Bờ Ngoong gặp khó trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) đã quan tâm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, do tỷ lệ hộ nghèo cao, nhà ở dân cư còn nhiều hạn chế... nên việc xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn.

Bờ Ngoong là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê. Toàn xã có 1.800 hộ với khoảng 7.800 khẩu được phân bố ở 12 thôn làng, trong đó có 8 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, người dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đời sống từng bước được cải thiện. Tuy vậy, Bờ Ngoong vẫn thuộc diện xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 14,83%.

 

Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê).                 Ảnh: K.N.B
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Ảnh: K.N.B

Ông Đỗ Văn Mạch-Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Đến nay, xã đã đạt được 12 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng NTM vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nan giải nhất là thực hiện tiêu chí hộ nghèo, nhà ở dân cư, hệ thống chính trị, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, hệ thống chính trị và an toàn thực phẩm”.

Qua rà soát, toàn xã còn 50 hộ thuộc diện khó khăn về nhà ở. Một số hộ thiếu đất sản xuất. 4/12 thôn làng chưa có nhà văn hóa. Ngoài ra, cơ sở vật chất trường học, thông tin và truyền thông của xã cũng đã xuống cấp. Hiện còn 4 chức danh chủ chốt của xã chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể và cấp ủy chi bộ tập trung tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện từng tiêu chí. Hội Nông dân xã tích cực vận động nông dân tái canh cà phê và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc các loại cây trồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động hội viên tích cực giữ gìn môi trường, xây dựng gia đình văn hóa... “Vừa qua, xã kiến nghị huyện và Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang cho thu hồi một số diện tích cao su tái canh để có đất xây dựng nhà văn hóa. Theo Nghị quyết 57 của HĐND tỉnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ 85% kinh phí xây dựng nhà văn hóa (trước đây là 70%), còn lại vận động nhân dân đóng góp. Như vậy, việc xây dựng nhà văn hóa tại các thôn làng sẽ không còn khó khăn nữa”-ông Mạch cho biết thêm.

Để thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, mới đây, chính quyền xã thống nhất chủ trương thu phí để thuê đội thu gom rác thải đưa sang lò đốt rác ở xã Al Bá xử lý. Bên cạnh đó, những chức danh chủ chốt, chuyên trách chưa đạt chuẩn trình độ học vấn cũng đang được cử đi học.

“Để đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018, trong thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực cho xây dựng NTM thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân. Đồng thời, xã thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo phương châm “việc dễ làm trước, khó làm sau”. Bên cạnh đó, xã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và doanh nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và hoàn thành mục tiêu đề ra”-ông Đỗ Văn Mạch nói.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.