Những con đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày còn bé, tôi vẫn hay ra ngoài ngõ chỉ để ngắm nhìn những con đường. Những con đường ngày đó dốc nhiều, ngoằn ngoèo, đỏ rực đất bazan cháy nắng nối từ triền đồi này sang triền đồi khác rồi dần mất dấu trong màu xanh cây cỏ, trong màu vàng đối nghịch của rực rỡ cúc quỳ, lòng luôn tự hỏi những con đường quá dài này sẽ đi về đâu?

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những con đường không trả lời mà cứ mải miết trườn đi, mở rộng ra, lại phân nhánh rẽ liên tục, không ngừng, không nghỉ, chỉ cần có dấu chân người qua lại thì đường sẽ tự mở lối. Nhìn xa về phía trước, vẫn thấy hun hút đường xa, đâu là đích đến, đâu là điểm dừng? Ngày bé tôi đã có ước muốn bỏ nhà đi theo những con đường để biết nó sẽ dẫn về đâu, nhưng chưa bao giờ dám bước ra quá xa con đường rợp bóng mát những cây mít già của cái xóm nhỏ. Thế nên những con đường luôn là nỗi nhớ, luôn là nỗi tò mò.

Đến khi lớn hơn, nỗi nhớ về những con đường bị biến thể khác hơn một chút, tôi loay hoay với những ngã rẽ, luôn băn khoăn tự hỏi những ngã rẽ rồi sẽ dẫn về đâu? Nên chọn một con đường như thế nào để đi cho xứng tầm tuổi trẻ, một con đường chông gai, một con đường trải đầy hoa hồng, con đường gập ghềnh sỏi đá với nắng cháy, hay con đường bằng phẳng với những bóng cây râm mát, hoặc tự mình chệch bước một chút tạo riêng cho bản thân một độc đạo... Để rồi đôi khi, nếu mà trượt té hay và vấp ở ngã rẽ này, tôi lại mường tượng ra ở ngã rẽ kia tôi sẽ không ngã, mà lại gặp điều gì đó vui vẻ hơn, may mắn hơn. Bạn thường nói tôi là kẻ đứng núi này trông núi nọ, cứ tiếc hoài con đường mình không đi.

Rồi đến lúc thực hiện được những ước nguyện của mình lúc nhỏ, rong ruổi trên những con đường xa, say sưa khám phá những điều mới mẻ, những vùng đất xa lạ, những con đường trải nhựa thênh thang thì lại hoài nhớ về những con đường nhỏ hẹp ngày bé. Những con đường ngoằn ngoèo dốc nối dốc, dốc tiếp dốc, những con đường đỏ rực bụi cứ như dải lụa thẫm màu uốn lượn trong gió, hai bên đường vàng rực cúc quỳ như cả ngàn mặt trời bé nhỏ. Những con đường đó vẫn chưa kịp đi hết, vẫn chưa truy đến tận cùng mà đã hăm hở bỏ đó để đi tìm những con đường mới, nên đôi lúc tự thấy mình bạc bẽo. Nhưng tuổi trẻ mà, chỉ chạnh lòng đôi chút vậy, rồi lại đi, cứ đi tiếp thôi, lúc vui, vui tràn, đôi chân cứ bước, cứ tìm những con đường, cứ theo những con đường mà đi. Để rồi có những lúc đang rong ruổi bỗng thấy mỏi mệt, tự truy vấn mục đích của đời người là đâu, sao đi mãi mà chẳng thấy đích tới, sao đi mãi mà chẳng có lối ra trong mê cung? Đường nào cũng có ngã rẽ, chọn ngả này thì tiếc ngả kia, mà đường thì cứ nối đường trải dài ra mãi, chân bước ngả này mà cứ bận lòng không thôi về ngả chưa bước.

Tôi biết, tôi không thích đời giông bão, nhưng cũng không muốn cuộc đời quá bình lặng. Thế nên tôi cứ đi tìm, đi tìm gì đôi khi chính tôi cũng không biết, để rồi khi bóng chiều đổ dài trên bóng mình đơn độc trên con đường thênh thang dọc bước, tôi mới nhận ra. Điều tôi mong mỏi trên con đường dài ấy là có một bóng người đang chờ đợi tôi. Phải, chỉ cần có một người đợi mong tôi ở cuối con đường, thì dù cho có khó khăn, có mỏi mệt đến đâu, tôi cũng sẽ đi, sẽ đi đến cùng. Và vì trái đất là một vòng tròn rộng lớn, nên những con đường sẽ lại dẫn tôi về nơi tôi đã bước đi, thế nên, đợi tôi nhé những con đường đất đỏ. Tôi sẽ về, vì nỗi nhớ tuổi thơ, vì những con đường đã bắt đầu ở đó và vì những người vẫn ở đó chờ tôi...

 Lê Thị Kim Sơn

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.