Bình yên một thoáng…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi hay mơ mình có một gác xép khe khẽ gió. Trên đó, tôi trải một tấm thảm để ngả lưng khi cần, kê thêm một tủ sách nhỏ và đặt dăm ba chậu ngọc bích lấy thảo. Đó không phải là một ước mơ quá viển vông nhưng tôi vẫn chưa lý giải được vì sao mình lại nghĩ về không gian ấy nhiều đến như vậy.
Cuộc sống bộn bề quá mà trái tim tôi lại hay yếu mềm, lo âu, ngổn ngang… Những muộn phiền đâu dễ nguôi ngoai như thời thơ bé. Không khéo lại để vụt mất những năng lượng tích cực mà khó khăn lắm mới có được. Cũng chẳng thể nào một bước về lại… ngày xưa, để cười tít mắt với bữa sáng chỉ có món bánh mì chấm sữa, để an lòng sà vào mẹ khi nghe lời thủ thỉ: “Không sao, có mẹ đây rồi”. Bây giờ, sự bình yên đáng ra phải có được thay thế bằng những buổi sớm tỉnh giấc thấy lòng nhẹ bẫng, trống tênh. Bình lặng thế nhưng chưa hẳn là bình yên.
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Mỗi ngày, tôi bước ra bên ngoài, đón nhận những dồn dập của khí trời, những bước chân, âm thanh phố thị… như một cách đối thoại với cuộc sống. Bỗng nhớ ra, tôi cũng thèm độc thoại với chính mình, thèm khoan thai trong ý nghĩ. 24 tiếng trong một ngày quá hẹp để mưu cầu hạnh phúc đủ đầy. Thế là, tôi lại nằm mơ về căn gác xép khe khẽ gió của mình giữa ban ngày. Ở đó, có sách làm bạn tri kỷ, có chiếc lá ngọc bích chờ bàn tay tưới tắm. Trồng thêm một khóm hoa dại vào chậu. Ở đó, chẳng cần một bếp lửa nhưng không khi nào lạnh lẽo. Tôi sẽ nằm yên, tập hít thở lại dưới bầu không khí ấy, tập trút bỏ những ưu phiền để trái tim mềm ra, thênh thang hơn, để ngân nga đôi ba câu hát mà vẫn không làm xao động chốn riêng tư của mình: “Bình yên một thoáng cho tim mềm, bình yên ta vào đêm. Bình yên để đóa hoa ra chào, bình yên để trăng cao…” (lời bài hát “Bình yên”).
Để rồi một đêm nào đó, mưa sẽ bất chợt đổ xuống mái của căn gác nhỏ. Tôi nằm nghe mưa, sẽ dễ vào giấc ngủ như bắt đầu một chuyến đi lúc nào không hay biết, chầm chậm, chầm chậm. Gác lại những vết tích của ngày. Tôi ngủ rồi, bài hát ấy vẫn vang lên, giấu cho tôi những điều thầm lặng. Biết đâu những hạnh phúc tiềm tàng đang chờ tôi trong giấc mơ đêm, những giấc mơ có thể không bao giờ thành hiện thực nhưng vẫn cần có bên đời.
Tôi giấu rất nhiều thứ trong chiếc túi hoài niệm của mình. Thứ gì cất đi thì còn mãi, hiện hữu thật gần mà cũng thật xa xôi. Giấc mơ về gác xép vẫn nằm im đó, cứu tôi những lần tâm trí không thật sự bình yên. Để tôi lại mạnh dạn bước ra ngoài kia, đón nhận những nhọc nhằn mà cũng thấy an lòng như khi bắt gặp một nụ cười, một sự sẻ chia. Để tôi thả những ánh nhìn nhẹ nhõm nhất, sáng trong nhất về phía cuộc đời dù đó là một buổi sáng bầu trời âm u nhất.
Có những lúc, tôi cứ nằm im thế, không cử động dù chỉ là nhấc nhẹ một ngón tay. Biết đâu lại có cho mình một thoáng bình yên…   
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...