Hơn ánh trăng rằm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nó ngồi trên bức tường đá thấp, nhìn xuống sân trường, nơi đang râm ran tiếng cười, rộn rã loa đài; những bóng áo xanh đang tất bật căng phông bạt, kê bàn ghế. Chiều tối, ở dưới ấy sẽ tổ chức tặng quà Trung thu- nó náo nức nghĩ.

Trên đầu, mặt trời vẫn rải những chùm nắng vàng như rót mật. Vài đốm nắng nhảy nhót trên tán cau, rọi vào cổ nó nong nóng, nhồn nhột. Xa xa, dãy Vắc Ngọc Lúi vàng rực lên dưới ráng chiều.

Nắng như thế này thì bao giờ mới đến lúc được nhận quà Trung thu nhỉ. Có tiếng càu nhàu ở phía sau. Không cần quay lại, nó cũng biết là của đứa em gái.

Mấy hôm nay em nó đang đắc ý vì được chọn xuống trường nhận quà Trung thu. Do dịch bệnh Covid-19, nhà trường không thể tổ chức tập trung cho tất cả học sinh được, nên mỗi lớp chỉ chọn mấy em đại diện, cùng học sinh nghèo, học sinh khuyết tật.

Làm gì mà mày cứ nói miết vậy- nó càu nhàu, mắt vẫn dõi xuống sân trường. Nếu chân không đau, hẳn giờ này nó đang ở dưới đó tham gia kê bàn ghế với mấy anh chị đoàn viên rồi. Hôm qua trèo hái cau, nó nhảy xuống khi còn hơi cao, nên đau chân. Bác sĩ Thắm ở trạm y tế xã nói bị bong gân.

Anh cũng muốn, vậy mà còn giả bộ. Em nghe nói được tặng bánh Trung thu, rồi đèn lồng nữa. Em sẽ không cho anh đâu. Tha hồ thèm nhé- đứa em giơ bàn tay ra đếm, giọng đầy “khiêu khích”.

Nó cười: Anh lớp 9 rồi. Lớp 9 đấy, nghe chưa, tức là lớn rồi, nên không còn thèm bánh Trung thu, không còn mê mấy thứ đồ chơi xanh đỏ nữa, nghe chưa.

Nhưng rồi nó lại giật mình. Có thật vậy không? Nếu thật, sao cái đầu mình lại đòi ra đây ngồi từ nãy, cứ ngóng xuống sân trường, cứ mong ông mặt trời nhanh xuống núi.

Nếu thật, sao cái chân cứ ngứa ngáy muốn chạy xuống dưới kia, nơi đang rộn ràng tiếng nói cười, nơi có những thùng, những hộp, mà nó biết đựng trong đó sự ngọt ngào và đẹp đẽ?

 

Bồi hồi nhớ lại hình ảnh Tết Trung thu năm ngoái. Ảnh minh họa
Bồi hồi nhớ lại hình ảnh Tết Trung thu năm ngoái. Ảnh minh họa


Nó không nhớ lần đầu tiên được “ăn Tết Trung thu” là khi nào, năm học lớp 3, hay lớp 4? Chỉ nhớ rằng, đó là lần đầu tiên nó biết, ngoài những lễ hội của làng, còn có một cái tết gọi là Trung thu, khi trẻ em được thỏa thích vui chơi với bao nhiều là đồ chơi và bánh ngọt. Ngay cả những người già, thường ngồi hút thuốc đầu hồi, nhớ rất nhiều chuyện xưa cũng chưa bao giờ kể về cái tết ấy.

Nó cũng không nhớ được tặng cái đèn ông sao đầu tiên, được ăn bánh Trung thu đầu tiên vào lúc nào, nhưng lại nhớ rất kỹ hương vị của nó. Lấp lánh, mềm mại và lạ lẫm là cảm giác của nó về miếng bánh. Nó nhấm từng tý một, nâng niu cái vị béo, ngọt, bùi, thơm, mềm đang tan dần, đang trôi dần xuống cổ, vừa ăn vừa lo miếng bánh hết mất…

Nắng đang dịu dần. Đứa em đã chạy biến đi từ lúc nào. Những thùng quà to tướng đã được xếp thành dãy dài sau tấm phông dán chữ Vui Tết Trung thu đầy màu sắc. Nghe nói, chương trình Tết Trung thu này do nhà trường phối hợp với các anh chị đoàn viên từ trên tỉnh vào tổ chức. Quà bánh, đồ chơi nhiều lắm. Chỉ tiếc không có múa lân.

Ờ, múa lân... Nhắc đến lân, tay chân nó lại ngứa ngáy, tai nó lại vang lên tiếng trống cắc tùng. Giá như giờ được đội cái đầu lân lên, múa may, nhào lộn theo tiếng trống thì hay biết mấy. Cũng vì Covid-19 cả- nó nhớ lại lời thầy giáo Hiền, chủ nhiệm lớp, người đã hướng dẫn nó và các bạn làm đầu lân, đánh trống và các điệu múa lân vào Trung thu năm ngoái.

Trung thu năm ngoái, lần đầu tiên trường nó tổ chức múa lân “cây nhà lá vườn”. Thầy Hiền lặn lội xuống phố mua trống, và nguyên vật liệu cần thiết, sau đó thầy trò hì hụi cả tuần để uốn khung, dán giấy màu, dán râu, kẻ mắt…, làm nên cái đầu lân. Rồi cả tuần tự tập các động tác múa theo trí nhớ của thầy và những gì tụi nó thấy trên tivi.

Thấy nó nhanh trí, sáng tạo, có sức khỏe nên thầy Hiền giao cho nó làm đầu lân. Tập được ít ngày, thầy khen nó “múa đẹp không kém gì lân phố”. Biết là thầy động viên, nhưng nó vẫn khoái, lâng lâng mất mấy ngày.

Chiều chiều, sau buổi học, tiếng trống cắc tùng lăn xa, lăn xa theo gió núi, chen cùng tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng giã gạo thong dong, khiến người dân tò mò. Một nói mười, mười nói trăm, chỉ ít hôm là người dân mấy làng gần trường đã biết Trung thu năm nay có múa lân. Các mẹ, các chị còn đem dưa rẫy, đem mía, khoai ra “khao” đội múa lân, để có sức mà tập.          

Đêm rằm, những ngả đường từ các làng dẫn về trường sáng rực ánh đuốc, đèn pin và đèn ông sao. Tiếng trống lân náo nức giục giã mọi người nhanh chân bước. Sau màn múa lân nhận được những tràng pháo tay vang dội, nó vinh dự được cùng các thầy, cô giáo và các anh chị đoàn viên của xã đi phát đồ chơi, bánh kẹo cho các em nhỏ hơn.

Líu à, vào nhà đi. Tiếng mẹ gọi cắt ngang dòng suy nghĩ của nó. Vịn vào thân cau, nó đứng dậy, tiếc nuối nhìn xuống sân trường. Không được tập trung hết học sinh, kể cũng giảm sự náo nức, rộn rã thật. Ấy là chưa kể thiếu tiếng trống lân…

Nhưng có sao đâu. Đêm nay, núi rừng vẫn thấm đẫm ánh trăng rằm. Và nó, em nó, cùng bao trẻ em khác, vẫn hớn hở đón Tết Trung thu; vẫn được nhận những món quà mang sự ngọt ngào và đẹp đẽ.

Bởi được gửi tới từ tấm lòng thơm thảo của bao người, nên những món quà ấy còn lung linh hơn cả ánh trăng rằm!

 

Theo HỒNG LAM (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).