Về ăn cơm mẹ nấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng nay ngồi nghe bạn bè lao xao kể chuyện đưa con đi nhập học ở các trường đại học, cao đẳng. Chúng mới xa nhà có vài ngày mà gọi điện về luôn nói: “Con nhớ cơm mẹ nấu”. Bất giác, nỗi nhớ con trong tôi lại cuộn lên như những ngày đầu con mới đi học xa. Những cuộc trò chuyện cùng con qua điện thoại luôn kéo dài không ngớt. Và rồi, thế nào cu cậu cũng thốt lên: “Con nhớ cơm mẹ nấu quá!”.
“Mẹ ơi, mưa như vậy nhà mình có sao không? Đường dây điện nhà mình ổn chứ? Giờ mà có món cá bống kho tiêu của mẹ thì ăn hết cả một nồi cơm. Nhất là loại cá bống sông nhỏ bằng đầu đũa, bụng đầy trứng thì còn gì bằng. Còn cả món thịt ba chỉ kho mắm ruốc, canh rau tập tàng, cá nục kho măng le... Cả quả ớt cay xé lưỡi ngoài vườn nhà mình nữa chứ. Ôi chỉ nghĩ đến mà con đã thấy đói cồn cào. Khi nào con về mẹ nấu con ăn nhé”. Nghe con nói, tôi chợt nhận ra, chính tôi cũng từng mong mỏi, nhớ thương bữa cơm mẹ nấu biết bao mỗi khi xa nhà. Những món mẹ nấu sao luôn ngon miệng, hợp khẩu vị cả nhà, món nào cũng ngon dù cho chỉ là bữa cơm đạm bạc. Những món ăn ấy mẹ đã dạy tôi nấu, nhưng về ăn cơm với mẹ luôn ngon lành và ấm áp hơn. Chỉ cần nghe tin tôi về là mẹ lại lúi húi vào bếp xào xào, nấu nấu thơm lừng. Mâm cơm bưng lên, cả nhà quây quần. Mẹ tôi mỉm cười mãn nguyện khi những đứa con, đứa cháu vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Về ăn cơm mẹ nấu không chỉ vì hương vị quen thuộc mà còn vì không khí gia đình, hơi ấm của mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng như sợi dây từ bà truyền đến mẹ, từ mẹ truyền qua tôi, rồi con tôi, cháu tôi... Bỏ ngoài cửa những mệt nhọc, lo toan của cuộc sống. Bước vào căn nhà có mẹ là thấy an yên.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Những khi mải mê với công việc, tôi đã có những lần về thăm mẹ chỉ thoáng chốc mà không nán lại ăn cơm cùng. Lướt qua cả ánh mắt mẹ thoáng buồn mà đâu hay mẹ mong mỏi tôi về biết bao. Cách đây 2 năm, tôi chủ nhiệm lớp 1. Trong lớp có cậu bé đi học muộn liền một tuần. Tôi hỏi em lý do nhưng em luôn im lặng, đôi mắt ngân ngấn nước. Hôm ấy, sau buổi học, tôi nán lại trò chuyện cùng em. Nhìn đôi bàn tay móng dài thượt bám đầy đất đỏ, tôi lặng lẽ lấy cái bấm và cắt móng tay cho em. Rồi khẽ hỏi: “Thế không ai cắt móng tay cho em à?”. “Không cô ạ. Anh em không biết cắt”. “Vậy bố mẹ em đi đâu?”. “Bố mẹ em đi làm công nhân xa lắm. Giờ em ở nhà với anh em, anh em học lớp 5. Anh em nấu cơm cho em ăn”. “Em ăn có được không?”. “Được cô ạ, nhưng không ngon như mẹ em nấu”. Tôi cố kìm ngăn giọt nước mắt sắp trào ra, vội lảng sang chuyện khác. Cuối năm học, mẹ cậu bé về rút hồ sơ chuyển em vào ở cùng. Tôi nói: “Từ nay em sẽ được ăn cơm mẹ nấu hàng ngày nhé”. Cậu bé nhìn tôi bẽn lẽn cười, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc. 
Sau điệp khúc được giá mất mùa, được mùa mất giá cùng nhiều đợt dịch bệnh, không ít gia đình đã chịu cảnh chia cách do bố mẹ, anh chị lao vào thành phố, các khu công ngiệp làm công nhân, làm osin... để lại ngôi nhà trống trải và những đứa trẻ. Có đứa may mắn thì được ông bà chăm lo, còn không thì tự chăm sóc nhau. Những bữa cơm gia đình lạnh lẽo với đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác. Được ăn cơm mẹ nấu trở thành nỗi mong chờ.  
Ngoài kia cơn bão chưa tan, mưa như trút. Con trai tôi nơi xa ấy đang cặm cụi vào ca làm việc. Lúc này, tôi chợt ước con về cùng tôi ăn một bữa cơm. Giờ đây, tôi đã hiểu ánh mắt mẹ dợm buồn mỗi khi tôi chỉ ghé qua thăm chốc lát, đã hiểu nụ cười hạnh phúc của mẹ, nụ cười đoàn viên. 
Mong sao mỗi người đều sẽ có những bữa cơm bên mẹ êm ấm.
 TRẦN HỒNG VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...