Ai còn nhớ giếng quay tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những người sinh vào đầu thế kỷ XXI tới nay ở Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung chắc không hình dung nổi từng hiện diện những cái giếng sâu bốn năm chục mét và tất nhiên người ta không thể kéo nước bằng gàu thông thường, mà phải chế ra hệ thống ròng rọc đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm để quay tay lấy nước từ giếng lên. 
Ấy là những ngày vất vả khó khăn với thiếu nước thừa bụi mùa khô, lê thê mùa mưa và những con đường lầy lội bùn đỏ. Hồi ấy, những con đường có phủ nhựa rất ít. Phố là những dãy nhà tôn lụp xụp với hàng rào kẽm gai xung quanh. Những chiếc xe đạp di chuyển trên đường với fooc-ba-ga là một cái bao tải, phía trên thường là cái cuốc. Chủ nhân của nó đi làm rẫy, nhuốm đất đỏ từ đầu đến chân.
Một thời, nỗi kinh hoàng nhất của dân Pleiku là… nước, nước sinh hoạt ấy. Nhà có điều kiện thì đào giếng. Lúc đó, nghề đào giếng rất đắt khách. Những cái giếng sâu hun hút năm sáu chục mét, phải quay bằng tời, người không quen rất dễ bị tay quay đập vào tay hoặc cái thùng múc vào thành giếng. Nhà không có điều kiện thì trữ rất nhiều thùng phuy, loại đã qua sử dụng, trát hắc ín đen xì để đựng nước. Nước máy chảy tuần một lần, phải trữ. Nhưng không phải lúc nào cũng đến lượt mình. Nửa đêm phải dậy hứng, ai cũng hứng nên nước chảy ri rỉ. Về cơ bản là đi gánh nước, đến những nhà có giếng xin hoặc mua rồi gánh về. Vì vậy, có những người chuyên gánh nước thuê. Nhà tôi hay thuê hai người: Anh Nhân tính tình hơi bất bình thường nhưng rất khỏe và chị Hơ Blơng nguyên là diễn viên Đoàn Văn công Tây Nguyên, về nghỉ mất sức lao động nhưng lại… gánh nước thuê.
Để đào cái giếng như thế thì cần những người thợ chuyên nghiệp, người bình thường nhìn xuống đã chóng mặt. Có những xưởng cơ khí chuyên sản xuất cần quay kéo nước giếng. Nó khá đơn giản, gồm một thanh sắt tròn gác qua miệng giếng bằng 2 cái trụ 2 bên, một đầu uốn hình chữ Z, ở giữa là dây cáp, loại cáp dẻo chỉ bằng đầu đũa, nối với một cái thùng gánh nước. Cái thùng ấy phải đeo thêm cục đá hoặc nhà có điều kiện hơn thì là quả gang nặng khoảng vài ki lô gam. Phải có cục đá hoặc gang ấy thì khi chạm nước cái thùng mới chịu nghiêng để nước vào. Khi thùng đầy nước, chìm xuống thì bắt đầu quay nước lên. Người vụng khi lên có khi chỉ còn nửa thùng.
Cô bạn tôi từ đồng bằng lên, ra giếng giặt đồ, quay nước bị cái cần ấy quật lại, gãy tay phải bó bột, nhớ đời mùa khô Pleiku (hình dung quay nước giống hệt ngày xưa tài xế phải dùng manivel quay khởi động mấy cái xe tải). Bây giờ, tìm được cái cần quay nước kiểu ấy có khi còn khó hơn tìm người… lười tắm. Và điều này nữa, là khi thả thùng xuống còn khó hơn khi quay nước lên. Cái cô bạn đồng bằng kia gãy tay là khi thả thùng xuống giếng bị cái cần quay rất nhanh đánh vào tay.
Tôi ở khu tập thể Ty Văn hóa-Thông tin trên đường Trần Hưng Đạo, cả ty có 1 cái bể lộ thiên lúc nào cũng trơ đáy. Thi thoảng, Trưởng ty điều xe Zeep kéo rơ moóc trên để cái téc đi lấy nước về “cấp” cho cán bộ. Nhà ai có gia đình rồi thì có các thùng phuy, loại thùng đựng hắc ín, mua hoặc xin về, dùng chính hắc ín hoặc xi măng trát kín rồi đựng nước; bọn độc thân thì đựng vào thùng gánh nước, vài cái chậu, thậm chí đựng cả vào xoong, vào… tô để dự trữ.
Đến khi tôi có vợ con rồi, ở trong khu tập thể thì cái chỗ quan trọng nhất là phải dành cho mấy cái thùng phuy đen thù lù đựng nước. Ưu tiên số một là nước để nấu cơm, số hai là mấy ông heo, mùa nóng phải tắm cho các ông ấy nhanh lớn. Rồi mới đến con, đến mình. Giặt đồ thì dứt khoát vợ phải bưng chậu xuống bể công cộng. 
Hồi ấy, nơi xa nhất tôi hay lên là khu tập thể Đài Phát thanh (chưa có truyền hình) Gia Lai-Kon Tum. Từ Ty Văn hóa-Thông tin đạp xe hoặc đi bộ lên là hết cơm dù giờ chỉ nhoáy phát là tới nơi. Đường xấu, bụi mù, dốc cao. Sau rất nhiều cải tạo, giờ những con dốc Pleiku ngày nào hầu như đã lùi vào dĩ vãng. Đã bụi thế nhưng lên đấy là để đá bóng vì ở đấy có cái sân bóng. Đá xong thì tắm. “Dưới phố” giếng sâu 50 m thì trên đấy giếng phải 70 m, quay được thùng nước lên là bở hơi tai. Hồi ấy, rất đông phóng viên của Đài ở khu tập thể và họ quay nước hàng ngày như thế. Thế thì tôi ở ngay đường Trần Hưng Đạo lại chả thiên đường rồi ư? Mà cái giếng lại ở sát phía đường Lê Lợi thấp hơn hẳn đường Trần Hưng Đạo một bậc. Mỗi buổi chiều, tôi có nhiệm vụ gánh 2 gánh nước từ giếng về đổ vào thùng phuy, ngày nào cũng thế.
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...