Nỗ lực giữ rừng giáng hương trăm tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những cây gỗ giáng hương (nhóm I) có tuổi đời hàng trăm năm sừng sững giữa đại ngàn. Đây là quần thể gỗ quý hiếm hoi và có nhiều ý nghĩa còn sót lại đang ngày đêm bị lâm tặc nhòm ngó. Bảo vệ loài gỗ quý hiếm này vốn rất cam go nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai đủ mọi cách để gìn giữ báu vật này cho mai sau.

 

 Những cây gỗ giáng hương cổ thụ ở huyện Kbang
Những cây gỗ giáng hương cổ thụ ở huyện Kbang



Rừng cổ thụ vô giá

Khu rừng ở xã Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa) là nơi hiếm hoi còn giữ được quần thể giáng hương cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm. Trong thời điểm gỗ giáng hương ngày càng cạn kiệt thì sự tồn tại của quần thể này sẽ là nơi góp phần bảo tồn nguồn gien quý hiếm. Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, hiện đơn vị quản lý trên 7.800ha rừng. Qua thống kê, xác định trên lâm phần hiện có 410 cây giáng hương cổ thụ, trong đó có rất nhiều cây có đường kính gốc hơn 1m với tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Số cây giáng hương này phân bố rải rác trên một dãy núi ở 9 tiểu khu. Nơi tập trung nhiều cây giáng hương nhất là cánh rừng ở gần làng Vir với khoảng 150 cây, tiếp đến là núi gần làng Hro với 40 cây…

Trên chiếc xe máy độ chế, chúng tôi băng cắt qua những cánh rừng già ở làng Vir. Di chuyển qua làng Vir tầm 3km, những cây gỗ giáng hương lần lượt hiện ra. Tại khu vực bên mép núi, một nhân viên bảo vệ rừng lấy tay gõ vào thân cây gỗ khổng lồ rồi khoe, đây là cây gỗ giáng hương với tuổi đời hơn trăm năm. Cây gỗ này có đường kính gốc hơn 1m, thân dài khoảng 35m, mọc thẳng tắp, lá đã rụng hết. “Lá rụng không phải cây chết đâu, mà do đến mùa này thì giáng hương rụng lá”, người đi cùng giải thích.

Tiếp tục leo lên đỉnh núi, chúng tôi ghi nhận gỗ giáng hương cổ thụ mọc xen kẽ bên đường, trong các đường xương cá, hay mỏm núi, khe suối. Có cây gỗ giáng hương với đường kính 4 người ôm không xuể. “Giáng hương thuộc nhóm I. Gỗ này bền, ít nứt, màu gỗ đẹp, có mùi thơm. Tính theo giá thị trường, một cây giáng hương cổ thụ như thế này phải mua bằng tiền tỷ. Gia Lai chỉ còn rừng hương cổ thụ này thôi. Cũng vì quý nên lâm tặc cứ nhòm ngó, điều này càng gây áp lực cho công tác bảo vệ rừng”, nhân viên bảo vệ rừng đi cùng nói.

Sau 3 giờ lội rừng, đoàn đã “dẫn tận nơi, chỉ tận gốc” hàng chục cây gỗ giáng hương cổ thụ đã được lập danh sách để theo dõi. Điều đáng nói, trong suốt hành trình ghi nhận quần thể gỗ hương cổ thụ, chúng tôi bắt gặp chi chít cây giáng hương con khác mọc khắp nơi. “Hạt những cây giáng hương cổ thụ này rơi xuống và mọc lên cây con. Vì thế, quần thể gỗ giáng hương cổ thụ chính là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gien quý của loại gỗ này. Nếu rừng này được bảo vệ tốt, giáng hương con sẽ sinh sôi rất nhiều”, ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang nói.

Quyết tâm giữ rừng

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị rất mỏng, chỉ có 22 người. Do đó, để bảo vệ rừng, công ty đã thành lập 9 chốt ở trong rừng, rồi phân công 19/22 nhân viên bảo vệ rừng vào ăn ngủ để canh giữ gỗ giáng hương, còn 3 người khác làm nhiệm vụ quản lý trên toàn lâm phần chung. Bên cạnh đó, đơn vị còn hợp đồng khoán bảo vệ với 83 hộ dân gần rừng để họ cùng đơn vị bảo vệ.

Còn theo ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, chính vì rừng giáng hương cổ thụ vô cùng quý hiếm nên những năm qua, lâm tặc đã tìm đủ mọi cách để khai thác trộm. Chúng dùng mọi thủ đoạn để hăm dọa, thậm chí đâm chém cán bộ bảo vệ rừng. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách vừa thiếu vừa yếu. Đồng lương lại thấp, áp lực lớn, nên không thu hút người lao động có chuyên môn vào. Thậm chí có nhiều người mới vào làm việc nhưng không chịu nổi áp lực như bị đe dọa… thì bỏ việc.

“Dù khó nhưng ngành chức năng không bỏ cuộc mà rất quyết tâm bảo vệ. Đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Huyện ủy, UBND huyện Kbang thường xuyên có những chỉ đạo để tăng cường giám sát, sàng lọc, kiên quyết loại bỏ những người thiếu tinh thần trách nhiệm, hay có dấu hiệu câu kết với lâm tặc. Đồng thời, trong các vụ án thì có sự chỉ đạo, xem xét trách nhiệm hình sự có hay không thiếu sự tinh thần trách nhiệm… Huyện ủy, UBND huyện cũng chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, đẩy đuổi những đối tượng lạ mặt, không có nguồn gốc ra khỏi địa bàn… Riêng Hạt phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp theo dõi địa bàn xã Krong, thường xuyên phối hợp với đoàn liên ngành huyện, đội cơ động, lực lượng xã cùng tuần tra bảo vệ. Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung xây dựng mạng lưới thông tin ở cơ sở nên có nhiều vụ đã truy bắt được đối tượng vi phạm”, ông Hà cho biết.

Theo HỮU PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.