Ngôi làng giữa thâm sơn cùng cốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh Kon Chư Răng, ngôi làng Kon Jrăng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) với 17 hộ người Bahnar gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Làng Kon Jrăng nằm lọt thỏm trong một thung lũng, được bao bọc bởi bốn bề rừng núi âm u, tĩnh mịch, cách trụ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng hơn 10 km. Con đường dẫn đến làng chỉ là lối mòn luồn lách dưới tán cây rừng. Khi trời mưa xuống, đường lầy lội, trơn trượt, khó có thể đi được. Muốn đến được làng chỉ còn cách lội bộ qua suối Đục và suối Đá.
Sau gần 3 giờ vật lộn, chúng tôi cùng cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cũng đến được ngôi làng khi trời ngả về trưa. Trước mắt chúng tôi là một thung lũng bằng phẳng với thảm cỏ xanh mượt, những căn nhà sàn lưa thưa nhấp nhô, xiêu vẹo. Thoạt nhìn tưởng cuộc sống nơi đây thật yên bình và thơ mộng. Nhưng đi sâu tìm hiểu kỹ mới thấy, đằng sau nó lại là cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu. Vì giao thông cách trở, mọi giao thương của người dân với bên ngoài đều hạn chế.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh A Lấp (SN 1949) cho biết: Gia đình ông đã có 3 thế hệ sinh sống tại ngôi làng này. Trước giải phóng, ông A Lấp theo cha mẹ vào trong này làm rẫy. Đến năm 1978 thì chuyển ra làng mới Hà Lâm (xã Sơn Lang) sinh sống. Dù vậy, ông vẫn thường xuyên vào làng cũ cùng 2 người con để chăn nuôi, làm nương rẫy và thu hái lâm sản phụ. “Mong ước lớn nhất của người dân ở đây là có một con đường để đi lại, kết nối với bên ngoài. Bởi lẽ, người dân dù có chăm chỉ chăn nuôi, trồng trọt thì sản phẩm cũng khó vận chuyển ra ngoài để bán cho được giá”-ông A Lấp tâm sự.
Ông Đinh A Lấp chia sẻ cùng phóng viên về cuộc sống của những hộ dân trong làng. Ảnh: Hà Phương
Ông Đinh A Lấp chia sẻ cùng phóng viên về cuộc sống của những hộ dân trong làng. Ảnh: Hà Phương
Ông Đinh Văn Uy-Trưởng thôn Hà Lâm cũng từng nhiều năm sinh sống tại làng Kon Jrăng. Ông cho biết, các hộ dân nơi đây đều thuộc diện nghèo, việc trao đổi hàng hóa hầu như không có. Bà con sống chủ yếu tự cung tự cấp. Đêm xuống, làng Kon Jrăng chìm vào bóng tối tĩnh mịch giữa núi rừng thâm u. Gặp trời mưa kéo dài không thể ra ngoài được, con cháu họ bên ngoài phải mua thực phẩm mang vào tiếp tế.
“Nhưng có lẽ, nỗi khiếp sợ nhất đối với người dân nơi đây chính là những lúc đau ốm, bệnh tật. Gặp trường hợp như thế, dân làng phải dùng võng khiêng băng rừng để ra Trạm Y tế xã hay Trung tâm Y tế huyện điều trị. Nhiều người bệnh vì mất quá nhiều thời gian di chuyển nên không thể cứu chữa kịp thời. Cuộc sống rất khó khăn, nhiều lần mình vận động bà con ra ngoài sinh sống nhưng họ chưa nghe”-ông Uy chia sẻ.
Khu vực 17 hộ dân sinh sống hiện nay. Ảnh: Hà Phương
Khu vực 17 hộ dân làng Kon Jrăng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) sinh sống hiện nay. Ảnh: Hà Phương
Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-cho biết: Từ năm 2005, Ban Quản lý phối hợp với chính quyền xã Sơn Lang thông báo, vận động, tuyên truyền người dân sống tại khu vực này không phá rừng làm rẫy, chỉ được trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, giúp bà con đảm bảo cuộc sống. Ban Quản lý cũng hỗ trợ phần nào để người dân tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. “Hiện nay, tất cả 17 hộ dân trong làng đều nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài ra, bà con còn trồng thêm lúa, bắp và chăn nuôi trâu, bò”-ông Ty cho hay. Diện tích khoán của Ban dành cho bà con ngày càng tăng. Hiện người dân nhận khoán bảo vệ gần 1.500 ha rừng với thù lao 400 ngàn đồng/ha/năm. 
Theo ông Lê Quý Truyền-Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, làng Kon Jrăng hình thành từ những năm 1967-1968. Trong đó, nhiều hộ dân từ xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đến đây sinh sống. Sau đó, một số hộ di chuyển về làng Hà Lâm và làng Điện Biên bây giờ. Hiện cư dân trong làng chủ yếu là người lớn tuổi. “Nhiều lần xã tổ chức họp dân vận động đưa các hộ ra khỏi rừng. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chưa muốn di dời ra ngoài. Một phần vì đã làm ăn, sinh sống lâu năm, phần nữa là họ không muốn rời xa đất ông cha để lại”-ông Truyền lý giải.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.