Nghề lặt hoa, cắt cành thu tiền triệu sau Tết, muốn thuê phải đặt trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nếu như những ngày trước Tết người trồng mai tất bật với công việc lặt lá để mai đồng loạt trổ hoa đúng vào dịp Tết thì những ngày sau Tết, nhà vườn lại tiếp tục tất bật với công việc lặt bỏ bông mai. Đây cũng là thời điểm để nhiều lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập từ công việc này.

Lặt hoa, thu tiền triệu

Ghi nhận tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, thời điểm này, các vườn mai đang tập trung thuê nhân công để thực hiện các công việc lặt bông mai, cắt tỉa cành để cây không mất sức sau thời gian trổ bông.

Công việc này thường được các đội lặt mai phụ trách, mỗi đội có từ 10 đến 20 người, tùy vào vườn mai nhiều ít mà có sự phân công cho phù hợp. Hiện tại, công việc lặt bỏ bông mai được trả tiền công với mức 250.000 đồng/ngày đối với lao động nữ và 350.000 đồng/ngày đối với lao động nam.

Nhiều lao động có thêm thu nhập tiền triệu từ việc lặt bỏ bông mai sau Tết. Ảnh: Thanh Thanh

Nhiều lao động có thêm thu nhập tiền triệu từ việc lặt bỏ bông mai sau Tết. Ảnh: Thanh Thanh

Gần 10 năm gắn bó với nghề lặt mai, chị Phan Thị Lệ Quyên (ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, thành viên của đội lặt mai) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ những ngày giáp Tết thì mấy anh chị em trong đội tập hợp lại làm công việc lặt lá mai, ăn Tết xong thì tiếp tục làm công việc lặt bông mai. Công việc này chỉ làm trong mười bữa nửa tháng là xong, hết đợt là anh em mạnh ai nấy về nhà làm các công việc khác.

“Thấy ít ngày vậy chứ làm hết đợt mỗi người cũng bỏ túi được vài triệu đồng sắm sửa cho gia đình, vừa vui trong mấy ngày xuân lại vừa có tiền”, chị Quyên chia sẻ.

Cũng đã hơn 5 năm làm công việc lặt mai, anh Nguyễn Văn Tám ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung, chia sẻ: “Công việc này thấy đơn giản chứ cũng đòi hỏi có sự khéo léo. Bởi cây mai người chủ rất quý. Mình phải cẩn thận lặt bông, lặt lá làm sao cho cây còn nguyên vẹn không bị gãy cành, gãy nhánh. Có như vậy thì năm sau người ta mới kêu mình làm nữa”.

Anh Tám thông tin thêm, công việc này cũng không dễ dàng vì có nhiều cây mai rất to và cao, phải bắc giàn giáo lên mới lặt hết được. Khâu này thường người nam sẽ làm. Có những cây mai to phải đứng trên cao giữa trời nắng lặt cả ngày mới xong. Người nào sợ độ cao hay có bệnh thường được ưu tiên cho lặt lá ở dưới thấp để an toàn.

Đặt trước mới có người làm

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mai Vàng ở thành phố Sa Đéc cho biết, tại câu lạc bộ có gần 200 cây mai lớn nhỏ khác nhau. Trước Tết, câu lạc bộ phải thuê gần 20 người lặt đến mấy ngày mới xong. Sau Tết, câu lạc bộ tiếp tục thuê các đội lặt mai đến lặt bỏ bông để cây không mất sức.

“Mình phải đặt trước mới có đủ người làm. Nếu không, phải chờ đến khi nào các đội này làm xong ở các vườn mai kia mới tới lượt mình do ngày Tết rất khan hiếm nhân công. Nhờ có mấy đội lặt mai này mà nhà vườn cũng đỡ lắm! Nhất là mấy đội làm lâu năm với mình thì rất yên tâm vì họ đã có kinh nghiệm làm thì sẽ nâng niu cành lá, không để ảnh hưởng đến cây mai của mình”, anh Tuấn cho biết.

Công việc lặt bỏ bông mai sau Tết tuy đơn giản nhưng muốn thuê chưa chắc có người làm nếu không đặt trước. Ảnh: Thanh Thanh

Công việc lặt bỏ bông mai sau Tết tuy đơn giản nhưng muốn thuê chưa chắc có người làm nếu không đặt trước. Ảnh: Thanh Thanh

Theo anh Tuấn, trồng mai thấy đơn giản chứ cũng khá vất vả và rất công phu. Ngay sau Tết, thuê lặt bông xong lại bắt đầu thuê người cắt tỉa, thâu tàn, vô phân, thay chậu… chuẩn bị cho cây mai đẹp trưng Tết năm sau.

Các nhà vườn tại Sa Đéc cho biết, thông thường những đội nhận công việc lặt lá mai trước Tết sẽ được chủ vườn đặt hàng làm luôn công việc lặt bỏ bông sau Tết. Việc lặt bông mai đơn giản và dễ hơn so với việc lặt lá mai do không đòi hỏi tỉ mỉ, chỉ cần lặt sạch bông trên cây là được.

Riêng đối với công việc cắt tỉa, thâu tàn cho cây mai thì đòi hỏi những người có tay nghề về tạo dáng cây cảnh và mức tiền công cũng khá cao. Thông thường từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày và thông thường phải đặt trước vì đây là công việc diễn ra trong thời gian ngắn.

Có thể bạn quan tâm

Giảm giờ làm: Cần cả lý và tình

Giảm giờ làm: Cần cả lý và tình

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.