Làm giàu trên vùng đất mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 20 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, ông Nguyễn Văn Ký (thôn 2, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro, Gia Lai) không chỉ tạo dựng cho mình trang trại rộng hàng chục héc ta mà còn trở thành một cán bộ Hội Cựu chiến binh uy tín, năng nổ, nhiệt tình, luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Vượt khó vươn lên
Ông Ký sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tham gia bộ đội từ năm 1981 tại Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), năm 1985, ông xuất ngũ về địa phương xây dựng gia đình. Năm 1999, hưởng ứng chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới, ông Ký xung phong và được bầu làm Phó trưởng đoàn dẫn dắt 45 hộ dân vào xã Đak Pơ Pho lập nghiệp.
Thời điểm đó, vùng đất Đak Pơ Pho chỉ toàn đồi núi hoang sơ, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại vô cùng khó khăn khiến nhiều người nản chí muốn quay về. Nắm bắt tâm lý ấy, ban ngày, ông cùng người dân tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa; buổi tối, ông đến từng nhà tuyên truyền, vận động mọi người bám trụ. Khi người dân thiếu thốn, cần hỗ trợ gì, ông vượt hàng chục cây số ra Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro đề nghị giúp đỡ. Trong khi đó, gia đình ông luôn nỗ lực đi đầu trong lao động sản xuất. “Có làm tốt thì nói mọi người mới nghe và làm theo”-ông Ký bộc bạch.
  Gia đình ông Ký thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình trang trại.   Ảnh:  Ngọc Minh
Gia đình ông Ký thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình trang trại. Ảnh: Ngọc Minh
Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian đầu, ông Ký khai hoang trồng các loại hoa màu như đậu, bắp... Vài năm sau, khi chắt chiu được chút vốn, ông mua thêm đất mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, ông đã sở hữu trang trại rộng trên 10 ha với 3 ao cá rộng gần 10.000 m2, gần 2 ha mía, 3 ha mì, hơn 4 ha cây ăn quả (ổi, mít, vải, nhãn, chanh đào, na) và nuôi trên 200 con gà thương phẩm giống Đông Hồ. Ông Ký cho biết: Bình quân mỗi năm trang trại mang lại cho gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Trang trại còn tạo việc làm theo thời vụ cho hàng chục lao động địa phương với tiền công gần 200 ngàn đồng/người/ngày.
Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh tế gia đình ông Ký ngày càng phát triển. Nhờ đó, ông có điều kiện nuôi 3 người con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang.
Cán bộ gương mẫu
Từ khi vào Đak Pơ Pho lập nghiệp, ông Ký đã được người dân tín nhiệm bầu làm Phó Trưởng thôn, Trưởng thôn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Hiện ông đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Pơ Pho. “Có được như ngày hôm nay, tôi luôn ý thức phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-ông Ký cho hay.
Theo chia sẻ của ông Ký, thôn 2 có 95 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, phần lớn di cư theo diện xây dựng kinh tế mới. Nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước mà đời sống người dân trong thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao. Trong thôn chỉ có 2 hộ nghèo do bệnh tật và là người già neo đơn không nơi nương tựa.
Ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho-cho biết: Ông Ký là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, là cán bộ gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, tận tụy hết mình với công việc của tập thể. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông tích cực vận động người dân trong thôn hiến gần 4 ha đất dọc hai bên đường để làm đường giao thông nông thôn, công trình công cộng. Riêng gia đình ông đã hiến gần 6.000 m2 đất ngay trung tâm xã để xây dựng sân bóng, tạo không gian vui chơi, giải trí cho thanh-thiếu niên trên địa bàn xã. “Với những đóng góp đó, ông đã được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng nhiều giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển sản xuất, cựu chiến binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội”-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho cho biết thêm.
 Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.