Mưa Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku đang bước vào mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa như con gái mới lớn, đỏng đảnh, điệu đà, dỗi hờn, chợt đến, chợt đi. Đầu mùa, mưa thường đến vào những buổi chiều, cùng với cơn giông lập lòe sấm chớp. Rồi sau đó, mưa chuyển qua rả rích suốt đêm, rồi dầm dề, lê thê ngày đêm kéo dài đến cuối năm mới dứt. Có lẽ đó cũng là đặc trưng của mưa Tây Nguyên.
Có hôm đi từ Trà Bá về Hoa Lư, khoảng gần đến đường Nguyễn Tất Thành bất chợt mưa ào xuống. Mùa này ra khỏi nhà lúc nào cũng có áo mưa đem theo nhưng mưa thình lình thế này làm sao mặc cho kịp, thôi thì đành chịu ướt để đi luôn. Lên hết dốc Nguyễn Tất Thành về đến Hoa Lư thì trời ráo hoảnh, có cả ánh nắng chiều lấp lánh.
Pleiku vào đầu mùa mưa là như thế. Có khi đang mưa vẫn có nắng hoặc trời đang nắng bất chợt có một cơn mưa mây lất phất lướt qua, để lại những hạt bụi mưa đầy mùi đất. Khí hậu có khi cũng thay đổi đột ngột, trưa đang nóng oi bức bất chợt gió ập ùa và mưa ầm ào trút xuống, rồi tạnh cũng nhanh như mưa Sài Gòn, để lại một không gian trong lành, mát mẻ. Buổi chiều đi bộ trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết sau cơn mưa nghe được hương thơm của cây cỏ tỏa ra trong không khí mát lành, nhất là mùi thơm của lá thông làm cho tinh thần rất nhẹ nhàng, sảng khoái.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Có những khi đang đi trên đường nắng ráo, cơn mưa bất chợt xuất hiện đuổi theo phía sau. Rồi có khi đang đi phải đứng lại vì phía trước trời mưa. Đứng bên phía này nắng nhìn phía bên kia mưa mù, thật lạ, cảnh tượng giống như đang bị phù phép trong câu chuyện của Harry Potter. Đó là một đặc điểm rất thú vị của Pleiku đầu mùa mưa.
Rồi những cơn mưa không còn bất chợt nữa mà chuyển sang dầm dề, da diết, kéo từ ngày này sang ngày khác. Tiếng mưa đêm đi vào giấc ngủ êm đềm hơn, đi vào nỗi buồn làm lòng ta buồn hơn, đi vào bản nhạc da diết hơn, đi vào nỗi nhớ khiến nhớ nhung thêm... Vậy nhưng ai đi xa cũng nhớ mưa Pleiku. Nỗi nhớ ấy thôi thúc những người con xa nhà muốn trở về mùa mưa chỉ để được cuộn mình lười biếng trong chăn ấm, được hít hà ly cà phê nóng thơm nồng, được ngắm những hàng cây lá xanh mướt trong mưa, những bờ cỏ xanh mượt mà, được lội trong màu đất đỏ bazan đậm đà hơn, được dầm trong những cơn mưa mùa hạ và người người muốn gần nhau hơn.
GIANG NHI

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).