Lãng phí sách và sự cần thiết của thư viện dùng chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những điều tiếng về sách giáo khoa (SGK) trong trường học cuối cùng cũng đã có câu trả lời. Với việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Thái-nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 3 bị can khác về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, chiêu trò móc túi người dân của một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu bị bóc gỡ. Xã hội có lý khi đặt lại vấn đề cần khôi phục và phát triển mô hình thư viện dùng chung trong trường học.

Chuyện lãng phí trong việc biên soạn, in ấn và phát hành SGK và các loại sách tham khảo cho học sinh các cấp đã được dư luận xã hội nêu từ nhiều năm qua trên các diễn đàn, báo chí, mạng xã hội. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự gây sốc khi mới đây, Thanh tra Chính phủ cho biết số tiền lãng phí ấy là gần 2.400 tỷ đồng. Đặt trong bối cảnh hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc vì thu nhập không đủ sống trong năm qua và nhiều đứa trẻ nông thôn, miền núi còn phải thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở đến trường mới thấy sự bất nhẫn của tình trạng này. Điều đáng nói là phía sau hai chữ “lãng phí” ấy là câu chuyện lợi nhuận được tính bằng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm của những nhà kinh doanh SGK. Dư luận xã hội ngạc nhiên vì sao chỉ cần một mẹo nhỏ là cho phép học sinh được viết vào sách, các nhà xuất bản đã qua mắt được cơ quan chức năng để biến hơn 300 triệu quyển sách phải vứt bỏ, dù chỉ sử dụng 1 lần và đa phần còn mới.

Đôi bạn cùng lớp Phạm Thảo Nguyên (bìa phải) và Huỳnh Diễm Quỳnh (Trường THPT chuyên Hùng Vương, TP. Pleiku, Gia Lai) thường cùng nhau đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: Hồng Thi

Đôi bạn cùng lớp Phạm Thảo Nguyên (bìa phải) và Huỳnh Diễm Quỳnh (Trường THPT chuyên Hùng Vương, TP. Pleiku, Gia Lai) thường cùng nhau đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: Hồng Thi

Ai cũng thấy đó là một sự lãng phí. Bộ GD-ĐT với rất nhiều chuyên gia, trên tâm thế của người làm giáo dục, lấy hiệu quả giáo dục con người làm mục tiêu tối thượng, cớ sao chẳng chịu nhìn ra? Vì sao với không ít lời kêu ca của người dân, báo chí và cả ý kiến tại nghị trường Quốc hội suốt nhiều năm qua mà tình trạng này vẫn tồn tại và ngày càng công khai, thách thức dư luận, ngang nhiên móc túi dân nghèo?

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền để xây dựng mức giá đăng ký sách sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK; áp dụng tỷ lệ chiết khấu cao bất hợp lý (25%); tăng giá SGK gần 17% dù chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT… khiến học sinh phải mua sách giá cao với tổng số tiền 85 tỷ đồng. Ngay việc đấu thầu cung ứng giấy in với một doanh nghiệp trong nước trong 5 năm liền với tổng giá trị 1.900 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần so với giá nhập khẩu, tương ứng khoản chênh lệch 210 tỷ đồng, cũng là yếu tố khiến giá thành SGK cao một cách vô lý. Việc Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ cho Bộ Công an để điều tra và vụ án ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được khởi tố, 4 bị can bị bắt tạm giam mới đây cho thấy những nghi ngờ “lợi ích nhóm” xung quanh việc in ấn, phát hành SGK là có cơ sở.

Báo chí có nhiều bài phản ánh số tiền lãi kỷ lục từ SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khi cho biết, năm 2021, đơn vị này in hơn 164 triệu quyển SGK, vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó trên 97% là từ hoạt động in ấn và bán SGK; lãi sau thuế đạt gần 290 tỷ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà Bộ GD-ĐT giao. Đây là mức lãi cao nhất từ trước tới nay của đơn vị này, vượt xa lợi nhuận bình quân chỉ 120-150 tỷ đồng những năm trước đó.

Liệu có phải là điều bất hợp lý, thậm chí là bất nhẫn khi con số lãi kinh khủng đó lại có được từ chiêu trò độc quyền sản xuất loại “sách dùng một lần”, mà phụ huynh, học sinh dù muốn hay không cũng phải è cổ ra mua. “Khổ to giấy đẹp” là tốt, nhưng học sinh cần ở SGK những thứ thiết thực hơn thế và với giá cả hợp lý! Nhất là với học sinh nông thôn, miền núi, vùng khó khăn.

Chúng ta vẫn chưa quên Đề án đổi mới SGK 34.000 tỷ đồng từng làm nóng dư luận năm 2014. May mà đề án ấy đã bị tuýt còi! Nếu không, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra!

Bây giờ, cuộc sống khá hơn, gia đình ít con hơn nên phụ huynh có thể mua trọn bộ SGK mới cho con đến trường. Nhưng nếu chỉ dùng 1 lần rồi vứt, trong khi nhiều học sinh còn thiếu thốn sách vở vì nhà nghèo thì là một sự lãng phí không thể chấp nhận được. Không chỉ là lãng phí tiền bạc, mà đó còn là đạo đức!

Mô hình thư viện dùng chung, học sinh có thể mượn sách để học rồi trả lại như cách mà chúng ta đã từng làm mấy mươi năm trước đâu rồi? Khuyến khích phong trào tặng sách đã qua sử dụng 1 lần, đưa sách về nông thôn, miền núi giúp học sinh nghèo được đọc sách và có sách để học tập. Tại sao không?

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai có 205/282 trường trung học đăng ký xây dựng thư viện đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc. Điều đó là rất đáng làm nhằm hình thành những thư viện dùng chung trong trường học để sách thực sự phát huy vai trò mang tri thức đến với học sinh.

Xin hãy bắt đầu cho mục tiêu lớn từ một việc làm nho nhỏ là mở cuộc vận động tặng những cuốn sách đã sử dụng 1 lần và hầu như còn mới nguyên cho thư viện trường học, nhất là với những địa bàn nông thôn, miền núi mà phụ huynh, học sinh còn nhiều khó khăn.

Có thể bạn quan tâm