Học sử để rèn người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dư luận đang dành nhiều sự quan tâm về thông tin từ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho hay Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với thực tế dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, hiện học sinh lớp 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, lịch sử. Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm ngữ văn, toán, lịch sử, ngoại ngữ.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12), yêu cầu học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, khi triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023, chương trình có sự tranh cãi về môn lịch sử. Cuối tháng 6-2022, Quốc hội yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội trong việc thiết kế môn lịch sử ở chương trình THPT. Giữa tháng 7-2022, Bộ GD-ĐT ra quyết định điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới. Thay vì là môn lựa chọn, lịch sử trở thành môn bắt buộc với 52 tiết mỗi năm ở lớp 10, 11, 12. Về việc kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trong 4 môn thi bắt buộc sẽ có lịch sử, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói mới chỉ là dự kiến, chưa phải là phương án chính thức. Bộ đang cùng các chuyên gia xây dựng, lấy ý kiến góp ý và khi ra được phương án thì sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Dĩ nhiên có nhiều luồng dư luận không muốn đưa môn lịch sử vào môn thi tốt nghiệp THPT, cho rằng không cần thiết và nặng nề; không muốn học lịch sử theo kiểu cũ, nặng hình thức và không hấp dẫn. Nhưng dòng chính của dư luận xã hội vẫn là ủng hộ phương án này. Lâu nay, kiến thức lịch sử của nhiều học sinh THPT bị hổng do định hướng thi đại học theo khối nên bỏ qua môn học này, trong khi đây là môn học quan trọng, góp phần giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, sự biết ơn cùng những bài học sâu sắc về đạo làm người, tình yêu Tổ quốc…

Hiểu lịch sử đất nước sẽ hiểu được những thăng trầm trải 4.000 năm của cha ông với bao hy sinh xương máu, để thấm thía lời dạy của Bác Hồ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Để tự hào với quá khứ hào hùng của dân tộc, để biết sống xứng đáng với cha ông, thế hệ trẻ phải biết về lịch sử. Lịch sử không chỉ gồm các dấu mốc thời gian, các vương triều hay quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, lịch sử còn là nền văn minh, văn hóa, sự phát triển của khoa học và công nghệ...

Nhưng để học sinh yêu thích, chịu học môn lịch sử, cần biên soạn lại giáo trình, sách giáo khoa; cần thay đổi cách dạy và học môn lịch sử, ngắn gọn, dễ hiểu, đề cao tính khách quan, tư duy phản biện… Từ đó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc khát vọng, ý chí dựng xây đất nước hùng cường cho các thế hệ trẻ hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

(GLO)- Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cùng gia đình các em học sinh vừa tạo nên ngày hội thấm đẫm phong vị văn hóa các dân tộc. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc giúp học sinh đến gần hơn với di sản.

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.