Chuyện học bên dãy Lơ Pang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nép mình dưới dãy núi Lơ Pang hùng vĩ, điểm trường làng A Lao thuộc Trường Tiểu học Lơ Pang (huyện Mang Yang) có 147 học sinh, chủ yếu là người Bahnar. Điểm trường này nằm cách trường chính khoảng 10 km. 
Qua vài con dốc quanh co trên con đường nhựa phẳng lỳ, điểm trường hiện ra trước mắt. Đó là 1 dãy nhà với nhiều phòng học xây dựng kiên cố và 1 ngôi nhà tạm bằng gỗ. 
Gần 7 giờ, nhà trường chuẩn bị làm lễ chào cờ đầu tuần nhưng còn thiếu nhiều học sinh nên đành lùi lại. Các giáo viên đến tận nhà chở học sinh đến trường. Có em ngồi phía sau xe thầy cô đến lớp mà miệng còn ngáp ngắn ngáp dài. Cô Vũ Thị Hợi-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lơ Pang-chia sẻ: “Cuộc sống còn khó khăn nên phụ huynh ở đây chưa chú trọng nhiều đến việc học hành của con cái. Để duy trì sĩ số, hàng ngày, giáo viên phải thay phiên vào làng chở các em đến trường. Nếu không chở, các em ở nhà chơi hoặc theo bố mẹ lên rẫy. Ngoài ra, chúng tôi còn vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách vở, quần áo cho các em. Nhờ vậy mà tỷ lệ duy trì sĩ số hàng năm ở điểm trường luôn đạt hơn 90%”.
Điểm trường làng A Lao. Ảnh: N.T
Điểm trường làng A Lao. Ảnh: N.T
Cô Lê Thị Dũng-giáo viên chủ nhiệm lớp 2C-tiếp lời: “Đa phần học sinh ở điểm trường là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Có em quanh năm chỉ có 2 bộ đồ mặc thay phiên. Mùa lạnh cắt da cắt thịt mà các em cũng chỉ mặc chừng đó quần áo. Nhìn các em tím tái vì lạnh, thương lắm. Học sinh ở đây ăn uống cũng thiếu thốn, đa phần ăn cơm trắng với rau rừng, cá khô. Việc học của các em do vậy cũng chưa được gia đình chú trọng”.
Điểm trường A Lao hiện có 147 học sinh chia làm 6 lớp. Học sinh đông nên thiếu phòng học, nhà trường bàn với phụ huynh làm thêm một ngôi nhà tạm để có nơi dạy và học. Chỉ tay về ngôi nhà tạm ấy, thầy Chhoi-giáo viên chủ nhiệm lớp 2D-bộc bạch: “Nhà này được dựng cách đấy mấy năm rồi. Lớp do tôi chủ nhiệm có 20 học sinh. Vì nhà tạm nên mùa nắng nóng nực, mưa thì dột, lạnh buốt. Thực ra, nếu học 2 ca thì không phải học ở nhà tạm này đâu, có điều nếu chia ca thì việc duy trì sĩ số của trường rất khó khăn. Phụ huynh và học sinh ở làng chỉ muốn học buổi sáng thôi, chiều đi rẫy”.
Một tiết học ở điểm trường làng A Lao (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: N.T
Một tiết học ở điểm trường làng A Lao (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: N.T
Ngoài việc thiếu phòng học, cơ sở vật chất ở điểm trường đã có dấu hiệu xuống cấp; thiếu nước sạch để dùng; sân trường chưa được đổ bê tông. Trước đây, huyện cấp kinh phí để khoan cho điểm trường một cái giếng. Tuy nhiên gặp đá bàn nên phải dừng lại. Nhiều năm nay, thầy và trò phải dùng nguồn nước tự chảy dẫn từ trên đỉnh núi về nhưng đến mùa khô thì thiếu trầm trọng. Sân trường chưa được đổ bê tông nên lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vĩnh Hoàng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang-cho biết: “Để có đủ phòng học, nhà trường phải tận dụng ngôi nhà bằng tôn do phụ huynh và nhà trường cùng làm. Chúng tôi đã đề xuất huyện xây dựng thêm 1 phòng học mới thay thế cho ngôi nhà tạm bằng tôn nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở điểm trường này”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.