Mùa lộc vừng trổ bông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lộc vừng là loài cây trồng phổ biến ở “chảo lửa” Krông Pa. Đó là loài cây đẹp từ dáng đến tên gọi nên được nhiều người trồng trước sân nhà. Lộc vừng mang ý nghĩa tài lộc dồi dào, cuộc sống sung túc, gặp nhiều may mắn và thành công, giống như cái tên của nó. Đặc biệt, mỗi mùa trổ bông, lộc vừng đem lại vẻ đẹp rực rỡ thu hút mọi ánh nhìn.
Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống cũng là lúc cây lộc vừng nhà tôi trổ bông. Nhớ cách đây mười mấy năm, gia đình tôi mới xây ngôi nhà nhỏ, trước nhà còn trống trải lắm. Cái nắng mùa hè làm cho khoảng sân xi măng luôn nóng hừng hực. Một người bạn thân thấy vậy liền tặng gia đình tôi 1 cây lộc vừng để trồng làm bóng mát.
Cây lộc vừng lúc ấy đã có 3 nhánh to như bắp chân người lớn. Để trồng cây trên đất mới, bạn bảo phải cắt bớt cành, tỉa bớt rễ, phủ cát kín gốc. Chả mấy chốc mà cây lớn nhanh, cành lá sum suê phủ kín cả góc sân. Nhưng một điều đáng buồn là đến mùa, hoa đậu rất ít. Nụ mới xanh đã héo rụng đầy gốc. Tôi bần thần không hiểu lý do tại sao.
Bẵng đi một thời gian, thị trấn nơi tôi ở làm vỉa hè dọc các con đường lớn. Nhà tôi xây lúc trước vốn thấp hơn so với mặt đường nên phải nâng nền sân cho cao bằng với vỉa hè. Cây lộc vừng vì thế cũng được xây bồn, đổ thêm cát. Bạn nói: “Thêm cát cho cây mát, tưới đủ nước, cây sẽ cho hoa”. Quả đúng như vậy, chỉ 2 tháng sau, cây bung nụ thả những chuỗi dài xanh mướt trước sự ngạc nhiên của tôi. Chiều chiều, chúng tôi quây quần dưới gốc cây, săm soi từng chuỗi hoa. Những chuỗi hoa lớn rất nhanh, dài cả mét. Từ những nụ xanh li ti chỉ vài ngày sau đã thấy nụ mưng mưng đỏ.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Cũng như hoa quỳnh, hoa dạ hương, lộc vừng là loài hoa nở về đêm. Chính vì vậy, nó đón nhận những thời khắc thật đẹp của thời gian. Khi hoàng hôn buông, ánh nắng chiều vàng soi chiếu những chuỗi hoa đã bắt đầu hé nở. Những nụ xanh xen lẫn nụ đỏ sáng bừng cả một góc sân. Dần dà, hoa bung mình nở rộ khi bóng đêm bắt đầu. Những ngày này, khi vừa cơm nước xong, gia đình tôi thường bắc ghế ngồi dưới gốc cây, cùng nhau tận hưởng cơn gió mát lành của buổi đêm, thỉnh thoảng lại bật đèn pin của chiếc điện thoại mà ngắm nghía những bức rèm hoa đỏ ken dày trong bóng tối. Xóm giềng cũng sang ngắm hoa, chuyện trò rôm rả. Tôi khấp khởi mừng thầm vì được tận hưởng một mùa hoa đẹp.
Hôm sau, dường như còn luyến tiếc màu hoa, tôi dậy sớm, vội vàng bước ra sân để tận hưởng những thời khắc cuối cùng của bông lộc vừng trong tiết trời mát mẻ của ban mai. Ngay phía trước mặt, những chuỗi hoa vẫn thả dáng yêu kiều trong gió sớm. Cánh hoa như những sợi chỉ đỏ kết lại nơi đáy nhụy rồi xòe ra như những quả cầu lửa xinh xắn. Khi mặt trời lên cũng là lúc hoa nhẹ nhàng tách mình, khẽ khàng đậu xuống nền xi măng mát lạnh. Con gái tôi say sưa nhặt từng bông hoa nhỏ xếp thành hình trái tim, hình ông mặt trời ngộ nghĩnh. Còn tôi, cứ ngồi trước thềm nhà mà ngắm hằng hà sa số cánh hoa rơi, lòng cảm ơn cuộc đời đã mang lại những giây phút thật yên bình, hạnh phúc bên cây.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.