Gia Lai khan hiếm lao động thu hoạch cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đang bước vào cao điểm thu hoạch cà phê. Người trồng cà phê không chỉ đối diện với mất mùa, mất giá mà còn gặp khó trong việc tìm kiếm lao động để thu hái.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giá thuê nhân công thu hái cà phê từ 180 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/ngày, cao hơn 20-40 ngàn đồng/ngày so với niên vụ trước. 
Nhà có gần 3 ha cà phê đã chín đỏ nhưng bà Nguyễn Thị Điệu (làng O Sơr, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) phải mất gần cả tháng mới tìm được 12 lao động về hái. Bà Điệu cho biết: Năm nay, việc tìm lao động thu hoạch cà phê rất khó khăn. Thời điểm này năm trước, nhân công từ các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi lên hái cà phê thuê khá nhiều. Tuy nhiên, năm nay do tình hình bão lũ nên lao động ở nhà lo khắc phục hậu quả.
Tại các vùng trọng điểm cà phê như: Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh... nhiều chủ vườn phải chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm lao động. Anh Nguyễn Văn Vương (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) cho hay: “Đầu mùa thu hoạch, tôi có gọi nhân công ở huyện Phú Thiện và tỉnh Bình Định nhưng họ từ chối. Vì vậy, vợ chồng tôi phải thu hoạch dần”.
Không thuê được lao động nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) đành phải tự thu hái cà phê. Ảnh: Khánh Phong
Không thuê được lao động nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) phải tự thu hái cà phê. Ảnh: Khánh Phong
Ông Rơ Lan Gien-Chủ tịch UBND xã Bình Giáo (huyện Chư Prông) thông tin: “Nhiều hộ tìm không ra lao động nên phải tự lo liệu. Đơn cử như gia đình ông Ngô Văn Sơn có gần 2 ha cà phê đã chín mà thuê không được lao động. Nếu để lâu không hái thì vừa ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê lại vừa ảnh hưởng đến vườn cây và việc sản xuất cho vụ sau”.
Hiện tại, nhiều hộ trồng cà phê phải đến các chợ lao động để tìm người. Ông Ngô Văn Dũng (thôn 3, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) nói: “Vườn cà phê hơn 2.000 cây của tôi đã chín đỏ nhưng không có người thu hoạch. Vài ngày nay, tôi liên tục ra thị trấn để tìm lao động nhưng không có. Đối với lao động là đồng bào tại chỗ, tôi tìm đỏ mắt cũng không có người”.
Ông Trần Xuân Hường (thôn Văn Mỹ, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho biết: Để thu hoạch 1 ha cà phê thì cần ít nhất 30 ngày công. Hộ nào có từ 2 đến 4 ha thì bình quân phải thuê thêm từ 8 đến 10 lao động/ngày để thu hoạch cho kịp thời vụ.
Ông Trần Khắc Hà-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp-Dịch vụ liên kết xã Ia Bă (huyện Ia Grai) cho biết: “Dịp này những năm trước, lao động từ các nơi đổ về rất đông. Tuy nhiên, 3 năm nay xảy ra tình trạng khan hiếm nhân công hái cà phê. Chính vì thiếu nên người làm công thường đòi hỏi nhiều và nâng giá công lao động”.
Trước tình trạng khan hiếm lao động hái cà phê, nhiều hộ đang vận động vần đổi công cho nhau để thu hoạch cho kịp thời vụ. Đây cũng là một trong những giải pháp mà chính quyền địa phương khuyến khích người trồng cà phê thực hiện trong lúc này.
KHÁNH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.