Đây là doanh nghiệp xã hội thứ hai tại Gia Lai, mở ra hy vọng về sự lớn mạnh của những doanh nghiệp luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu.
Anh Lê Văn Phúc-Chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky, Phó Trưởng ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam là Giám đốc của doanh nghiệp xã hội này. Theo đó, nhóm từ thiện Fly To Sky sẽ tiếp tục là tổ chức tình nguyện trực thuộc doanh nghiệp với mong muốn trao quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ được tham gia, triển khai, tổ chức các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng.
Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Hàng năm, doanh nghiệp sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu như đã đăng ký.
Trao đổi với P.V, anh Phúc cho biết: Fly To Sky có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng, được quyền huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài với cam kết và mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
Với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, Công ty sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn, tổ chức, thực hiện các dự án, chương trình, chiến dịch, sự kiện cộng đồng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Công ty cũng xây dựng các hoạt động nhân ái, mô hình tình nguyện, dự án, chương trình, chiến dịch tình nguyện vì cộng đồng hiệu quả; triển khai dự án hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn, hỗ trợ các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực điều phối, quản lý các hoạt động vì cộng đồng, kỹ năng sống…
Cụ thể, Fly To Sky sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính: văn hóa-giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội và năng lượng sạch-môi trường bền vững nhằm hành động vì một Việt Nam tương lai “5 không”: không thiếu nước sạch-vệ sinh, không thiếu chăm sóc y tế cơ bản, không thiếu sinh kế, không thiếu giáo dục phổ thông, không thiếu sự hành động mỗi ngày để bảo vệ môi trường.
Anh Phúc chia sẻ, khi có lợi nhuận, Công ty sẽ trích 51% để thực hiện các mục tiêu vì lợi ích cộng đồng. “Trong tương lai, tôi mong muốn có thể đóng góp 100% lợi nhuận sau thuế cho các mục tiêu đã cam kết”-anh Phúc khẳng định.
Trước đó, doanh nghiệp xã hội đầu tiên được cấp giấy chứng nhận tại Gia Lai là Công ty TNHH Xã hội Trung tâm EST Pleiku (phường Phù Đổng, TP. Pleiku).
Ngành nghề kinh doanh của Công ty gồm: bán lẻ sách báo, tạp chí văn phòng phẩm, trò chơi, đồ chơi… trong các cửa hàng chuyên doanh; hoạt động tư vấn quản lý, quảng cáo; điều hành tour du lịch; giáo dục, thể thao và giải trí... Trong đó, ngành nghề chính là dạy ngoại ngữ, kỹ năng đàm thoại, kỹ năng nói trước công chúng.
Anh Tạ Nguyên Minh-1 trong 4 thành viên góp vốn thành lập Công ty cho hay: Trung tâm EST Pleiku ra đời với mục đích góp phần xây dựng các nhiệm vụ giáo dục với tinh thần vừa tự chủ, vừa xã hội hóa mà Nhà nước đang khuyến khích. Một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho học sinh; liên kết với một số doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo nghề, trong đó chú trọng hỗ trợ những em thuộc nhóm yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi rất vui khi biết tin vừa có thêm một doanh nghiệp xã hội ra mắt tại Gia Lai. Mong rằng cộng đồng doanh nghiệp xã hội sẽ ngày càng lớn mạnh để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường”-anh Minh nói.
Gia Lai là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, các nhóm yếu thế (người nghèo, người cao tuổi neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật…) cần hỗ trợ khá nhiều.
Cùng với đó là các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong điều kiện này, sự xuất hiện của mô hình doanh nghiệp xã hội sẽ tích cực hỗ trợ cho Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách bền vững.
Ra đời và hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, các doanh nghiệp xã hội trong cả nước đã khẳng định sự sẻ chia đầy trách nhiệm trước những vấn đề còn tồn tại, cần “đi đường dài” trong việc xử lý, giải quyết rốt ráo. Để mô hình còn khá mới mẻ này được nhân rộng tại Gia Lai, trước hết cần sự thấu hiểu, tiếp đó là hỗ trợ về cơ chế, chính sách.
“Đội ngũ Fly To Sky quyết tâm giữ vững tinh thần của những ngày đầu tiên để tiếp tục là những người trẻ tiên phong, dám làm, dám dấn thân, vẽ tiếp nên bức tranh tử tế vì cộng đồng. Để làm được điều này, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và động viên”-anh Phúc chia sẻ.