"Nghe những tàn phai"(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Nghe đến hai chữ “tàn phai”, hẳn trong lòng chúng ta thường có những nỗi lo lắng sợ hãi vô hình nào đó. Cứ như là sắp vuột mất điều gì từng rất quý giá. Những khoảnh khắc giữa hiển hiện và mất hút, giữa xuân sắc và lụi tàn, giữa mơn mởn và héo úa thường gợi lên những nuối tiếc. Có lẽ, dã quỳ biết rõ quy luật ấy nên những khoảnh khắc lụi tàn vẫn kiêu hãnh tỏa sắc vàng rực rỡ đến kiệt cùng.
   Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Nhìn những đài hoa trơ khấc vẫn ngạo nghễ chen lẫn những đóa vàng mơn mởn vươn lên trong nắng gió cao nguyên mà lòng người dậy lên nhiều cảm xúc gối nhau tựa sóng. Giữa những ào ào gió thổi, lớp lớp bụi đỏ, từng vạt dã quỳ vàng nối nhau ngút tầm mắt ngoại ô, len lỏi vào từng ngõ nhỏ, ngách đất chỉ để lặng lẽ nở những đóa mặt trời khẳng định sự tồn tại của mình.
Những ngày này, dã quỳ đang khép lại mùa hoa. Lá úa đã chen nhiều vào từng mảng xanh thẫm. Ở nhiều vạt đồi, đường mòn, những chiếc đài ngả sang màu nâu đất đã lan dần vào đám hoa vàng cánh mỏng đung đưa. Không hiểu sao, trong sự tàn lụi ấy, người ta vẫn cảm nhận được sức sống mãnh liệt của một loài hoa dại. Những cánh hoa héo tàn rơi rụng nhưng đài hoa vẫn ngẩng cao đầu trước nắng gió khắc nghiệt xứ này. Lẽ thường, tàn sẽ tạ. Nhưng dã quỳ không vậy. Cứ khô dần cho đến tận cuối mùa mà cái dáng vẫn vươn thẳng đầy kiêu hãnh. Dã quỳ đã tự mình phác họa mình bằng thủ pháp nghệ thuật chấm phá cổ điển phương Đông. Những nét họa ấy dẫu có tàn phai vẫn gieo vào mắt nhìn con người một vẻ đẹp gai góc nhưng cũng đầy nét mềm mại. Ấy là những lúc nhìn những nhành cây với từng đài, từng đài nâu thẫm đung đưa theo từng cơn gió thốc. Gió chiều nào cây chao chiều ấy. Chao để mềm mại hài hòa với thiên nhiên dù ở những giây phút cuối cùng của đời cây.
2. Trong những tàn phai lại nghĩ đến nhan sắc cuối chiều của người phụ nữ. Ngẫm cho cùng, đời cây và đời người cũng chẳng khác gì nhau là mấy. Từ những hạt mầm, nảy nở thành cây, vắt kiệt mình để khai hoa nở nhụy, rồi lại lặng lẽ về chiều. Cái tuổi về chiều lại chính là thời khắc mãn khai. Ấy là khi người ta hiểu và thấu được nhiều hơn về cuộc sống. Là khoảng thời gian rực rỡ, đằm thắm, quyến rũ nhất. Ngay cả ánh nắng cuối chiều cũng mang một sức hấp dẫn vô cùng. Ở thời khắc này, sẽ khó tìm được sự hừng hực non tơ tràn đầy nhựa sống của thời xuân sắc. Nhưng sự duyên dáng, tinh tế đầy trải nghiệm lại chính là sợi lạt mềm để kết nối những giá trị thiêng liêng khó thể xa rời. Quả chín trên cây cũng vậy. Những lứa quả cuối cùng bao giờ cũng sần sùi, thô ráp hơn những lứa quả rộ mùa. Vậy mà khi thưởng thức, ai cũng sẽ gật gù bởi sự đậm đà, ngọt thơm. Dường như cây cũng biết chắt chiu những gì còn sót lại để dồn hết cho lứa quả cuối cùng rồi lại tiếp tục một vòng quay mới, sứ mệnh mới của mùa sau.
Trong những tàn phai lại hiểu thêm ít nhiều về lẽ sống ở đời. Chúng ta đôi lúc cứ cuồng quay đi tìm những giá trị tuyệt đối. Nhưng làm gì có điều tuyệt đối trên đời. Nhiều lúc chúng ta cũng cứ mải miết đi tìm những đáp án đúng cho hàng ngàn câu hỏi. Nhưng đáp án đúng lúc này nhưng lúc khác có khi sai. Hoặc đúng với người này chưa chắc đã đúng với người kia. Học hỏi hoa để biết mềm mại hơn trong muôn vàn câu chuyện thường ngày. Rực rỡ và úa tàn đôi lúc đứng bên nhau, sống cùng nhau lại trở nên hài hòa, và biết đâu lại tôn nhau lên để vươn tới những giá trị tốt đẹp.
Trong những tàn phai, tôi nghe những đài quỳ phất phơ như đang reo cùng gió. Tôi nghe tiếng thầm thì khe khẽ bên những cánh vàng mỏng manh cười trong nắng ấm. Hình như chúng muốn nhắn gửi: Tàn phai chưa hẳn đã là hết…
-------------------------
(*): Tên một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
NGÔ THANH VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...