Chốn thiền giữa lòng Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lẽ bạn hay tôi đã từng mơ một căn nhà nhỏ ven lưng đồi để mỗi sáng mai thức giấc bày một bàn trà dưới hiên nhà, thưởng hoa trước thềm, tịnh lắng nghe tiếng chim ca gọi bầy bên lùm cây ngay cạnh… Tôi đã tìm thấy một chốn bình yên như vậy ngay giữa lòng Phố núi.
Chiều mưa, cả mặt đất và bầu trời chìm trong màu lam thẫm. Mưa khoác lên rừng thông non suốt dọc đường dẫn vào thiền đường Giác Sơn sự trầm mặc. Thiền đường có thể hiểu là “Ngôi nhà thiền” nằm giữa những hàng thông non xanh ngời. Qua khỏi rừng thông, sau cánh cổng sơn đen chỉ có tính chất ngăn cách tượng trưng giữa bên trong và bên ngoài, chúng tôi tha thẩn dọc 2 hàng đỗ mai dẫn lối vào. Khu vực rộng lớn 1,2 ha như vườn địa đàng với đủ loài “kỳ hoa dị thảo”: đỗ mai, mộc lan, ngọc lan, cẩm tú cầu, sử quân tử, thiên điểu, mai chiếu thủy, địa lan, đào Nhật Tân, thạch thảo, các loài hoa hồng… Lá chen hoa mà lên, còn hoa khiêm nhường khoe sắc giữa ngày mưa.
  Thiền đường Giác Sơn. Ảnh: Phạm Công Quý
Thiền đường Giác Sơn. Ảnh: Phạm Công Quý
Trời đã chớm thu nhưng những cơn mưa dai dẳng khiến cho “vườn địa đàng” nơi hạ giới ít đi sắc màu của hoa. Nhưng dù chỉ vậy thôi cũng đã mang lại không gian thiền tịnh, khiến lòng người bình an. Những cành đào Nhật Tân vươn dài tạo thành vòm trên lối đi. Ngồi dưới hiên nhà giữa rừng cây xanh, tôi đưa tay hứng những giọt mưa tí tách rơi. Trước thềm, một cây sim trổ hoa tím ngắt. Cánh hoa tím mong manh đã vì mưa mà ít nhiều nhạt màu nhưng vẫn rất kiên cường bám trụ, vững chãi như chính ngôi nhà ven sườn đồi mới nhìn ngỡ rất chênh vênh. Từ đây có thể ngắm cảnh vật trải rộng trước mắt. Phía xa, dãy dãy núi biếc một khối thẫm màu. Không biết do mây sà thấp hay sương chiều buông sớm, nhưng khối mây lam đùn từ mặt đất khiến cảnh giới như trốn trong chiếc áo lam màu.
Có thể cảm nhận rất rõ nếp sống thiền ở thiền đường Giác Sơn. Gia chủ mặc lữ khách tha thẩn kiếm tìm cảnh đẹp hay tìm kiếm chính bản thân mình, còn họ điềm nhiên trồng cây trong mưa chiều. Ông Nguyễn Văn Hiệp-chủ nhân của thiền đường này nói rằng, trong 3 năm, cả gia đình đã cố công sưu tầm những loài cây, loài hoa ở khắp mọi nơi để tạo nên một chỗ thiền định cho gia đình. Vào mùa xuân, 2 hàng đỗ mai dịu dàng bung nở những cánh trắng tinh khôi hoặc phơn phớt hồng hệt như loài hoa anh đào ở Nhật Bản. Riêng cẩm tú cầu hoa nở quanh năm, nhưng đặc biệt nở nhiều khi đất trời chuyển lạnh vào dịp cuối thu sang đông. Tất cả biến nơi này thành một bức tranh hoa sống động.
Thiền đường Giác Sơn là công trình (nếu có thể gọi như vậy) của một gia đình có duyên với Phật, nằm ở đường Lý Chính Thắng (phường Chi Lăng). Khu vực này chỉ cách trung tâm Pleiku khoảng 6-7 km nhưng dễ khiến người ta ngỡ đã “đi lạc” khỏi thành phố. Đến đây để hiểu rằng, trong tâm hồn mỗi người luôn có một khu vườn trong veo đầy hoa lá lẫn tiếng chim ca. Một phút thiền tịnh sẽ giúp người ta thấy lại vẻ đẹp, sự chan hòa từ sâu thẳm lòng mình, để vực dậy, để nương tựa, để vượt qua phút giây thấy mình không vững vàng.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.