Ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, một số người lao động (NLĐ) chưa nắm rõ quy định dẫn đến bị thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và không được bảo lưu số tháng hưởng để khi không may bị mất việc làm thì được cộng vào số lần hưởng kế tiếp.

Theo Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ, NLĐ đang hưởng TCTN khi tìm được việc làm mới trong thời gian 3 ngày làm việc thì cần khai báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để chấm dứt hưởng TCTN và bảo lưu số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Quy định là vậy nhưng nhiều lao động đang hưởng TCTN khi có việc làm mới lại không khai báo dẫn tới không được bảo lưu thời gian đã đóng BHTN mà còn bị thu hồi số tiền hưởng TCTN sai quy định.

  Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền chính sách BHTN cho người lao động huyện Krông Pa. Ảnh: Đinh Yến
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền chính sách BHTN cho người lao động huyện Krông Pa. Ảnh: Đinh Yến


Đơn cử như trường hợp anh Trương Ngọc Trinh (SN 1985, trú tại xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Trước đây, anh Trinh làm công nhân tại Công ty Ban Mê (tỉnh Đak Lak). Đến tháng 5-2022, anh về quê để tìm việc làm mới. Theo quy định, anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nộp hồ sơ hưởng TCTN. Theo thời gian đóng BHTN, anh Trinh được hưởng 6 tháng TCTN (từ tháng 5 đến tháng 10-2022) với số tiền 2,79 triệu đồng/tháng. Khi đang hưởng TCTN thì tháng 9-2022, anh tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10-2022, anh Trinh mới đến Trung tâm khai báo có việc làm mới. Việc anh Trinh khai báo tình trạng vị trí việc làm mới chậm trễ dẫn đến không được bảo lưu 2 tháng hưởng TCTN và bị thu hồi 1 tháng (tháng 9) do hưởng sai quy định.

Tương tự, ngày 1-6-2022, chị Phạm Thị Thu (SN 1987, thị xã An Khê) xin nghỉ việc tại Công ty TNHH KMSVina (tỉnh Bình Dương). Ngày 23-8-2022, chị Thu cầm quyết định nghỉ việc và sổ bảo hiểm xã hội gốc đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ để hưởng TCTN. Thời gian hưởng TCTN của chị Thu 3 tháng (từ ngày 16-9 đến 15-12-2022) với mức hưởng 2.838.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi hưởng TCTN tháng đầu tiên, chị Thu quay lại công ty cũ làm việc (từ đầu tháng 9-2022) và không khai báo với Trung tâm về tình hình việc làm mới. Sau khi tìm hiểu, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phát hiện chị Thu tham gia bảo hiểm xã hội đợt đóng mới từ tháng 9-2022. Vì thế, Trung tâm phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh dừng chi TCTN cho chị Thu 2 tháng còn lại. Đến nay, chị Thu vẫn chưa đến Trung tâm để hoàn tất hồ sơ chấm dứt hưởng theo quy định. Chị Thu không những bị thu hồi 1 tháng mà còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc khai báo gian lận tình trạng việc làm đối với NLĐ theo quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến-Phó Trưởng phòng BHTN (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh): Đây là 2 trong nhiều trường hợp sau khi rà soát, phát hiện đang hưởng TCTN tìm được việc làm mới nhưng không thông báo kịp thời cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Đối với những trường hợp có biểu hiện trục lợi quỹ BHTN, Trung tâm đã tham mưu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành văn bản đề nghị thu hồi tiền hưởng TCTN sai quy định của NLĐ. Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp nơi NLĐ có việc làm mới, nơi NLĐ cư trú để họ hoàn trả số tiền đã hưởng sai quy định về cơ quan bảo hiểm xã hội. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp với các cơ quan chức năng thu hồi trên 186 triệu đồng của 43 trường hợp. Hiện còn 34 NLĐ với số tiền hưởng sai quy định 187 triệu đồng chưa thu hồi được.

Hiện nay, NLĐ chưa nắm rõ quy định dẫn đến nhiều trường hợp bị thu hồi tiền hưởng TCTN và không được bảo lưu số tháng hưởng để khi không may bị mất việc làm thì được cộng vào số lần hưởng kế tiếp. “Chính sách BHTN hiện hành cũng bộc lộ những hạn chế như thiếu căn cứ xác định đầy đủ các trường hợp NLĐ có việc làm hay chưa; chưa có chế tài xử phạt mạnh đối với NLĐ không chủ động thông báo hoặc thông báo trễ khi đang hưởng TCTN mà để trục lợi BHTN là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó kiểm soát việc trục lợi quỹ BHTN”-bà Tuyến thông tin.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho hay: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là đối thoại trực tiếp với NLĐ tại các khu công nghiệp, những doanh nghiệp sử dụng lao động số lượng nhiều và NLĐ ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHTN nhằm hạn chế, ngăn chặn kịp thời tình trạng trục lợi quỹ BHTN. Đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề, dạy nghề nâng cao năng lực chuyển đổi vị trí việc làm và có các biện pháp hạn chế sa thải NLĐ ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kịp thời thông báo các trường hợp, đơn vị sử dụng lao động, NLĐ có hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHTN để phối hợp xử lý theo quy định.

 

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Rác thải điện tử về đâu?

Rác thải điện tử về đâu?

(GLO)- Trong khi cả thế giới đang loay hoay với cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải thời trang thì một mối nguy khác đang ập tới, đó là rác thải điện tử.
Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.