Mùa bướm vàng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nơi tôi định cư là căn nhà nhỏ và mảnh vườn lớn ở ngoại ô. Hàng năm, cứ khoảng trung tuần tháng 3, cảnh sắc được tô điểm bởi những đàn bướm kéo về, cánh mỏng với sắc vàng xanh, nhỏ thôi nhưng nhanh lắm, lượn lờ quanh cây cỏ, ríu rít đùa giỡn với hoa đủ sắc đang vào kỳ thụ phấn. Ba cây sơ ri trước nhà dường như đã biến hình với màu hồng phai của hoa và cánh vàng của bướm chen lẫn nhau. Có lúc cả một khoảnh sân dày đặc sắc vàng. Chúng sà xuống những chỗ có độ ẩm, chen chúc tạo từng mảng cỏ lạ lung liêng, xôn xao lay cánh thật ngoạn mục. Tôi có thể ngồi hàng giờ dưới hiên thưởng thức không chán cảnh tượng ấy.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Năm nay, đến giờ cũng đã thấy bướm vàng nhưng xem chừng còn thưa thớt với vài đôi cánh chập chờn cuối vườn. Tôi biết không chỉ riêng mình có tâm trạng chờ đợi ấy. Nhiều người cũng đang mong chờ để được chứng kiến một hiện tượng hàng năm đã trở thành bản sắc của Tây Nguyên. Có người bảo, bướm sẽ sinh sâu chỉ tác hại cho cây trồng, mong làm gì! Nhưng thực ra loại bướm này chỉ đẻ trứng trên cây muồng đen có nhiều trên khắp Gia Lai và Tây Nguyên. 3 năm làm vườn, trồng hoa, tôi không thấy loài bướm này đẻ trứng sinh sâu trên các cây trong vườn nhà. Vì chỉ chọn cây muồng nên chúng còn được gọi là bướm sâu muồng. Sau khi trứng nở, sâu ăn lá có khi trụi hẳn, cây muồng chỉ còn trơ cành, ít lâu thì sâu tạo kén, chờ thoát xác mà thành hàng triệu cánh bướm vàng mong manh. Chúng háo nước lắm, gặp chỗ ướt, ven sông, suối hay một khoảnh vườn vừa được tưới đẫm là cả đàn sà xuống tạo nên hình ảnh như đã nói, làm ngẩn ngơ khách lạ. Dân chụp ảnh chỉ cần chuẩn bị máy sẵn sàng, xua một cái, đám bướm cất cánh dày đặc một khoảng không là có ngay những shoot hình độc đáo.
Còn chuyện nhộng của bướm sâu muồng là một món đặc sản ẩm thực của Tây Nguyên thì không phải ai cũng biết. Báo Gia Lai cách đây 2 năm cũng đã có bài viết giới thiệu món này rất chi tiết. Người Đak Lak bảo đặc sản này là của riêng người Ê Đê, nhưng giờ phổ biến rồi, được không ít nhà hàng ghi trang trọng trong thực đơn. Nên nhớ món này không phải lúc nào cũng sẵn mà chỉ xuất hiện trước mùa bướm vào tháng 3 hàng năm. Ăn được coi bộ hơi khó vì dù gì cũng là... sâu, nhưng đã thử qua thì ghiền, thành món đưa cay rất tới. Nhộng sâu muồng lọt top 5 món ăn từ sâu ngon và bổ dưỡng gồm: nhộng tằm, đuông dừa, ong, ve sữa và sâu muồng.
Hôm qua, có việc ra đường, tôi đã thấy từng đôi bướm dập dìu trên những con đường như Lê Duẩn, Hùng Vương, nhưng cảnh tượng hàng triệu cá thể nhuộm vàng không gian vẫn chưa xuất hiện. Hy vọng chỉ là trễ hẹn, Pleiku vẫn chờ đấy nhé!
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.