúp đơn vị chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng vừa góp phần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng”-chị Trang cho hay.

chi-nguyen-thi-thu-trang-giam-doc-cong-ty-tnhh-duoc-thao-lila-nhan-nhieu-giai-thuong-ve-khoi-nghiep-a-td.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa nhận nhiều giải thưởng về khởi nghiệp. Ảnh: T.D

Cũng nhờ sự sáng tạo mà chị Phạm Thị Bình (làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) đã tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương để tạo ra dòng sản phẩm bột chuối xanh mang thương hiệu Nam Phúc. Mô hình sản xuất không chỉ giúp cải thiện thu nhập mà còn góp phần làm phong phú sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Chị Bình chia sẻ: “Chế biến chuối mốc xanh thành dạng bột sẽ giúp giữ tối đa chất xơ và dinh dưỡng. Phải trải qua 5 lần thử nghiệm, tôi mới tìm ra được công thức sấy chuẩn nhất nhằm giữ được hàm lượng tinh bột kháng trong chuối xanh. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tháng 3-2024, tôi hoàn thiện sản phẩm cũng như nhãn mác, bao bì và đưa ra thị trường”.

Chị Bình cũng mạnh dạn ứng dụng hình thức thương mại điện tử để giới thiệu và chào bán sản phẩm bột chuối xanh trên các nền tảng mạng xã hội, kể cả livestream bán hàng. Các đơn đặt hàng ngày một tăng, không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng ra các thị trường khác như: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng... Với giá bán ra 260 ngàn đồng/kg, chị Bình thu về trên 25 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.

nho-su-sang-tao-chi-pham-thi-binh-lang-o-xa-ia-ve-huyen-chu-prong-che-bien-ra-san-pham-bot-chuoi-xanh-mang-thuong-hieu-nam-phucanh-td.jpg
Nhờ sự sáng tạo, chị Phạm Thị Bình (làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) chế biến ra sản phẩm bột chuối xanh mang thương hiệu Nam Phúc. Ảnh: T.D

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Ngọc Cường:Thời gian đến, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”. Đẩy mạnh công tác truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST và chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác liên kết với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nhằm hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp. Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, chuyên gia, các quỹ đầu tư khởi nghiệp để hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp.

Trong 3 năm (2021-2024), tỉnh đã phân bổ gần 46,3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Từ nguồn kinh phí này, các ban, ngành, địa phương đã tổ chức các hoạt động cụ thể như: tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày hội thanh niên khởi nghiệp, ngày hội phụ nữ khởi nghiệp và chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP cho các hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, các đơn vị hỗ trợ một số cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hoạt động TechDemo, Techfest quốc gia và các địa phương; tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp…

Nhờ vậy, “làn sóng khởi nghiệp” đã lan rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng và các cấp chính quyền. Phong trào khởi nghiệp ĐMST được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện nên ngày càng phát triển theo chiều sâu.

cac-san-pham-khoi-nghiep-thu-hut-nguoi-tieu-dung-tai-ngay-hoi-khoi-nghiep-tinh-gia-lai-nam-2024-anh-td.jpg
Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-nhận định: Khởi nghiệp ĐMST đã trở thành xu hướng, phong trào sôi nổi trong cộng đồng, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan và tổ chức xã hội. Các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp tục được triển khai thông qua các hình thức như: hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội về khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất cho thanh niên nông thôn…

Trong giai đoạn 2021-2024, Tỉnh Đoàn đã phối hợp tổ chức 4 cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”. Qua đó đã phát hiện, hỗ trợ 112 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; tổ chức hoạt động tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên, kỹ năng kết nối khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên thông qua chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp”.

“Để hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong đoàn viên, thanh niên phát triển mạnh mẽ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai một số giải pháp như: nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho thanh niên; xây dựng các chuyên mục khởi nghiệp trên các phương tiện truyền thông; giới thiệu các tấm gương, mô hình khởi nghiệp thành công; các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và địa phương; tổ chức nhiều diễn đàn, tọa đàm để hỗ trợ kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp; huy động nguồn lực xã hội và xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp”-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho hay.

Còn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Rơ Chăm H’Hồng thì cho rằng: Khởi nghiệp ĐMST đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

3 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện đã nhận 448 bài dự thi khởi nghiệp. Cấp tỉnh tiếp nhận 283 kế hoạch kinh doanh. Hội đã lựa chọn 11 ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp Trung ương.

Đặc biệt, năm 2023-2024, Gia Lai có ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ đạt giải nhất cấp vùng miền Trung-Tây Nguyên và đạt giải khuyến khích toàn quốc…

Nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của hội viên phụ nữ, các cấp Hội tiếp tục hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên đề, giúp phụ nữ nắm bắt xu hướng công nghệ mới; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của phụ nữ trong khởi nghiệp, tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận cơ hội khởi nghiệp…

“Các hoạt động này không chỉ tiếp thêm động lực, kiến thức để chị em mạnh dạn, tự tin chọn lựa mô hình phù hợp để khởi nghiệp thành công mà còn có ý nghĩa quan trọng để giúp phụ nữ tham gia một cách chủ động vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Ngọc Cường cho biết: Trong 3 năm qua, tỉnh đã tổ chức 3 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, 3 cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và 3 cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng.

Gia Lai có nguồn lực để khởi nghiệp và tỉnh đang từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cộng đồng khởi nghiệp tại địa phương đã dần có sự quan tâm, tìm hiểu thị trường, định hướng khởi nghiệp.

Tuy vậy, phong trào khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: các phong trào khởi nghiệp trong tỉnh còn hoạt động phân tán, thiếu tập trung; mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được hình thành đồng bộ; các dự án khởi nghiệp thiếu vốn để triển khai; thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp; các cơ chế, chính sách quy định định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới công nghệ chưa hoàn thiện…

Có thể bạn quan tâm

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.