Chân tình với phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi sinh ra và lớn lên tại Pleiku, một Pleiku phố thâm trầm giữa núi đồi cao nguyên chênh chếch gió. Dạo trước, tôi vẫn thường mê mải những cuộc đi xa, say đắm những miền đất lạ. Cho đến khi quay về, mới ngỡ ngàng nhận ra: chính quê hương mình mới là xứ sở bình yên nhất.
Phố núi dù ngày mưa hay tháng nắng đều mang lại những cảm xúc rất riêng. Chính điều này đã khiến cho mỗi vị khách phương xa từng ghé thăm nơi đây đều lần lữa, chẳng muốn rời bước đi. Pleiku hiếm có ngày rét căm căm. Mùa này, tiết trời lành lạnh pha chút se sắt của ngọn gió đổi mùa khiến cho cảm giác ngồi đợi ai đó trong một quán cà phê quen thuộc càng trở nên thi vị. Một mình “nhấm nháp” tờ báo sớm và thưởng thức cốc cà phê chính là cái thú của những người đã lỡ “nghiện” cà phê phố. Lúc ấy, dường như việc chờ đợi một người chỉ còn là cái cớ. Và để thấy rằng: ngày cuối đông đang trôi thật chậm trong giọt cà phê còn sánh lại nơi đáy cốc.
  Một con hẻm có hàng thông cổ thụ ở TP. Pleiku. Ảnh: D.L
Một con hẻm có hàng thông cổ thụ ở TP. Pleiku. Ảnh: D.L
Tôi chưa bao giờ đếm phố mình có bao nhiêu ngõ nhỏ. Chỉ biết khi nắng ấm đã hôn lên những ngõ nhỏ mơ màng ấy, hàng cây đầm đìa sương gò mình lên màu thời gian son sắt, người ta lại rạng ngời trong tà áo mới, đôi môi rung lên nụ cười hồn nhiên nhất, ai ai cũng tươi tắn đến lạ thường. Trong khoảng trời lao xao đó, con người muốn tìm nhau, muốn chờ đợi để nói cùng nhau những lời chân thật. Rồi họ cảm ơn đất trời đã cho họ được gặp nhau giữa phố. Đôi khi, tôi cũng muốn ở lại với người tôi yêu thương giữa lòng phố vắng, không phải vì quên lối về, mà bởi vì còn… lưu luyến.
Những ngày này, tựa hồ lòng phố rất chật. Có phải vì tôi ích kỷ, muốn giữ phố cho riêng mình, nên chỉ thích phố chật đi vì kỷ niệm chứ không phải vì hối hả cộ xe. Mùa xuân đang đến thật gần, ấy là bài ca của những mầm xanh lá. Dẫu mỗi người luôn thường trực bao nỗi lo toan thì cuộc sống mới vẫn luôn đón đợi trên từng hình hài của phố. Như lòng tôi bây giờ, luôn hiện sinh những điều mới mẻ, dịu dàng.
Sắc xuân dường đã bắt kịp buổi bình minh hồng trên phố núi. Người ta vì rộn ràng mà quên đi màu tóc đã phôi pha trong chuỗi ngày bạt gió. Ai cũng ngỡ mình còn trẻ, còn đủ sức rong ruổi và khát khao. Tôi rồi sẽ lại đi để mở rộng tầm mắt và trái tim mình. Nhưng luôn tin rằng: mỗi chuyến đi là một chuyến trở về, để biết yêu Phố núi một cách chân tình. Như lời hát tôi đã từng say sưa nghe bao chiều:
“Đời tôi như cánh chim
Lỡ vui, nên bay xa
Sẽ trở về ăn năn”…
Một ngày nào đó trong đời, tôi sẽ vẽ lại màu của phố bằng chính màu ký ức vẹn nguyên của hôm nay.
Thạch Thảo

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.