Pleiku: Xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (9/9 xã đều đạt chuẩn), UBND TP. Pleiku tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tập trung xây dựng làng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Mục tiêu mà thành phố đặt ra trong năm 2019 là các làng đồng bào dân tộc thiểu số như: Brel (xã Biển Hồ), Wâu (xã Chư Á), Nhao 2 (xã Ia Kênh) sẽ trở thành làng NTM kiểu mẫu.
Còn nhiều khó khăn
Làng Nhao 2 đăng ký thực hiện mô hình điểm làng NTM kiểu mẫu trong năm 2019. Hiện nay, làng còn nhiều tiêu chí thành phần chưa đạt. Trong đó, các tiêu chí tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo chỉ mới đạt 50%; tiêu chí giao thông đạt 60%; còn lại tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và bình đẳng giới lần lượt đạt 80% và 90%. Theo  bà Phan Hồng Thúy-công chức Tư pháp xã Ia Kênh, Bí thư chi bộ làng Nhao 2, đối với tiêu chí giao thông, đường trục làng và đường liên làng chỉ mới cứng hóa khoảng 30%; đường nội làng sạch, không lầy lội vào mùa mưa đạt 60%. Do đó, để hoàn thành tiêu chí thành phần này, xã đang triển khai đầu tư một số tuyến đường liên làng; lắp đặt cống thoát nước ở một số tuyến đường hư hỏng, lưu thông còn khó khăn (dài 1.800 m) theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.  
Đối với tiêu chí giáo dục và đào tạo, hiện nay, làng Nhao 2 chỉ có khoảng 20% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên. Do vậy, bà Thúy cho rằng, thành phố cần có định hướng mở lớp đào tạo nghề và tạo việc làm thì mới thu hút được số học sinh này tiếp tục học trung cấp nghề, cao đẳng. Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, làng chưa có mô hình phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. “Chúng tôi đang đề xuất Phòng Kinh tế lựa chọn một số hộ để triển khai làm điểm mô hình trồng rau, bắp hoặc mô hình sản xuất khác mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân học tập”-bà Thúy cho biết.
  Ông Thiên-Trưởng thôn Brel, xã Biển Hồ vận động gia đình chị HLach tích cực phát triển kinh tế.   Ảnh: M.N
Ông Thiên-Trưởng thôn Brel, xã Biển Hồ vận động gia đình chị HLach tích cực phát triển kinh tế. Ảnh: M.N
Trong khi đó, ông Thiên-Trưởng thôn Brel thì thông tin: Brel là làng thuần nông, có 100 hộ với 500 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa được chú trọng. Thu nhập của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Làng hiện còn một số tiêu chí chưa đạt và đang nỗ lực hoàn thành trong năm 2019. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người trong làng năm 2018 là 28 triệu đồng; làng còn 6 hộ nghèo với 33 khẩu, chiếm 6%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ mới đạt 69%. Làng cũng cần bê tông hóa 1.498 m đường để hoàn thành tiêu chí giao thông.
Đối với làng Wâu, qua đánh giá thì cũng còn một số tiêu chí chưa đạt như: thu nhập, hộ nghèo, y tế, hệ thống chính trị và bình đẳng giới. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người theo bộ tiêu chí làng NTM còn cao so với thu nhập bình quân thực tế tại làng; tỷ lệ hộ nghèo còn trên 5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế dưới 85%...
Nỗ lực về đích trong năm 2019
Theo bà Đặng Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, để xây dựng làng Brel trở thành làng NTM kiểu mẫu, Đảng ủy phân công nhiệm vụ cho Mặt trận và các đoàn thể xã cùng hệ thống chính trị tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong năm 2019. Đối với tiêu chí trường học, xã đã kiến nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku hỗ trợ thêm trang-thiết bị dạy và học cho điểm trường làng Brel như: bàn ghế học sinh, đồ dùng học tập, sơn sửa lại tường... Ủy ban nhân dân TP. Pleiku, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể xã đã hỗ trợ bò sinh sản cho 4 hộ nghèo (mỗi hộ 1 con) và tập trung giúp các hộ này thoát nghèo, đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo của làng giảm xuống dưới 2%. Xã cũng chủ động phối hợp với Ban Công tác Mặt trận làng Brel vận động bà con đóng góp, huy động nguồn hỗ trợ để sửa lại cổng làng, đầu tư trang trí hội trường nhà văn hóa nhằm hoàn thành tiêu chí thành phần về thiết chế văn hóa; tập trung phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; nâng thu nhập bình quân đầu người từ 28 triệu đồng lên 38 triệu đồng/năm.

Ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku: “Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể sẽ tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, phát triển kinh tế hộ gia đình, mở rộng ngành nghề, tạo việc làm. Tiếp tục vận động người dân nâng cấp nhà cửa, cải tạo sân vườn, tường rào và các công trình vệ sinh; đảm bảo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở các làng để thực hiện thành công làng NTM kiểu mẫu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Để triển khai xây dựng mô hình làng NTM kiểu mẫu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, năm 2018, UBND TP. Pleiku đã tập trung xây dựng làng Wâu, làng Brel trở thành làng NTM; chỉ đạo các phường, xã còn lại lựa chọn 1 làng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng làng NTM kiểu mẫu. Từ năm 2019 trở đi, việc xây dựng làng NTM sẽ gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao; hàng năm tổ chức đánh giá, rà soát để điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện phát triển và tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, năm 2018, UBND TP. Pleiku đã hỗ trợ làng Brel 500 triệu đồng mua 1 bộ cồng chiêng, sửa chữa nhà rông, làm sân bóng chuyền, đường giao thông nông thôn; hỗ trợ làng Wâu 500 triệu đồng xây dựng khu thể thao. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn thực hiện chương trình khuyến nông, thành phố đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho 54 hộ dân của 2 làng để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Cụ thể, mô hình trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp tại làng Brel có quy mô 6 ha với 30 hộ tham gia; mô hình tưới tiết kiệm nước cho rau tại làng Wâu có quy mô 8 sào với 6 hộ thực hiện; mô hình nuôi bò sinh sản cho 18 hộ tại 2 làng.
Ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-khẳng định: Quá trình triển khai xây dựng làng NTM kiểu mẫu ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã giúp cải thiện đời sống người dân, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng như: điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đường giao thông nông thôn; người dân được hỗ trợ con giống, cây trồng để phát triển kinh tế. Phần lớn người dân phấn khởi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi.
Theo ông Quang, để hoàn thành việc xây dựng làng NTM kiểu mẫu trên địa bàn TP. Pleiku, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể các địa phương trên cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nhằm giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng làng NTM kiểu mẫu, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.