"Chiếu nghỉ" An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên” hầu như ai ở đất Gia Lai, Bình Định đều biết, đều thuộc. Nhưng để tường nó thì phải đến hôm mới đây gặp và nói chuyện với Tiến sĩ Dân tộc học Mai Thanh Sơn, tôi mới cặn kẽ.
Nó là thế này: Lâu nay, chúng ta hay chia đất nước theo chiều dọc, từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Và đường 1 chia đôi đất nước ra, một bên biển, một bên rừng, một bên lúa nước, một bên nương rẫy. Toàn bộ đoạn miền Trung phân chia kiểu này rõ rệt nhất, Trường Sơn Tây Nguyên cách con đường 1 là đồng bằng ven biển, sự phân chia rõ rệt theo chiều Bắc Nam. Nhưng với câu ca dao trên và nhiều câu nữa thì còn một cách phân chia khác, cách nhân dân chia, theo trục Đông-Tây. Và rằng, như thế, từ rất lâu rồi, mối quan hệ giữa cư dân Trường Sơn Tây Nguyên với đồng bằng ven biển đã rất khắng khít, nó biểu thị sự đoàn kết Kinh-Thượng, sự tương hỗ cả vật chất lẫn tinh thần từ xửa xưa. Và giữa 2 vùng ấy thường có những “chiếu nghỉ”.   
Đèo An Khê-cửa ngõ nối miền xuôi và miền thượng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đèo An Khê. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chiếu nghỉ là thuật ngữ dành cho những không gian được cố tình tạo ra để người dùng có chỗ thư giãn, như các nhà cao tầng thường có những chiếu nghỉ, cầu Trường Tiền ở Huế từng có chiếu nghỉ, những con đường cao tốc cũng có chiếu nghỉ. Từ Gia Lai xuống Bình Định, tôi gọi An Khê là “chiếu nghỉ”. An Khê là vùng đất rất lạ, nó đúng là cái chiếu nghỉ xuyên trục Đông-Tây từ Gia Lai xuống Bình Định, rồi tỏa ra hoặc xuyên tiếp. Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nói với tôi, có một con đường Chăm đã từ thành Chà Bàn xuyên qua Gia Lai sang tận Ratanakiri tới các đền Angkor (Vương quốc Campuchia). Và Nguyễn Nhạc đã chọn An Khê làm nơi dấy nghĩa để từ đây, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vang dội khắp cả nước. Có lẽ Nguyễn Nhạc cùng 2 em của mình là những người Kinh đầu tiên đến vùng đất Bahnar này và ông cũng có thể là người Kinh đầu tiên hòa huyết Bahnar khi kết hôn với Yă Đố. Phải chăng, bằng thiên nhãn của mình, họ đã phát hiện ra An Khê là địa linh, nơi 80 vạn năm trước cụ kỵ của chúng ta đã chọn để sinh sống. Để rồi sau đó, Tây Sơn tam kiệt cũng chọn đất này làm nơi luyện quân, mở đầu cuộc khởi nghĩa. Thời ấy giao thông chưa có, từ đồng bằng nhìn lên, Trường Sơn bí ẩn trầm mặc với mịt mù những điều chưa ai biết. Thế mà, Nguyễn Nhạc, với tư thế người buôn trầu đã len hỏi hàng năm trời, nhích từng bước một, để lên tới An Khê. Không chỉ lên tới, mà còn phải bắt bạn với những người dân ở đây, toàn bộ là người Bahnar, trở thành người nhà của họ, rồi dẫn các em mình lên, lập nên vùng chiến khu rộng lớn và hiểm trở, chiêu mộ binh lính, tích lũy lương thực vũ khí, qua mặt chính quyền. Nhưng chưa chấn động bằng việc mới đây các nhà khảo cổ Việt-Nga đã phát hiện rằng, cách đây hơn 80 vạn năm, tại An Khê này, ở lưu vực sông Ba đã xuất hiện loài người tối cổ. Nó khiến các nhà khoa học thế giới phải vẽ lại bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người. Và An Khê giờ đây được công nhận là nơi con người xuất hiện sớm nhất chứ không phải Đông Sơn, Núi Đọ hoặc Sa Huỳnh nữa...
Một góc sông Ba- đoạn qua An Khê. Ảnh: Đức Thụy
Sông Ba đoạn qua thị xã An Khê. Ảnh: Đức Thụy
Nó nói lên điều gì? Rằng An Khê là mảnh đất rất lạ. Nó là địa linh, chắc chắn thế. Chả thiêng mà chỉ mấy sự kiện tôi nhắc trên đã đều là những sự kiện đặc biệt. An Khê đúng là địa linh để những nhân kiệt khắp nơi đổ về, mà những nhân kiệt đầu tiên chính là các cụ người tối cổ của chúng ta từng tề tựu ở đây 80 vạn năm trước, rồi đến Tây Sơn tam kiệt, rồi những người Chăm vô danh giờ hữu danh từ những nền phế tháp. Và các nhà nghiên cứu cho rằng, như vậy An Khê không phải là vùng đất nghèo, mà nó từng giàu, rất giàu. Có giàu mới có người lên buôn bán (Nguyễn Nhạc lên buôn trầu) và rồi từ đấy chọn làm đất dấy binh. Có giàu thì người Chăm, trong hành trình di cư của mình, mới dừng lại xây đền xây tháp. Các nhà nghiên cứu khẳng định, bao giờ bên cạnh trung tâm tôn giáo cũng là trung tâm kinh tế. Từng là trung tâm tôn giáo của người Chăm thì đồng nghĩa đất này cũng là trung tâm kinh tế... Mới đây nhất, sau cuộc làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang với lãnh đạo thị xã An Khê, rất nhiều hướng mở ra cho cái thị xã “chiếu nghỉ” đặc biệt này, trong đấy, du lịch là một hướng rất quan trọng. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cần tháo gỡ các vấn đề trong quy hoạch, đầu tư... và nhất là thống nhất quản lý vì di tích nằm trên địa bàn 4 huyện, thị xã của tỉnh. Bên cạnh đó, có kế hoạch đầu tư để bảo tồn phát huy nhưng không phá vỡ di tích. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Tây Sơn Thượng đạo là Di tích cấp quốc gia đặc biệt cho xứng tầm, và yêu cầu UBND tỉnh chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế lần 2 về khảo cổ cùng Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Cố Giáo sư Phan Huy Lê, trong phát biểu kết luận Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn” đã từng ước mong: “Đến năm 2021, tròn 250 năm Tây Sơn Thượng đạo, hy vọng thị xã An Khê sẽ là TP. An Khê! Thành phố này, về phương diện lịch sử văn hóa, sở hữu 2 tài nguyên vô giá là di sản lịch sử văn hóa Tây Sơn Thượng đạo và di sản về địa chất-công viên địa chất. Một thành phố sở hữu đồng thời 2 di sản thế này trên đất nước chúng ta, chỉ có duy nhất An Khê! Cùng với 2 di sản địa chất và lịch sử văn hóa, cùng với việc quy hoạch và phát triển kinh tế-xã hội, hy vọng và cầu mong điều đó sẽ trở thành hiện thực với An Khê!”. 
Vâng, An Khê, chiếu nghỉ, một chiếu nghỉ sẽ nhộn nhịp nay mai.
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.