Mây trời ngang qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những lúc ngước mắt nhìn trời, tôi chợt nghĩ đời người như một áng mây. Khi lãng đãng, bồng bềnh. Lúc nặng trĩu, suy tư. Chợt ẩn, chợt hiện. Rồi có lúc tan biến vào khoảng không vô cùng vô tận…
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Một buổi nọ, ta đã vô tình bắt gặp một áng mây trắng lửng lơ in trên nền trời xanh thẳm. Áng mây ngỡ như tảng bông gòn ai thả trôi ngang trời. Hồn nhiên, trắng trong tựa như thiên thần bé nhỏ. Và rồi ta cứ thế nhìn, ngỡ như mây là bạn, đang cười với ta, rủ ta lên ấy chơi cùng.
Tuổi thơ ta từng có thế giới của mây trời kỳ diệu. Là những tháng ngày cánh diều tuổi thơ vi vút trên bầu trời với mây với gió. Là khi chăn trâu, bắt bướm, ngả mình trên nệm cỏ mướt bờ đê, ta thả hồn mình theo những đám mây. Ráng trời như một người thợ nhuộm, cùng với gió trời là những kỹ sư làm nên những tác phẩm mây đủ hình đủ sắc, kéo căng trí tưởng tượng của thế giới trẻ thơ. Có lúc, mây như một nàng tiên nữ tóc xanh. Có khi lại như một cụ già râu tóc bạc phơ. Hay như một vị thần, một con vật kỳ quái nào đó mà ta đã từng nghe trong những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể.
Những ngày trời nắng chang chang, mây trắng ngắt một màu là những ngày quê ta bước vào mùa gặt. Màu mây, màu nắng hòa lẫn trong màu mắt tươi vui của những cô bác nông dân tay liềm tay hái cùng nhau ra đồng. Khi ấy, ta lại cầm cái túi vải con con lượn quanh những bờ ruộng đang gặt để chộp lấy những chú châu chấu bụng hãy còn béo mẫm mùi sữa lúa. Hay dạo khắp đồng tìm những vũng nước dồn để bắt tôm, bắt cá... Những món ăn dân dã, những thức quà đồng quê bình dị cứ vấn vít hồn ta mãi không rời.
Ở nơi phương trời xa, có lúc ta vẫn bất giác giật mình khi mây đen kéo đến ngang trời. Mây như những cuộn khói được sấm chớp, gió bụi cổ vũ ào ào ập tới. Khi ấy, kiểu gì con vện ở nhà cũng chui vào gầm giường. Con gà mái mơ chạy đến gốc rơm xòe ô cho đàn con ẩn núp. Nhưng lo nhất vẫn là sân lúa đang phơi. Không biết cha mẹ có kịp hốt lúa vào một góc hiên nhà. Bàn tay, bàn chân cha mẹ sẽ thoăn thoắt. Tấm lưng trần của cha, vai áo sờn của mẹ sẽ ướt sũng mồ hôi.
Những khi ngồi một mình, lòng ta lại ngập tràn một cảm giác như mây. Vẩn vơ, dập dềnh bao nỗi niềm thương nhớ. Cũng có lúc, ta nghĩ đời mình như một áng mây trôi. Sinh ra. Lớn lên. Ta nhận ra cái làng quê nhỏ bé của mình không đủ lớn để thỏa những ước mơ. Lòng trĩu nặng tình quê mà chân vẫn cất bước lên đường. Bước chân ta lưu dấu trên những miền đất xa xôi như áng mây ngang qua những phương trời xa thẳm. Rồi khi mệt nhoài với những tính toán, bon chen, ta lại như đám mây cô đơn, nặng nề trôi giữa lưng trời.
Có đám mây nào in hình bóng quê hương, in dấu tuổi thơ ta đánh mất năm nào? Có đám mây nào in dáng hình mẹ cha ta, nơi suối nguồn yêu thương chưa bao giờ vơi cạn? Lòng ta thèm được như một áng mây để nương gió trở về…
Bích Ngân

Có thể bạn quan tâm

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…