Lang thang với cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cà phê có lẽ là một trong những thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Chính con người đã đưa cà phê lên tầm văn hóa ẩm thực. Thưởng thức một ly cà phê vừa để vỗ về vị giác, vừa để kích thích não bộ tập trung tìm kiếm những ý tưởng mới, lại vừa như để ngẫm ngợi, suy tư… Và gắn với cà phê cũng có vô vàn cách thưởng thức khác nhau.
Không khó để nhận ra rằng, các quán cà phê ở Pleiku luôn đông khách, nhất là vào buổi sáng sớm. Và khách uống cà phê cũng có rất nhiều kiểu khác nhau. Có người ngày nào cũng chỉ uống ở một quán quen, uống xong nếu có được ai mời thì cũng lại trở ra ngồi đúng cái quán ấy, ngày nào quán nghỉ thì… uống ở nhà. Lại có người chỉ thích ngồi uống cà phê bên vỉa hè. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đúng chỗ ngồi ấy, kiểu pha chế ấy, thấy họ dừng xe, vừa ngồi xuống là phục vụ đã đặt ly cà phê trước mặt. Đó là những người không thích sự thay đổi khẩu vị, dù có thể chỗ họ ngồi cà phê chưa phải là đặc biệt nhất, mà họ gắn bó như một thói quen.
Thường những người “nghiện” cà phê thực sự, nhu cầu của họ chỉ là một ly cà phê hợp vị, kiểu uống như để nạp năng lượng mỗi ngày. Thế nên, không gian quán không quá quan trọng. Những quán phục vụ khách theo gu như thế thường chỉ cần vị trí nhỏ hẹp, đảm bảo có chỗ ngồi vừa vặn là được. Khách thích uống cà phê vỉa hè lại thường là những người có nhu cầu hướng đến một không gian mở hơn. Vừa nhâm nhi ngụm cà phê đắng đót, vừa ngắm nhìn cuộc sống đang trôi qua trước mắt với các sắc thái khác nhau, vừa ồn ào náo nhiệt, vừa chậm rãi suy tư…
Một quán cà phê với không gian thoáng đãng ở Pleiku. Ảnh: Phương Vi
Một quán cà phê với không gian thoáng đãng ở Pleiku. Ảnh: Phương Vi
Cách pha chế cà phê cũng rất đa dạng. Có thể pha theo kiểu truyền thống bằng phin, bây giờ đa số dùng máy pha cho nhanh gọn, tiết kiệm thời gian chờ đợi, hoặc cũng có một số kiểu pha chế bằng những cách rất cầu kỳ với nhiều dụng cụ khác nhau, một số quán còn trang bị cả những máy móc rang xay chế biến cà phê ngay tại chỗ rất hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích kiểu pha chế truyền thống bằng phin. Ngồi ngắm nhìn những giọt cà phê chậm rãi rơi trong một sớm mai mù mù sương giăng hay lưa thưa mưa đổ, đắm chìm vào một giai điệu da diết nào đó mà mình thích, tưởng như thế giới dừng hẳn lại, chỉ còn những lắng sâu ngấm quyện vào vị đắng ngọt tan ra trong những dịu dàng.
Cà phê Pleiku cũng được pha chế thành nhiều kiểu, phục vụ nhu cầu của người thưởng thức. Ngoài cà phê đen nguyên chất, cà phê sữa còn có món bạc sỉu được pha từ hỗn hợp sữa đặc, sữa tươi và cà phê. Bên cạnh đó, cà phê còn được kết hợp biến tấu thành các kiểu rất đa dạng như: cà phê mocha, cà phê sữa lắc, cà phê kem, cà phê trứng… Tất cả những món ấy có thể uống nóng hoặc bỏ thêm đá. Có những người có sở thích uống cà phê nóng, chiếc phin và ly cà phê được ngâm trong một chiếc ly khác đựng nước sôi để đảm bảo giữ được độ ấm cho cà phê. Cùng một loại cà phê nhưng nếu uống nguyên chất thì hương vị khác, khi kết hợp với đường, đá và những “gia vị” khác thì lại cho ra hương vị khác biệt. Cà phê uống nóng khác uống nguội, uống ngày nóng khác ngày lạnh, uống buổi sáng khác buổi chiều; thậm chí tâm trạng khác nhau cũng cảm nhận được vị cà phê khác nhau… Bắt đầu một ngày mới, khi người pha chế rót nước thật sôi vào chiếc phin chứa bột cà phê, ta như thấy từng hạt bột mịn nâu đen nảy lên rồi tỏa ra hương thơm đầy mê dụ quyện trong hương ban mai thanh khiết. Nhấp một ngụm cà phê, như cảm nhận được cả hương vị của núi đồi, hương bazan nồng đượm, hương thơm thoảng dịu ngát từ ngàn vạn đóa hoa trắng muốt ướp lên thảo nguyên bạt ngàn nắng gió.
Đi trên bất cứ một con đường nào ở Pleiku cũng có thể gặp những quán cà phê, có những quán được đầu tư rất quy mô, bài bản, sang trọng, đẹp mắt. Quán sá bây giờ hướng đến việc thiết kế những “view” đẹp, độc lạ để phục vụ nhu cầu “check-in” của thực khách, những quán dạng này thường có đồ uống phong phú đa dạng, nên cà phê cũng không phải là thức uống chủ đạo. Pleiku có địa hình đồi núi, những con dốc uốn lượn quanh co, những thung lũng xanh mát mắt tạo những cảnh đẹp tự nhiên gợi sự yên bình. Nhiều chủ đầu tư đã dựa vào điều kiện tự nhiên thuận lợi ấy để thiết kế những quán cà phê rất đẹp. Không khó gì để vừa ngồi thưởng thức một ly cà phê nồng đượm giữa phố xá, lại vừa được ngắm cỏ cây hoa lá ruộng đồng. Những quán cà phê kiểu như vậy nằm rải rác trên những con hẻm đường Phù Đổng, Nguyễn Tất Thành, Ngô Thì Nhậm, Tô Vĩnh Diện, Tôn Thất Thuyết… Xa hơn là ra phía Biển Hồ, Tân Sơn… Mỗi quán một cách bài trí riêng, một bí quyết pha chế đồ uống riêng, nhưng đều có một điểm chung là không gian mở, thoáng đãng, gần gũi thiên nhiên, đủ sức neo lại trong lòng người những cảm xúc an lành.
Đôi khi, chúng ta cảm thấy nhớ thật nhớ một khoảnh khắc nào đó đã trôi qua trong cuộc đời. Đó có thể là một nơi ta đã từng đi qua, một người nào đó đã từng gặp gỡ… Đến với Pleiku, tôi tin chắc rằng, bạn sẽ khó lòng quên được một sớm mai trời se se lạnh, dưới sương mù mờ đục, ly cà phê nóng ấm được ấp iu trong lòng bàn tay tỏa hương thơm ngát. Và, chỉ bấy nhiêu thôi cũng sẽ khiến bạn ước ao những lần trở lại sau này.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...